Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần làm gì để tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?
Viễn cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 dự báo sẽ có những tác động đến cơ cấu kinh tế của tất cả quốc gia nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Cùng với đó, hoạt động giao thương thương mại giữa các nước cũng sẽ có những thay đổi. Tuy vậy, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, dù thách thức của cuộc cách mạng 4.0 là rất lớn, song nếu biết chọn đúng thời cơ và tận dụng một cách linh hoạt, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được những thành công vượt bậc, tạo bước phát triển đột phá cho nền kinh tế.
Nhận diện những tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến xuất khẩu
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ bình quân 17,5%/năm. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu đạt 176,6 tỷ USD, năm 2017 dự kiến vượt mốc 200 tỷ USD. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu đến ngày 15/8/2017 đã đạt con số xấp xỉ 124 tỷ USD, tăng gần 19%. Đến nay, đã có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Mới đây, Tổ chức Thương mại Thế giới cũng xếp Việt Nam ở vị trí 26 trong số các nền kinh tế có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất. Với một nền kinh tế hội nhập sâu rộng và có độ mở ngày càng cao, lại đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) được dự đoán sẽ tạo ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm cho Việt Nam.
Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được đặt ra mục tiêu tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng đang và sẽ có lợi thế xuất khẩu, trên cơ sở khai thác tối đa lợi thế so sánh hiện có, đồng thời tạo ra lợi thế so sánh mới dựa trên ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao và các thành tựu của cuộc CMCN 4.0. Có thể chỉ ra những cơ hội và thách thức mà cuộc CMCN 4.0 sẽ mang lại cho DN xuất khẩu.
Về cơ hội:
CMCN 4.0 giúp DN xuất khẩu Việt Nam có cơ hội tiếp cận hoặc thay đổi vượt bậc về công nghệ khai thác, sản xuất và chế biến sản phẩm. Với những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, người máy, internet của vạn vật, công nghệ nano, công nghệ sinh học phân tử, công nghệ di truyền… CMCN 4.0 có thể giúp nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm xuất khẩu và tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường – vốn là những điểm yếu của DN xuất khẩu của Việt Nam hiện nay.
Cuộc cách mạng này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các “nhà máy thông minh” hay “nhà máy số”, mà ở đó các thiết bị máy móc thông minh giao tiếp với nhau bằng hệ thống mạng; Tạo ra chuỗi cung ứng sản xuất đạt hiệu quả cao nhất về thời gian xử lý, thời gian lưu kho, nâng cao năng suất… đưa lĩnh vực xuất khẩu có những thay đổi mang tính đột phá.
Bên cạnh đó, DN xuất khẩu cũng giảm được 30-80% chi phí hoạt động, quản lý; Tiếp cận với thị trường mới, kết nối và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và trong khu vực cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là thông qua những việc cải tiến quy trình, cải tiến sản phẩm dịch vụ và nâng cao năng suất lao động. Các DN theo đó có thể kết nối và tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa dịch vụ trong khu vực và toàn cầu ở mức độ tốt hơn. Đặc biệt là có cơ hội tham gia những chuỗi giá trị với hàm lượng công nghệ cao hơn.
Về thách thức:
CMCN 4.0 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản phẩm xuất khẩu, nhất là khi các công đoạn của DN được ứng dụng công nghệ tự động hóa, giảm thiểu số lượng nhân công lao động. Các ngành hàng xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức.
Hoạt động trong lĩnh vực dệt may cho rằng, CMCN 4.0 sẽ đưa đến một cuộc cạnh tranh hết sức khốc liệt giữa các DN nói chung và DN dệt may nói riêng. Hiện nay, ở một số ngành thời trang yêu cầu mẫu mã và chất lượng cao nhiều DN trên thế giới đã sử dụng hệ thống robot để thiết kế và sản xuất sản phẩm thay cho con người.
Bài toán đầu tư công nghệ sao cho hiệu quả? Việc đầu tư công nghệ của các DN cùng với khả năng tài chính của DN có đáp ứng được nhu cầu tiếp cận công nghệ mới hay không? DN sẽ đầu tư ở mức nào là phù hợp để không lãng phí, vừa mang lại hiệu quả lại không thay đổi cấp độ quá nhiều, chính là vấn đề các DN cần cân nhắc.
Với CMCN 4.0, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Khi xu hướng công nghệ cao du nhập, đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực dồi dào, sở hữu chuyên môn hóa cao hơn rất nhiều. Cuộc CMCN 4.0 đòi hỏi nguồn nhân lực với kỹ năng và trình độ, kiến thức về công nghệ… ở mức độ cũng như ở góc độ pháp lý cao hơn. Ngược lại, tình trạng dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống, ảnh hưởng tới tình hình kinh tế xã hội đất nước.
Bên cạnh đó, cuộc CMCN 4.0 đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn cho công nghệ thông tin. Điều này gây ra những rủi ro công nghệ tăng cao. Bên cạnh đó, còn phải đối mặt với tình trạng mất an toàn, an ninh thông tin, xâm phạm bản quyền…
Một vài kiến nghị
Theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 04/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cuộc CMCN 4.0 nêu rõ “nếu không bắt kịp được trình độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức, tác động tiêu cực như: Tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh; dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp, gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống...”. Trong bối cảnh đó, để nắm bắt được xu thế, cần chú trọng một số vấn đề sau:
Một là, cần hiểu đúng và đầy đủ về cuộc cách mạng, về những đặc trưng của nền sản xuất trong tương lai; những yêu cầu mà DN cần phải đáp ứng nếu như không muốn tụt lại phía sau. Từ đó, mỗi DN cần xây dựng cho mình một chiến lược phát triển lâu dài và những bước đi cụ thể, vững chắc.
Hai là, cần có bước chuẩn bị về tâm thế cũng như đầu tư về nguồn lực tài chính và nhân sự chất lượng cao đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi của xu hướng xuất khẩu mới.
Ba là, cần có sự thay đổi về mô hình kinh doanh, tổ chức, quản trị. Tận dụng triệt để các chính sách hỗ trợ DN đầu tư đổi mới thiết bị, đổi mới công nghệ và đổi mới quy trình sản xuất sản phẩm đạt chất lượng, tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu; Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và triển khai, ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, nhằm nhanh chóng chuyển sang phương thức sản xuất và phương thức quản trị tiên tiến theo các hướng phát triển của cuộc CMCN 4.0.
Bốn là, tìm kiếm đối tác tin cậy cung cấp các giải pháp, công nghệ và tư vấn triển khai. Đồng thời, xây dựng tập hợp các nhà cung cấp công nghệ thứ ba, từ đó, đầu tư thành lập một nhóm chuyên môn nghiên cứu các cải tiến và áp dụng CMCN 4.0 trên quy mô toàn DN, dựa trên một văn hóa mở với các thay đổi và thử nghiệm.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2017), Quyết định số 1137/QĐ-TTg ngày 03/8/2017 phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
2. Tài liệu Hội thảo CMCN 4.0 - Những xu hướng và tác động đến xuất khẩu của Việt Nam diễn ra sáng 18/8 do Bộ Công Thương tổ chức.