Doanh nghiệp tung nhiều chính sách thanh toán linh hoạt để kích cầu thời khó
Trong bối cảnh khát vốn, các quyết sách của Chính phủ lại chậm thẩm thấu, DN địa ốc buộc phải tung ra nhiều chính sách thanh toán linh hoạt, “giải vây” áp lực dòng tiền cho khách hàng để kích cầu người mua.
Nhiều chính sách kích cầu thời khó được tung ra
Thời điểm hiện tại, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có chiều hướng giảm chỉ còn khoảng 7 - 7,2%/năm và xu hướng này dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới.
Chính vì vậy, nhiều đánh giá cho rằng, sự hứng thú của nhà đầu tư trong việc gửi tiền tiết kiệm ăn lãi suất cao không còn như giai đoạn cuối năm 2022. Thay vào đó, đây sẽ là thời điểm mà nhiều nhà đầu tư rút tiền về để đổ vào bất động sản, đặc biệt là các dòng sản phẩm có tiềm năng và thanh khoản tốt.
Nắm bắt được điều này, cùng nhu cầu tìm kiếm dòng tiền tăng cao, nhiều chủ đầu tư bất động sản đã chủ động tung ra các chính sách ưu đãi để kích cầu người mua.
Cụ thể, nhiều chủ đầu tư đã sáng tạo ra các chính sách thanh toán linh hoạt, giúp “giải vây” áp lực dòng tiền cho người mua nhà như: Cho phép cọc 30% cho đến khi bàn giao nhà; ân hạn nợ gốc đến 24 tháng; hỗ trợ lãi suất trong thời hạn 2 - 5 năm; kéo dài khoảng thời gian thanh toán đến 3 - 5 năm; áp dụng mức chiết khấu cao tới 30 - 50% tổng giá trị hợp đồng khi thanh toán trước.
Đơn cử tại Hà Nội, dự án Grand Sunlake của Thăng Long Group đã tung ra chính sách hấp dẫn với mức chiết khấu 6 - 15% đối với khách mua thanh toán trước, cùng với đó là cam kết cho thuê lại sau khi nhận nhà.
Hay dự án Meraki Ecopark của Tập đoàn Ecopark cũng có chính sách chiết khấu 18% đối với khách hàng thanh toán trước toàn bộ và không áp dụng vay ngân hàng. Đối với khách mua có áp dụng khoản vay ngân hàng chỉ cần cọc 15% cho đến giai đoạn bàn giao cùng ân hạn nợ gốc lên đến 24 tháng.
Tại TP. Hồ Chí Minh, dự án Masteri Centre Point được phát triển bởi Masterise Homes cũng liên tiếp tung ra những chính sách thanh toán linh hoạt, giúp người mua nhà có nhiều lựa chọn tốt.
Cụ thể, khách hàng có thể thoải mái lựa chọn một trong hai gói tài chính tùy theo kế hoạch tài chính cá nhân: Với gói tài chính thứ nhất, chỉ cần thanh toán 35% là có thể vào nhận nhà ở ngay trong 3 năm đầu, bước sang năm thứ 4 mới phải trả mỗi tháng 5% trong vòng 13 tháng liên tiếp; nếu không có sẵn tài chính khách hàng có thể lựa chọn phương án vay vốn ngân hàng với ưu đãi lãi suất 0% cùng ân hạn nợ gốc trong 18 tháng đầu, 18 tháng tiếp theo trả lãi tối đa 6,5%/năm. Đồng thời, chủ đầu tư còn đưa ra chính sách tặng tất cả khách hàng 12 tháng phí quản lý và gói nội thất rời.
Doanh nghiệp buộc phải "cứu" mình trước khi chờ người khác "cứu"
Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc doanh nghiệp sáng tạo ra nhiều chính sách thanh toán linh hoạt giúp giảm áp lực dòng tiền cho khách hàng trong bối cảnh hiện tại là điều cần thiết để kích cầu người mua. Đây sẽ là giải pháp mà các doanh nghiệp có thể chủ động để tự cứu lấy mình trước khi chờ các quyết sách của Chính phủ, cơ quan quản lý Nhà nước “thẩm thấu” vào thị trường.
Chia sẻ với Reatimes, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho rằng, tuy lãi suất giảm sớm hơn dự kiến và Chính phủ đã tích cực ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhưng thị trường bất động sản vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, mặt bằng lãi suất giảm nhưng chỉ giảm ở chiều gửi còn chiều cho vay vẫn neo mức cao khiến cộng đồng doanh nghiệp không dễ dàng trong việc tiếp cận nguồn vốn. Cùng với đó, những nút thắt về pháp lý vẫn còn chồng chéo, mâu thuẫn, gây ra các trở ngại trong quá trình cấp phép dự án.
Chưa kể, một bộ phận lớn nhà đầu tư hiện nay đang có tâm lý chờ đợi thị trường “xuống đáy” mới “xuống tiền”. Chính vì vậy, tỷ lệ hấp thụ trên thị trường đang rất yếu và các giao dịch hạn chế về mức thấp nhất.
Dẫn số liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, ông Trần Khánh Quang cho biết, trong quý I/2023, tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường đã giảm kỷ lục xuống còn 11%, với tổng lượng giao dịch bất động sản là 2.700 căn, giảm hơn 50% so với cùng kỳ.
“Trong bối cảnh khó khăn vẫn đang hiện hữu, các doanh nghiệp buộc phải chủ động tìm kiếm các giải pháp trong khả năng của mình để cứu lấy mình. Việc tung ra nhiều chính sách ưu đãi, hấp dẫn, kích cầu người mua là một trong số đó”, ông Quang nhìn nhận.
Ở một góc nhìn khác, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Bộ phận Nhà ở CBRE Việt Nam cho biết, hiện khó khăn của thị trường bất động sản do hai yếu tố là pháp lý dự án và áp lực tài chính của chủ đầu tư lẫn khách hàng. Theo đó, nếu chủ đầu tư có nhu cầu thanh khoảnh nhanh thì sẽ triển khai các chính sách bán hàng có nhiều ưu đãi.
Tuy nhiên, những giải pháp này chưa chắc sẽ mang lại hiệu quả ngay lập tức bởi còn phụ thuộc vào tình trạng của dự án. Hiện vẫn còn nhiều dự án chưa được hoàn thiện về mặt pháp lý để triển khai kinh doanh.
Vì vậy, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt cho rằng, để đẩy mạnh nhu cầu thị trường thì gói tín dụng hỗ trợ cần được đưa đến đúng đối tượng khách hàng mới có thể tạo ra giao dịch. Ngoài ra, cần đưa ra chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, ví dụ như việc giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh các doanh nghiệp đang “khát” vốn hoạt động cũng như bổ sung dòng tiền./.