Loạt bài: Khẩn trương thực hiện chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị thiệt hại do bão lũ:

Bài 1: Cấp bách tạo "trợ lực" tài chính cho người dân và doanh nghiệp

Thùy Linh

Cơn bão số 3 (Yagi) đi qua đã để lại hậu quả vô cùng nặng nề cho các tỉnh phía Bắc. Việc giúp người dân, doanh nghiệp sớm ổn định cuộc sống, trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh là việc làm cấp thiết. Theo đó, các cấp chính quyền từ Trung ương đến các địa phương đã có những chỉ đạo, kịp thời xây dựng, ban hành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó nổi bật là các chính sách hỗ trợ về thuế, phí để tạo nguồn lực tái sản xuất, kinh doanh.

Công ty Dũng Hường (TP. Hải Phòng) bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3.
Công ty Dũng Hường (TP. Hải Phòng) bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3.

Thiệt hại nặng nề

Hơn 1 tháng đã trôi qua nhưng những thiệt hại mà Bão số 3 (Yagi) gây ra vẫn để lại hậu quả dai dẳng và nặng nề. Cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua đã gây thiệt hại vô cùng lớn về người, tài sản, cây trồng, vật nuôi, các hạ tầng kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh tại 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP cả năm có thể giảm khoảng 0,15 điểm % do thiệt hại của cơn bão số 3. Ở góc độ kinh tế, khoảng 240.000 căn nhà đã bị sập đổ, hư hại; hơn 300.000 ha lúa, hoa màu và cây ăn quả bị ngập úng, gãy đổ; gần 3 triệu con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Có đến 26 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão lũ là khu vực chiếm đến 41% GDP và 40% dân số cả nước. Những thiệt hại do bão đặt ra thách thức rất lớn về tốc độ tăng trưởng từ nay tới cuối năm.

Sau bão lũ, nhiều doanh nghiệp ở các khu công nghiệp trọng điểm phải đối mặt với sự tàn phá lớn. Các khu công nghiệp như VSIP và Nam Cầu Kiền (TP. Hải Phòng) chịu thiệt hại nặng nề khi nhà xưởng bị hư hỏng, mái lật, nước tràn vào kho, và các thiết bị, phương tiện sản xuất bị hư hại. Doanh nghiệp không chỉ mất nguồn thu trong thời gian sản xuất bị gián đoạn mà còn phải gánh chịu những chi phí khắc phục hậu quả sau bão. Chẳng hạn, Công ty TNHH Việt Trường ở Hải Phòng có hai trong ba nhà máy bị ảnh hưởng nghiêm trọng, buộc phải tạm dừng hoạt động trong vòng 20 ngày để sửa chữa và đảm bảo an toàn sản xuất. Nguyên liệu nhập khẩu của Công ty đang bị lưu giữ tại cảng, chịu thêm chi phí lưu kho, làm tăng gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.

 

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hàng loạt doanh nghiệp bị thiệt hại bởi bão lũ đang đứng trước nguy cơ đóng cửa, ngừng hoặc giảm sản xuất vì các trang thiết bị, nhà xưởng... phục vụ sản xuất đều bị hư hại. Việc khôi phục sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đang trong tình cảnh gắng gượng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế, sinh kế của người dân, người lao động.

Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp điển hình trong số các doanh nghiệp đang vật lộn với các thiệt hại và cần các chính sách hỗ trợ để tái khởi động. Ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) cho biết, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam đã bị thiệt hại nghiêm trọng do bão số 3, nhất là ở Quảng Ninh, TP. Hải Phòng. Nhiều hàng hóa hư hại, nhà xưởng, kho... bị đổ, sập, máy móc ngập nước không thể hoạt động. Có nhà máy ở Hải Phòng gần biển, cả tầng hầm lẫn tầng 1 đều ngập nước, doanh nghiệp dự kiến phải mất vài tháng để khắc phục, đặt hàng và nhập lại máy móc để vận hành.

Không chỉ doanh nghiệp trong các khu công nghiệp mà cả doanh nghiệp ngành nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Ngành Thủy sản thiệt hại khoảng 2.500 tỷ đồng và ngành Chăn nuôi thiệt hại khoảng 2.000 tỷ đồng. Những doanh nghiệp trong các lĩnh vực này đang đứng trước thách thức không chỉ về việc khôi phục sản xuất mà còn về việc duy trì chuỗi cung ứng, đặc biệt khi nhu cầu xuất khẩu đang ở mức cao.

Ngành Thuế khẩn trương hướng dẫn chính sách giúp tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tập trung khắc phục hậu quả bão số 3. 
Ngành Thuế khẩn trương hướng dẫn chính sách giúp tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tập trung khắc phục hậu quả bão số 3. 

