Doanh nghiệp Việt làm gì trước sự “tấn công” của hàng ngoại nhập
(Tài chính) Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tham gia thị trường ngách là cách thức để doanh nghiệp (DN) Việt không phải đối đầu trực diện với DN nước ngoài, đồng thời có thể khai thác được các thế mạnh của mình.
Thời điểm thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đang đến rất gần, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, các doanh nghiệp (DN) của Việt Nam cần thay đổi lớn về tư duy trong hội nhập.
Muốn thâm nhập thị trường ASEAN, trước tiên các DN Việt Nam phải làm sao có chỗ đứng, tồn tại và phát triển trên thị trường Việt, trở thành đối tác thay vì đối thủ, tăng sức cạnh tranh, từng bước bước vào thị trường ASEAN, từ đó vững bước đi vào các thị trường lớn hơn.
Phải thâm nhập thị trường ngách
Trong bài viết mới đây đăng tải trên website Bộ Công thương, cơ quan này cho rằng, thách thức lớn nhất của Việt Nam khi tham gia AEC đến từ sự cạnh tranh toàn diện, nghĩa là cạnh tranh không chỉ ở thị trường nước ngoài mà còn trên thị trường trong nước, không chỉ cạnh tranh với DN đến từ ASEAN mà còn phải cạnh tranh với DN các nước ASEAN+ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Sự cạnh tranh không chỉ về hàng hóa mà còn về dịch vụ, đầu tư, sự di chuyển của nguồn lao động có kỹ năng của các nước ASEAN.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội, mức độ cạnh tranh khá khốc liệt khi hàng hóa, dịch vụ của nhiều nước ASEAN có chất lượng cao hơn so với hàng hóa và dịch vụ trong nước. Đặc biệt, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam có tính tương đồng cao với các nước trong khu vực, dẫn đến tính loại trừ rất cao. Chưa kể, các DN của các nước ASEAN, đặc biệt là các nước ASEAN+ có bề dày, kinh nghiệm, kỹ năng quản lý kinh doanh tốt hơn, công nghệ cao hơn và đặc biệt họ có sự chuẩn bị tốt hơn cho hội nhập.
Vì thế, muốn hội nhập thành công thì một trong những vấn đề quan trọng là DN Việt Nam cần có chiến lược tiếp cận thị trường ASEAN khi hàng hóa của các nước ASEAN sẽ tràn ngập Việt Nam sau khi vào AEC.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, qua điều tra cho thấy các DN không quan tâm đến thị trường ASEAN là vì tính loại trừ khiến DN nghĩ rằng họ ít được hưởng lợi nhờ hội nhập AEC. Tiếp theo đó là phải đổi mới tư duy về hội nhập AEC của DN. Cần xem tính loại trừ là động lực để DN đổi mới công nghệ, kỹ năng quản lý qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời cần xem hội nhập AEC là phương pháp quan trọng để nâng cao tính độc lập của nền kinh tế thông qua việc đa dạng hóa thị trường, đối tác để không quá lệ thuộc vào một thị trường, đây là điều hết sức quan trọng.
Muốn thâm nhập vào thị trường ASEAN, DN Việt không có cách nào khác là phải thâm nhập thông qua sự khác biệt của hàng hóa dịch vụ, có nghĩa là phải thâm nhập thị trường ngách. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tham gia thị trường ngách là cách thức để DN Việt không phải đối đầu trực diện với DN nước ngoài, đồng thời có thể khai thác được các thế mạnh của mình.
Tuy nhiên, để thâm nhập thị trường ASEAN, các DN Việt Nam phải làm sao để có chỗ đứng, tồn tại và phát triển trên sân nhà, theo đó các DN cần trở thành đối tác của nhau thay vì đối thủ. Phục vụ tốt thị trường Việt Nam chính là bước đầu tăng năng lực trình độ, từng bước bước vào thị trường ASEAN, từ đó vững bước đi vào các thị trường lớn hơn.
Nỗi lo “mất” lao động tay nghề
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú thì ngoài việc cần phải chú ý sự khác biệt về tôn giáo, văn hóa, lịch sử, quy mô quốc gia... của các nước ASEAN so với các thị trường khác, sự tương đồng trong cơ cấu kinh tế của các nước (vì sự tương đồng này dẫn đến cạnh tranh nội ngành giữa các nước), DN cần chú ý nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng... để cạnh tranh với DN các nước.
Thứ trưởng Tú cho rằng, “Chúng ta sẽ làm được, vì đến nay chúng ta có những thương hiệu có thể cạnh tranh sòng phẳng với các DN của ASEAN. Vấn đề là làm sao để các thương hiệu như thế sẽ ngày càng nhiều hơn”.
Có một thực tế là Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt khi hội nhập không chỉ về hàng hóa mà còn sẽ còn là những cuộc cạnh tranh về dịch vụ, đầu tư, sự di chuyển của nguồn lao động có ký năng trong khối các nước ASEAN.
Phải nhận định rằng, các DN của các nước ASEAN, đặc biệt là các nước ASEAN+ có bề dày, kinh nghiệm, kỹ năng quản lý kinh doanh tốt hơn, công nghệ cao hơn và đăc biệt họ có sự chuẩn bị tốt hơn cho hội nhập. Việt Nam ít kinh nghiệm, sự sẵn sàng cho hội nhập chưa cao, các DN, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải cố gắng vượt qua khó khăn thách thức do bất ổn kinh tế Việt Nam.
Ngoài ra, đối mặt với cạnh tranh là sự di chuyển lao động chất lượng. Lao động có kỹ năng tự do di chuyển có thể dẫn đến chảy máu chất xám. Theo thống kê có 20% lao động Việt Nam có kỹ năng chuyên môn, như vậy có nghĩa khi lao động được tự do di chuyển, lao động có kỹ năng của Việt Nam có khả năng đi ra bên ngoài vì được trả lương cao, hoặc hướng tới các DN đầu tư nước ngoài ngay tại Việt Nam, hoặc lao động có kỹ năng của nước ngoài sẽ thâm nhập vào các vị trí của Việt Nam.
Để tận dụng được cơ hội, vượt qua thách thức, vấn đề chất lượng nguồn nhân lực là rất quan trọng. Theo PGS.,TS. Nguyễn Hồng Sơn, để có nhân lực chất lượng cao, trước hết cần có sự kết hợp giữa nhà trường, DN, Hiệp hội, để nắm bắt được nhu cầu, qua đó đào tạo chuẩn xác lao động có kỹ năng cao với ngành nghề đáp ứng được nhu cầu của xã hội, đặc biệt cần hướng tới đào tạo nhân lực theo chuẩn quốc tế. Các DN, đặc biệt các DN Việt Nam cần có chính sách đãi ngộ để thu hút nhân lực chất lượng cao, tạo môi trường tốt giúp họ phát huy năng lực, qua đó tránh chảy máu chất xám.