Doanh nghiệp Việt sẽ hưởng gì khi hội nhập?
(Taichinh) - Khi các hiệp định thương mại tự do được kí kết, doanh nghiệp Việt sẽ thế nào, liệu rằng có tiếp tục lớn mạnh được không nếu các chính sách bảo hộ, hỗ trợ của nhà nước đang ngày càng thu hẹp, trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động với nhiều ưu đãi hơn.
Một lần nữa bức tranh về diện mạo doanh nghiệp (DN) Việt sẽ như thế nào lại được đưa ra tại Hội thảo Tác động của các hiệp định đầu tư song phương (BIT) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang đàm phán (như TPP) tới các mục tiêu phát triển dài hạn của Việt Nam – do Viện Nghiên cứu Quản lí kinh tế trung ương (Ciem) tổ chức ngày 29/6.
Thế mạnh bị lấn sân!
Cụ thế đối với trường hợp ngành công nghiệp thực phẩm, khi thuế suất nhiều loại thực phẩm nhập khẩu giảm theo cam kết, ngành chế biến trong nước sẽ chịu sức ép cạnh tranh từ sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Như sữa nội khó cạnh tranh với sữa ngoại, đặc biệt là sữa bột với 75% thị phần sữa bột tại Việt Nam là của các hãng nước ngoài.
Cùng với đó, thuế suất nhập khẩu sản phẩm thịt từ Úc, Newzealand sẽ giảm về 0-5% khiến giá thịt nhập khẩu rẻ đi. Như năm 2014, khoảng 400 triệu USD đã được sử dụng để nhập khẩu các sản phẩm thịt chế biến từ thị trường này.
Trong khi đó, thách thức về xuất khẩu là tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản rất khắt khe. Các khía cạnh quy chuẩn/tiêu chuẩn kỹ thuật bị kiểm soát rất chặt, rủi ro trừng phạt bởi biện pháp phòng vệ thương mại tại nước nhập khẩu: chống bán phá giá và chống trợ cấp… đang thách thức DN trong nước.
Ông Nguyễn Anh Dương, Phó trưởng Ban, Ban Chính sách kinh tế vĩ mô (Ciem), cho rằng khi gia nhập các FTA, Việt Nam đã cắt giảm thuế ưu đãi quá nhanh (ngay cả với một số mặt hàng cơ bản như gạo, thức ăn chăn nuôi), ảnh hưởng đến giá trị gia tăng của ngành.
Từ năm 2011, ngay khâu thu mua nông sản cũng mở rộng cửa cho thương nhân nước ngoài. Kết quả là DN trong nước bị ảnh hưởng vì liên quan đến cạnh tranh mua nguyên liệu đầu vào, nhiều DN hoạt động không đủ công suất.
Xu hướng cắt giảm thuế quan của Nhà nước với ngành công nghiệp chế biến còn diễn ra mạnh mẽ và đi trước lộ trình cam kết. "Lẽ ra phải 10 năm thuế nhập khẩu mới giảm về 0% nhưng chỉ sau 5 năm, Việt Nam đã hoàn tất lộ trình giảm thuế, vô tình mang lại rủi ro cho DN trước hàng nhập khẩu nếu các hiệp định thương mại tự do được kí kết", ông Dương nói.
Đối với ngành công nghiệp điện tử, hiện có nhiều chính sách hỗ trợ DN ngành điện tử phát triển nhưng đây là các chính sách chung cho cả DN nội địa và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong khi đó, ở Việt Nam, sự hiện diện của rất nhiều DN FDI và dường như địa chỉ hỗ trợ chủ yếu rơi vào DN FDI.
Theo Ciem, trường hợp Samsung là một ví dụ. Khi đầu tư vào Việt Nam, tập đoàn này đã liên tiếp đòi các ưu đãi lớn. Để thực hiện dự án Samsung Electronics CE Complex với tổng vốn đăng ký 1,4 tỷ USD, Samsung Electronics Việt Nam (gọi tắt là Samsung) đã "đòi" 3 ưu đãi đặc biệt, có tính ngoại lệ theo quy định hiện hành.
Cụ thể Samsung "xin": Miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu xây dựng dự án; Miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên vật liệu và linh kiện dùng cho sản xuất trong vòng 5 năm kể từ ngày bắt đầu đưa dự án vào sản xuất, hoặc cho tới khi tất cả các dòng thuế của Việt Nam được cắt giảm còn 0% theo các cam kết trong ATIGA; Cơ chế ưu đãi liên quan đến thủ tục hải quan/thông quan.
