Độc đáo nhưng không vô danh
David Ogilvy được mệnh danh là “Phù thủy của quảng cáo” trong thế kỷ 20 từng nói: Trong thế giới kinh doanh hiện đại, sáng tạo hay độc đáo đều là vô nghĩa nếu không giúp bán được hàng.
Có một nhà kinh doanh trẻ Việt Nam cũng từng bình luận: Điều tối quan trọng trong kinh doanh là xây dựng được thương hiệu nhanh, bùng nổ, hiệu quả. Một sản phẩm sáng tạo mà vô danh thì chắc chắn cũng thất bại như thường!
Một ví dụ rất đời thường: Có vô số phụ nữ đẹp nhưng chỉ có một hoa hậu. Một cô gái đẹp trải qua nhiều thử thách cam go mới được đội vương miện hoa hậu cũng tương tự chuyện làm thương hiệu. Chưa chắc hoa hậu là người đẹp nhất, nhưng nếu trở thành hoa hậu ắt nổi danh, chí ít cũng được hàng chục triệu người biết đến. Vì thế, một ý tưởng kinh doanh sáng tạo độc đáo, một mô hình kinh doanh xuất sắc, chẳng hạn như một nhà hàng “thiên đường”, một quán cà phê “độc lạ”… nhưng chẳng ai biết tới thì có sống nổi không?
Thế mới nói, marketing, quảng cáo có vị trí “đỉnh cao” trong kinh doanh. Thế nhưng, làm thế nào để quảng cáo thành công? Câu hỏi luôn “tra tấn” tim, óc nhà kinh doanh.
Nhìn ngược thời gian, nhiều chuyên gia marketing bình chọn mẫu quảng cáo của nhà thám hiểm Ernest Shackleton là quảng cáo kinh điển. Năm 1913, Shackleton đăng một mẩu quảng cáo trên nhiều tờ báo ở Luân Đôn để tìm người tình nguyện đi cùng ông trong chuyến thám hiểm Nam Cực: “Tuyển nam cho chuyến đi mạo hiểm. Lương thấp, trời lạnh buốt, nhiều tháng trời trong đêm đen, đầy hiểm nguy, không chắc ngày về an toàn. Có danh vọng và được tôn vinh nếu thành công”.
Mẩu quảng cáo chỉ có 37 chữ ngay lập tức có 5.000 thư phản hồi bởi nó hội đủ ba yếu tố: Sự lôi cuốn, nội dung lạ và khiến người xem “phát cuồng”, phải hành động.
Quảng cáo kích trái tim khách hàng đập mạnh ắt thành công.