Xuất khẩu lao động châu Âu: Khó nhưng chất lượng
Phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong nước đang chú trọng tập trung vào một số thị trường truyền thống, nhất là ở châu Á trong khi các thị trường lao động tiềm năng như châu Âu lại đang ít được giới thiệu nhiều tới người lao động. Một trong những lý do là các thị trường này rất khó thâm nhập và yêu cầu cao.
Yêu cầu cao
Hiện nay, tỷ lệ lao động thất nghiệp trong nước vẫn còn ở mức cao. Để giải quyết vấn đề này, nhà nước liên tục đưa ra các chính sách tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động. Trong đó xuất khẩu lao động nước ngoài đang là phương án tối ưu nhất. Không chỉ giúp giảm tỷ lệ người tất nghiệp mà còn mang lại nguồn kiều hối lớn hàng năm.
Cùng với các thị trường truyền thống ở chấu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan..., thì châu Âu vẫn còn rất ít người quan tâm. Thị trường châu Âu có mức thu nhập rất tốt, môi trường làm việc chuyên nghiệp, tuy nhiên quy trình tuyển dụng lại hết sức khắt khe, đòi hỏi người lao động cần có tay nghề cũng như trình độ tiếng Anh nhất định.
Mặc khác khi làm việc tại Châu Âu, việc hòa nhập với môi trường sống của các lao động Việt Nam sẽ lâu hơn do sự khác biệt lớn về văn hóa.
Đất nước Nauy vốn nổi tiếng là một trong những nơi có mức sống và chất lượng cuộc sống cao trên thế giới. Nơi đây trở thành thiên đường đáng mơ ước của những lao động nước ngoài. Hiện thị trường lao động Nauy đang có nhu cầu tuyển số lượng lớn các lao động làm việc trong các ngành: Xây dựng, nông trại, dịch vụ nhà hàng khách sạn.
Tuy nhiên, để được chấp nhận sang làm việc tại Nauy không phải là chuyện dễ dàng. Nauy luôn thận trọng và chỉ tiếp nhận người có năng lực và có khả năng tạo ra lợi ích cho đất nước của mình.
Nauy quan niệm rõ ràng rằng phúc lợi xã hội sẽ là nhân tố tạo ra một xã hội gắn kết vững mạnh. Do đó mà Nauy có những yêu cầu rất khắt khe đối lao động nước ngoài. Mặc dù vậy, nơi đây luôn có sự công bằng giữa người lao động bản địa và lao động nước ngoài.
Khác với các thị trường lao động khác, thời gian hợp đồng lao động đi xuất khẩu sang Nauy thường có thời hạn dài hơn, trung bình khoảng 6 năm. Cứ sau 2 năm lại gia hạn một lần. Khi hết hạn hợp đồng 6 năm, người lao động có thể trực tiếp được chủ sử dụng kí gia hạn mà không phải mất thêm bất kì khoản chi phí nào.
Theo bản công bố mới nhất của Tố chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Nauy đứng vị trí thứ 3 trong TOP 10 quốc gia có mức lương cao nhất thế giới năm 2015. Do đó khi tham gia vào thị trường này bạn sẽ nhận được mức lương rất cao.
Đối với những công việc làm theo ca, theo giờ, như nhân viên phục vụ nhà hàng khách sạn, mỗi giờ bạn có thể kiếm được 10USD (khoảng 220.000 đ). Một con số khổng lồ bằng 1 ngày bạn làm tại Việt Nam. Ngoài ra nếu chăm chỉ làm thêm ngoài giờ thì mức thu nhập là con số vô cùng lớn, lương rất ca, bình quân thu nhập mỗi tháng từ: 2.500 - 3000 USD/ tháng (tương đương 50 – 65 triệu đồng/tháng).
Bên cạnh đó người lao động còn được hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm theo luật định như những người lao động Nauy. Tuy nhiên chi phí cho một hợp đồng lao động làm việc tại Nauy trong thời hạn 6 năm thì lại không hề nhỏ, khoảng 18.000 USD (khoảng 390 triệu đồng ).
Giống như Nauy, Đan Mạch được biết đến là quốc gia trả lương rất cao cho lao động nước ngoài. Theo quy định hiện tại thì mức lương cơ bản trả cho lao động nước ngoài bình quân khoảng 220.000 DKK/năm (tương đương 32.000 USD/năm). Tức khoảng 60 triệu đồng/tháng, gấp 1,3 lần thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2015 (45 triệu đồng). Có thể nói đây là thị trường vô cùng hấp dẫn cho lao động tri thức trẻ Việt Nam muốn khám phá trải nghiệm.
Tuy nhiên, Đan Mạch chủ yếu tiếp nhận lao động chất lượng cao. Hiện thị trường này đang có nhu cầu tuyển dụng một lượng lớn lao động thuộc các ngành nghề như: tài chính ngân hàng, khách sạn – du lịch, cầu đường, tự động hóa, kế toán…. Theo đó thì lao động ít nhất phải đạt trình độ cao đẳng trở lên, tốt nghiệp các ngành chuyên môn về quản trị, marketing, tài chính, hóa chất... trình độ tiếng Anh tốt, biết vi tính văn phòng..