Tổng giá trị miễn thuế theo đề xuất ước tính tương đương khoảng 15,5 triệu USD, bao gồm 7,5 triệu USD miễn thuế cho các đầu vào nhập khẩu dùng cho sản xuất các sản phẩm tiêu dùng nội địa và 8 triệu USD miễn thuế nhập khẩu đối với các nguyên vật liệu xây dựng.
Trong khi đó, thu ngân sách từ Samsung lại tương đối thấp do mức miễn giảm thuế cao. 5 tháng đầu năm 2013, mức miễn giảm thuế của Samsung lên đến 18 triệu USD, còn mức đóng thuế ròng chỉ ở mức 17,3 triệu USD. Ưu đãi lớn là vậy, song sự tham gia của doanh nghiệp trong nước vào chuỗi giá trị của Samsung và chuyển giao công nghệ còn hạn chế, vì các doanh nghiệp trong nước chủ yếu tham gia vào các công đoạn sản xuất giản đơn.
"Made in Vietnam" thay vì "made by Vietnam"
Samsung không phải là cái tên duy nhất khi đưa ra nhiều yêu sách đối với Chính phủ Việt Nam, mà đề xuất giảm thuế của Toyota mới đây cũng đang là bài toán hóc búa cho Chính phủ, bởi không chỉ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp phụ trợ trong nước mà còn cả hệ thống thuế áp dụng cho các doanh nghiệp khác.
Theo đó, Toyota đã đưa ra 5 đề xuất giúp duy trì sản xuất tại Việt Nam sau năm 2018. Đáng chú ý trong số này là các đề xuất giảm thuế nhập khẩu cho linh kiện lắp ráp Nhật Bản từ mức 15-25% theo cam kết WTO xuống 0%; đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp sản xuất ôtô và đề xuất Chính phủ hỗ trợ cho xe lắp ráp CKD tương đương 50% mức chênh lệch chi phí sản xuất xe trong nước và xe nhập khẩu.
Trong khi đó, ngoài những "đặc quyền" mà các DN FDI yêu cầu, đối với Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam đang đàm phán, trong ngành điện tử còn có cơ chế nhà đầu tư nước ngoài được phép kiện nhà nước ra tòa án quốc tế, còn DN trong nước thì không.
Ts. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: "Đúng là ngành điện tử đang được hỗ trợ nhưng người hưởng lợi chủ yếu là DN FDI" .
Trước thách thức trên, ông Nguyễn Anh Dương, cho rằng điều đáng tiếc ở ngành điện tử là chúng ta muốn có một ngành sản xuất tại Việt Nam chứ không phải yếu tố do người Việt Nam sản xuất: Made in Vietnam thay vì Made by Vietnam. Cái chúng ta cần chú ý không chỉ là thành tích xuất khẩu, thu hút FDI mà còn là người Việt Nam được hưởng gì từ những thành tích này.
Khi mà ngay cả 2 ngành thế mạnh của Việt Nam là nông nghiệp và du lịch nhưng lâu nay không được đầu tư bài bản, thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước. Dẫn chứng là tình trạng nông sản thực phẩm của Trung Quốc kém chất lượng đang tràn vào Việt Nam.
Hay như với ngành gỗ, mang tiếng là ngành xuất khẩu chủ lực nhưng vừa qua, đại diện Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. HCM (HAWA) lại cho biết không nhận được nhiều chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. "Chỉ có chương trình xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương tổ chức hằng năm cho khoảng 12 DN xuất khẩu đi Mỹ triển lãm đồ gỗ tại Hight Point hoặc Las Vegas. Chương trình dù nhỏ nhưng hiệu quả, có điều năm nay bị cắt rồi", ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch HAWA, cho biết.
Như vậy, phải chăng vấn đề là do chúng ta hội nhập quá nhanh như Chủ tịch Ủy ban Tư vấn Chính sách thương mại quốc tế của VCCI, Ts. Trần Hữu Huỳnh, đặt câu hỏi: Liệu chúng ta có quá "hăng hái" khi tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA)? Bởi càng gia nhập nhiều, chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho DN trong nước càng thu hẹp, khi đó DN Việt có đứng vững trước làn sóng cạnh tranh khốc liệt? Hay theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang, "Chúng ta tự nguyện mở cửa, loại bỏ thuế trước lộ trình là điều đáng tiếc, giống như nhà mình đang to mà tự nguyện… cắt bớt cho nhỏ lại".