Xuất khẩu ngày càng khó vì vướng "barie" xanh
Không chỉ phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe về chất lượng, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan tới phát triển bền vững hay còn gọi là những “barie” xanh.
Một con số khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khiến nhiều người giật mình khi hơn 80% doanh nghiệp (DN) được hỏi chưa từng biết đến hoặc chỉ nghe sơ qua về Thỏa thuận Xanh của EU. Thỏa thuận Xanh (EGD) là Chương trình tổng thể và dài hạn của Liên minh châu Âu (EU) nhằm ứng phó với các vấn đề khẩn cấp về khí hậu toàn cầu đến năm 2050.
EU đưa ra nhiều quy định siết chặt
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc VCCI, với các chính sách xanh được nhận diện tới thời điểm hiện tại của Thỏa thuận Xanh EU, các nhóm sản phẩm xuất khẩu (XK) của Việt Nam được dự báo sẽ chịu tác động mạnh nhất từ quá trình chuyển đổi xanh ở thị trường EU trong thời gian tới, gồm: Sản phẩm điện, điện tử, công nghệ thông tin, máy móc thiết bị, 3 linh kiện liên quan; Nông sản (đặc biệt là cà phê, điều, hạt tiêu, cacao, thịt,…), thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ; Thực phẩm các loại (đặc biệt là thực phẩm hữu cơ); Dệt may, giày dép; Các loại hóa chất, phân bón, pin, ắc quy; Sắt thép, nhôm, xi măng; và Bao bì của các loại sản phẩm (nhất là bao bì thực phẩm, hóa chất…).
“Do đó, việc đầu tiên cần làm để ứng phó với các tác động của Thỏa thuận Xanh EU tới XK Việt Nam là chủ động tìm hiểu để nhận biết, nắm bắt chính xác và thường xuyên cập nhật về các chính sách xanh cụ thể của EU có liên quan tới từng loại sản phẩm XK”, bà Trang kiến nghị.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Quân - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU, thông tin hiện EU đã áp dụng ngày càng chặt chẽ hơn các quy định về xanh và bền vững. Thương vụ đề nghị DN tìm hiểu kỹ thông tin và có kế hoạch phát triển thị trường một cách bài bản. Đồng thời, quản lý chất lượng, tiếp tục theo dõi và thông báo rộng rãi cho hiệp hội, DN, HTX sản xuất, XK sang EU cần thực hiện nghiêm quy định để giảm tần suất cảnh báo.
Cơ chế điều chỉnh Carbon (CBAM) của EU được ông Quân cho hay, sẽ tác động trực tiếp lên 4 nhóm ngành sản xuất, XK lớn của Việt Nam là sắt thép, xi măng, nhôm và phân bón. Do vậy, Việt Nam cần có lộ trình, văn bản chi tiết để hướng dẫn DN tiếp cận cơ chế CBAM và có thể ban hành các gói ưu đãi hỗ trợ DN chuyển đổi sang sản xuất sạch hơn, tránh bị đánh thêm thuế carbon khi XK sang EU.
Liên quan tới quy định chống phá rừng của EU, ông Tô Xuân Phúc - Giám đốc chương trình Quản lý tài nguyên và chính sách thương mại (Tổ chức Forest Trend), cho biết theo quy định sẽ có 7 nhóm mặt hàng chịu tác động. Trong đó, Việt Nam sẽ có 3 nhóm mặt hàng chính là gỗ, cà phê, cao su với tổng kim ngạch XK vào EU trên 2 tỷ USD/năm. Dự kiến, quy định trên sẽ có hiệu lực chính thức vào tháng 12/2024 đối với các nhà nhập khẩu quy mô lớn. Do vậy, ngay lúc này, ông Phúc cho rằng các DN của Việt Nam cần phải đặc biệt lưu tâm tới các quy định mới của EU.
Thích ứng còn khó khăn
Theo ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), quy định chống phá rừng của EU ảnh hưởng rất lớn tới ngành cà phê của Việt Nam, khi phương thức sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ. Với 710.000 ha diện tích trồng cà phê nhưng có tới trên 600.000 hộ nông dân, tức là mỗi hộ nông dân chỉ sở hữu từ 0,5-1 ha đất trồng cà phê. Các hộ nông dân là những đối tượng yếu thế trong chuỗi cung ứng.
Ngành cà phê Việt Nam hiện mới chỉ có khoảng trên 30% diện tích được EU chứng nhận là sản xuất bền vững, trên 60% diện tích cà phê còn lại chưa được chứng nhận do liên quan đến vấn đề truy xuất. “Với việc EU đưa ra các yêu cầu về trách nhiệm giải trình, phía Việt Nam cần những hướng dẫn chi tiết để các DN có thể đáp ứng”, ông Nam Hải nhìn nhận.
Nhìn chung, DN nhỏ chưa tiếp cận thông tin về những thay đổi, do vậy điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng khi quy định chính thức có hiệu lực. Vì vậy, ông Tô Xuân Phúc nhấn mạnh, cần gia tăng hiệu quả thích ứng quy định mới, tăng sự liên kết của các Bộ trong việc chuẩn bị dữ liệu thông tin nền chia sẻ với EU, kết nối các Bộ với chính quyền địa phương và ban hành kế hoạch thích ứng cho DN.
Không chỉ EU, nhiều thị trường trên thế giới cũng đưa ra hàng loạt quy định về phát triển xanh. Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, xu hướng tiêu dùng sản phẩm thay thế thịt, bảo vệ môi trường với bao bì đóng gói hạn chế sử dụng nguyên liệu nhựa, mô hình quản trị ESG. Tuy vậy, ngay cả những tiêu chuẩn như vệ sinh an toàn chất lượng, hàng XK của Việt Nam vẫn còn khó đáp ứng.
Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc đưa ra cảnh báo DN Việt Nam về vi phạm mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với mặt hàng nông sản Việt Nam XK sang Hàn Quốc, đặc biệt là mặt hàng ớt đông lạnh.
Theo đó, Bộ An toàn thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) đã tiến hành thu hồi sản phẩm ớt có xuất xứ Việt Nam đang được bán tại thị trường Hàn Quốc với lý do phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật “PLS” vượt ngưỡng cho phép khi kiểm tra ngẫu nhiên sản phẩm ớt đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Khối lượng thu hồi là 24 tấn ớt đỏ đông lạnh sản xuất năm 2022 được đóng gói trong bao 20kg; 01kg và 500g do một Công ty thương mại Hàn Quốc nhập khẩu từ một công ty Việt Nam.
“Những vụ việc như trên nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh nông sản Việt Nam”, Thương vụ nhấn mạnh. Theo kế hoạch kiểm tra đối với nông sản nhập khẩu vào Hàn Quốc của Bộ MFDS, mặt hàng ớt đông lạnh của Việt Nam nằm trong giai đoạn kiểm tra từ 31/3/2023 đến 30/3/2024 đối với 7 loại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Do đó, Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc đề nghị các DN chế biến, XK nông sản nói chung và đối với mặt hàng ớt đông lạnh nói riêng cần nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định của Hàn Quốc về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khi XK nông sản sang thị trường này.