Mức phí bỏ ra để đi lao động ở Đan Mạch cũng không hề thấp. Một hợp đồng lao động 5 năm tại Đan Mạch có mức phí khoảng 15.000 USD (gần 335 triệu đồng). Số tiền này đã bao gồm: phí dịch vụ, làm giấy phép làm việc, visa cư chú, vé máy bay… Nhưng nếu chăm chỉ làm thêm ngoài giờ thì sau khoảng 6 tháng là người lao động có thể thu hồi số tiền ban đầu bỏ ra.
Italia cũng là quốc gia đang có nhu cầu lao động lớn và đa dạng, cả lao động phổ thông và lao động có nghề. Riêng lao động có nghề đòi hỏi người lao động phải có tay nghề bậc cao và có kinh nghiệm. Điều đặc biệt của thị trường Italia là hợp đồng lao động sẽ kéo dài trong 3 năm, nhưng nếu làm tốt, chủ sử dụng có thể bảo lãnh cho ở lại đến 6 năm. Nếu hết 6 năm mà làm tốt, chủ có thể tiếp tục bảo lãnh cho ở lại đến khi lao động tròn 50 tuổi hoặc lâu hơn nữa.
Bên cạnh đó, sau 6 năm làm việc, chủ sử dụng có thể bảo lãnh để người lao động có thể mang cả vợ, chồng hoặc con cùng sang Italia sinh sống và làm việc. Người dân Italia rất thân thiện, họ dành tình cảm đặc biệt đối với những lao động của châu Á bởi tính cần cù chăm chỉ.
Mức lương cơ bản cho lao động nước ngoài tại Italia khá cao. Đối với lao động phổ thông có thể dao động từ 300 - 1.000 EURO/người/tháng (từ 7,5 - 24,5 triệu đồng). Lao động có tay nghề từ 1.800 - 2.000 EURO/người/tháng tương đương 40 -50 triệu đồng. Mức lương trung bình cho lao động Việt Nam sang làm việc tại Italia là 1.200 EURO (khoảng 29,5 triệu đồng).
So với các thị trường lao động truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan thì mức phí đi xuất khẩu lao động Italia có phần cao hơn hẳn. Con số dao động khoảng 6.000 USD khoảng 135 triệu đồng, mức phí này chưa bao gồm tiền đặt cọc. Thủ tục nhập cảnh vào nước này rất khó khăn, visa gồm nhiều loại giấy tờ khác nhau. Do đó nếu muốn làm việc tại Italia thì buộc chúng ta phải xin giấy phép làm việc và visa.
Thị trường lao động Italia ''vào'' rất khó. Nguyên nhân do khi đã vào được thì lao động rất dễ trốn. Chính vì vậy, tình trạng lao động bỏ trốn sang các nước lân cận để tìm việc có mức lương cao hơn diễn ra khá phổ biến tại nơi đây. Do đó chính phủ Ý ngày càng thắt chặt trong hoạt động quản lý lao động nước ngoài. Đối với những trường hợp bỏ trốn sang nước khác hoặc bỏ trốn khỏi nơi làm việc sẽ bị xử phạt rất nặng. Mức phạt nên đến hàng chục nghìn EURO.
Cần giải pháp từ nhiều phía
Như vậy, có thể thấy, nhìn chung để có thể đi xuất khẩu lao động ở những nước phát triển của châu Âu, thì yêu cầu là không đơn giản và chỉ phù hợp với lao động chất lượng cao, có trình độ. Tuy nhiên, với tình hình nhiều sinh viên trong nước ra trường có trình độ, nhưng không có việc thì con đường xuất khẩu lao động sang các thị trường này không phải không khả thi.
Muốn xuất khẩu lao động được sang châu Âu, nhất là ở các nước phát triển, cần lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyển chọn, tuân thủ các tiêu chuẩn trong tuyển chọn; kiên quyết không tuyển chọn những người thể hiện ý thức kỷ luật kém,... Tăng cường giáo dục, quản lý trong thời gian người lao động làm việc ở nước ngoài một cách chặt ché.
Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác đào tạo giáo dục định hướng, nhằm hạn chế tình trạng lao động bỏ trốn, duy trì và phát triển các thị trường trọng điểm.
Thứ ba, xây dựng nội dung, chương trình đào tạo nghề và ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu về kỹ năng nghề, ngoại ngữ của đối tác nước ngoài.
Thứ tư, người lao động cần chủ động nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề và ngoại ngữ; tìm hiểu các quy định về điều kiện lao động ở nước sở tại nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức tổ chức kỷ luật, an toàn lao động; tuân thủ quy định pháp luật trong quá trình sống, làm việc tại nước ngoài.
Thứ năm, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tài chính thông qua cho vay đối với người xuất khẩu lao động vào thị trường này. Bởi khi được tiếp nhận, mức thu nhập của người lao động hoàn toàn có thể dễ dàng trả nợ trong thời gian ngắn. Đồng thời lao động tại các thị trường này sau khi về nước cũng có trình độ rất tốt.