Khẩn trương vào cuộc

Để hạn chế hậu quả của cơn bão này gây ra, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, nhanh chóng. Không chậm trễ, ngày 17/9/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143-NQ/CP về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình, hỗ trợ nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão lũ, sạt lở đất sau siêu bão số 3.

Triển khai ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã khẩn trương hướng dẫn chính sách giúp tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão. Theo đó, ngày 16/9, Tổng cục Thuế đã có Công văn số 4062/TCT-CS chỉ đạo Cục Thuế tại 26 tỉnh, thành bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị tổn thất thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế.

Theo quy định hiện hành, trường hợp bị thiệt hại vật chất do thiên tai gây ra, người nộp thuế được gia hạn nộp thuế không quá 2 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế. Ngoài ra, người nộp thuế còn được miễn tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, miễn tiền chậm nộp thuế. Trường hợp không có khả năng nộp hồ sơ khai thuế đúng hạn, người nộp thuế cũng được gia hạn nộp.

Về chính sách miễn, giảm các sắc thuế, như đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, Tổng cục Thuế hướng dẫn các doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đối với phần giá trị tổn thất do thiên tai. Phần giá trị tổn thất do thiên tai được xác định bằng tổng giá trị tổn thất trừ (-) phần giá trị được bồi thường theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ đối với khoản chi trực tiếp có tính phúc lợi như chi trực tiếp hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Tổng số chi không quá 1 tháng lương bình quân thực tế trong năm tính thuế của doanh nghiệp.

Về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, theo Tổng cục Thuế, người nộp thuế sản xuất hàng hóa thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt gặp khó khăn do thiên tai thì được giảm thuế. Song, số thuế được miễn không quá 30% số thuế phải nộp của năm xảy ra thiệt hại và không vượt quá giá trị tài sản bị thiệt hại sau khi được bồi thường (nếu có).

Về miễn, giảm thuế tài nguyên, người nộp thuế tài nguyên được xét miễn giảm thuế phải nộp cho số tài nguyên bị tổn thất. Trường hợp đã nộp thuế thì được hoàn trả số thuế đã nộp hoặc trừ vào số thuế tài nguyên phải nộp của kỳ sau.

Đối với thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, người nộp thuế được giảm 50% số thuế phải nộp giá trị thiệt hại về đất và nhà trên đất do thiên tai gây ra từ 20 - 50% giá tính thuế.

Đối với hộ, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn do thiên tai, Tổng cục Thuế nhấn mạnh sẽ được giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thu đặc biệt, thuế tài nguyên... Cụ thể, mức thuế thu nhập cá nhân được giảm tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp.

Với thuế tiêu thụ đặc biệt, hộ, cá nhân kinh doanh cũng được giảm thuế tương ứng với tổn thất thực tế do thiên tai gây ra nhưng không quá 30% số thuế phải nộp của năm xảy ra thiệt hại và không vượt quá giá trị tài sản bị thiệt hại sau khi được bồi thường (nếu có).

Đối với thuế tài nguyên, mức thuế được giảm tương ứng số tài nguyên bị tổn thất. Trường hợp đã nộp thuế thì được hoàn trả số thuế đã nộp hoặc trừ vào số thuế tài nguyên phải nộp của kỳ sau.

Để được giảm thuế, hộ, cá nhân kinh doanh nộp hồ sơ đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Trong thời hạn 30 - 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý thuế quyết định miễn, giảm thuế hoặc thông báo bằng văn bản lý do không thuộc diện được giảm thuế.

Đối với hộ kinh doanh bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do thiên tai thì được gia hạn nộp thuế không quá 2 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế. Người nộp thuế không bị phạt và không phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền nợ thuế trong thời gian gia hạn nộp thuế.

 

Ông Lê Hồng Minh - Chủ trang trại nuôi gà (xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây) cho biết, trang trại của gia đình đang chăn nuôi 36.000 con gà, trong đó có 18.000 con gà công nghiệp chăn nuôi gia công cho Công ty TNHH EMIVEST FEEDMILL Việt Nam. Cơn bão số 3 và những ngày mưa, lũ vừa qua đã làm cho toàn bộ trang trại bị thiệt hại đáng kể.

“Theo như tôi tìm hiểu, với hộ, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng do gặp thiên tai được giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thu đặc biệt, thuế tài nguyên. Ngoài ra, chúng tôi được gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân. Đáng chú ý là đối với hộ kinh doanh bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do thiên tai (lũ lụt) được gia hạn nộp thuế không quá 2 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế. Chúng tôi rất mong được ngành Thuế xem xét, đẩy mạnh việc thực hiện hỗ trợ để chúng tôi có nguồn vốn và động lực khôi phục sản xuất, sớm ổn định cuộc sống”, ông Lê Hồng Minh chia sẻ.