Doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực triển khai các dự án lớn

Gia Hân

Tham dự cuộc gặp mặt của Thường trực Chính phủ với các đại diện doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, sáng 4/10, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cho rằng, DN Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để tổ chức triển khai và kiểm soát các dự án lớn. Chính phủ có thể "đặt đề bài" cho các DN tầm cỡ trong nước, bảo lãnh cho họ trực tiếp vay vốn và đàm phán với các đối tác nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV phát biểu tại cuộc gặp mặt.
Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV phát biểu tại cuộc gặp mặt.

Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho hay, việc đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư công của Nhà nước, đặc biệt là hai siêu dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là hết sức cấp thiết để tạo nền tảng bứt phá cho các vùng, địa phương thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2026 và những năm tiếp tới.

Một thách thức đặt ra là "nguồn vốn" để thực hiện các dự án, làm sao để các Dự án đúng tiến độ, hiệu quả và đặc biệt là "tiết kiệm chi phí hợp lý".

Vì thế, Hiệp hội DNNVV Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cần có một đề án cụ thể về "Thu hút nguồn vốn trong nhân dân" để phục vụ hai dự án nêu trên, có thể thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất hấp dẫn để khuyến khích người dân tham gia. Đặc thù của DN và người dân Việt Nam là khi Tổ quốc, Đất nước cần thì sẵn sàng ủng hộ hết mình.

 

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam hiện có hơn 930 nghìn DN đang hoạt động cùng khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Lực lượng DN, doanh nhân hiện đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động, 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Thân nhấn mạnh, DN Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để tổ chức triển khai và kiểm soát các dự án lớn. Chính phủ có thể "đặt đề bài" cho các DN tầm cỡ trong nước, bảo lãnh cho họ trực tiếp vay vốn và đàm phán với các đối tác nước ngoài (để mua công nghệ, thuê chuyên gia...).

Việc này một mặt sẽ tiết giảm chi phí rất lớn từ việc tham gia của cơ quan nhà nước trong tất cả các khâu, mặt khác sẽ gia tăng hiệu quả và tránh được rủi ro cho các nhà thầu.

Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho biết thêm, nước ta hiện có 3% là DN lớn, đa phần hoạt động đa lĩnh vực, đa ngành nghề. Lực lượng DN lớn đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế và chuỗi giá trị trong nước. Do đó, Chính phủ cần trao đổi và giao nhiệm vụ cụ thể cũng như ban hành những chính sách hỗ trợ đặc thù cho các DN lớn để họ tập trung phát triển một lĩnh vực ngành nghề mũi nhọn.

Từ góc độ DN lớn, Thiếu tướng Tào Đức Thắng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cho rằng, cần nâng cao vai trò ngoại giao kinh tế để hỗ trợ DN đầu tư ra nước ngoài. Đồng thời kiến nghị giao nhiệm vụ cho các DN đầu đàn, với những thế mạnh tại những vùng, khu vực cụ thể, cùng với các DN khác của Việt Nam tạo hệ sinh thái đầy đủ tại các nước đầu tư.

Liên quan đến thị trường tài chính, thu hút đầu tư, bà Huỳnh Bích Ngọc - Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn TTC kiến nghị Chính phủ tạo cơ chế với các chính sách khuyến khích khối DN tư nhân niêm yết các loại hình hàng hóa mới trên thị trường chứng khoán để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài dài hạn.

Để hỗ trợ thị trường vốn Việt Nam phát triển, Phó Chủ tịch TTC nhấn mạnh việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là rất cần thiết, bởi Việt Nam có tiềm năng lớn về dân số và sự phát triển nhanh chóng của thị trường tài chính trong nước, lợi thế về múi giờ đối với 21 trung tâm tài chính lớn nhất thế giới hiện hữu.