Doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng thích ứng với Thỏa thuận xanh EU
Theo Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), việc chuyển đổi xanh hiện đang là xu hướng tất yếu của toàn cầu. Liên minh châu Âu (EU) được đánh giá là một trong những khu vực tích cực nhất trên thế giới trong nỗ lực theo đuổi xu thế này, đặc biệt là với việc thông qua và triển khai Thỏa thuận xanh (EGD) từ đầu năm 2020.
EGD là gói các sáng kiến chính sách khung của EU nhằm mục tiêu xây dựng EU thành khu vực trung hòa về phát thải khí nhà kính vào năm 2050 và giảm thiểu việc sử dụng các nguồn lực tự nhiên trong phát triển kinh tế.
Việc EU từng bước thực thi các mục tiêu trong EGD sẽ có tác động trực tiếp tới các hoạt động kinh doanh trên hoặc với thị trường EU. Nếu các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không sớm thích ứng, chắc chắn EGD sẽ tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam vào thị trường EU như nông sản, dệt may, giày dép, sắt thép, xi-măng, điện tử,...
Tuy nhiên, một thực trạng đáng lo ngại khi mới đây, VCCI thực hiện một khảo sát cho thấy, có tới 88-93% số doanh nghiệp và các chủ thể liên quan khác chưa từng biết tới hoặc mới chỉ nghe nói sơ qua về EGD và các chính sách, quy định cụ thể mà EU đã thực hiện đến thời điểm này. Trong khi đó, không ít chính sách xanh khác của EU có ảnh hưởng trực tiếp tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này đã được ban hành hoặc đang dự thảo, sẽ sớm được thông qua trong thời gian tới. Quan trọng hơn, nhiều thị trường xuất khẩu khác cũng đang có dự định thực hiện các chính sách tương tự EU.
Nếu các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không sớm thích ứng, chắc chắn EGD sẽ tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam vào thị trường EU như nông sản, dệt may, giày dép, sắt thép, xi-măng, điện tử,...
Có thể thấy, những động thái của EU trong chuyển đổi xanh chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể tới một bộ phận không nhỏ của xuất khẩu Việt Nam.
Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đều có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, hạn chế cả về vốn, công nghệ và năng lực quản trị, lại đang trong giai đoạn kinh doanh đầy biến động như hiện tại, việc ứng phó với các thách thức từ EGD sẽ là nhiệm vụ rất khó khăn.
Tuy nhiên, với việc chủ động theo dõi, tìm hiểu kỹ và thích ứng nhanh với các chính sách trong khuôn khổ EGD có liên quan, sẽ giúp các doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt, phát triển xuất khẩu bền vững ở thị trường EU và nhiều thị trường khác tương tự.
Về lâu dài, nếu sớm triển khai EGD, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường xanh tiềm năng, xuất khẩu bền vững đi các thị trường phát triển, tiết kiệm chi phí, cải thiện hiệu quả kinh doanh trong thời gian dài hạn và góp phần chuyển đổi xanh tại Việt Nam.
Xét về vĩ mô, để vượt qua khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai và đạt mục tiêu đề ra, nền kinh tế Việt Nam cần nâng cao sức chống chịu và phát triển bền vững, trong đó tiến tới sản xuất xanh, xuất khẩu xanh. Từng doanh nghiệp tham gia cũng góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh trong nền kinh tế, đóng góp có ý nghĩa vào tiến trình phát triển bền vững của Việt Nam.