“Đôi co”... nợ xấu!

PV.

(Tài chính) Gần đây, khá nhiều tổ chức quốc tế đã có những báo cáo nhận định liên quan đến nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Dù thực hư về tính chính xác của con số này như thế nào, thì cho thấy nợ xấu vẫn là nỗi ám ảnh lớn nhất của ngân hàng Việt Nam hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

"Rối" dự báo nợ xấu

Theo Báo cáo về triển vọng khu vực ngân hàng của Việt Nam trong năm 2014 ngày 11/2/2014 của S&P, trong năm 2014, tỷ lệ mua về nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) sẽ tăng  lên 2-4% từ mức 1% tính đến cuối năm 2013. Tuy nhiên, tiến trình xử lý nợ xấu được nhận định là còn chậm chạp. Cũng theo S&P, dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu trong năm 2014 có thể tăng cao vì tăng trưởng kinh tế dự kiến vẫn ở mức khiêm tốn và nhiều khoản nợ xấu chưa được trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ.

Trong một báo cáo ngày 18/2, tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service cũng cho rằng, nợ xấu trong các ngân hàng thương mại của Việt Nam cao hơn nhiều so với con số chính thức được công bố. Theo ước tính mà Moody’s đưa ra, tài sản có vấn đề trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam phải chiếm ít nhất 15% tổng tài sản, cao hơn nhiều so với con số nợ xấu 4,7% mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra vào tháng 10/2013. Trước đó, Tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch cũng cho rằng, mức nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam phải là 15%, mức cao nhất trong số 6 quốc gia Đông Nam Á được Fitch theo dõi.

Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam tăng từ 4,08% (cuối năm 2012) đến 4,73%/tổng dư nợ tín dụng vào tháng 10/2013. Khi tình hình kinh tế vĩ mô được cải thiện và dần phục hồi, cộng với những nỗ lực của hệ thống tổ chức tín dụng, diễn biến nợ xấu đã có những tín hiệu khả quan, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống đã giảm mạnh về mức 3,63% tổng dư nợ tín dụng (cuối tháng 12/2013). Trước những thông tin đánh giá về thực trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay, NHNN khẳng định: “Nếu tính toán một cách thận trọng, nợ xấu bao gồm cả nợ xấu được cơ cấu lại theo Quyết định 780/QĐ-NHNN thì tỷ lệ nợ xấu cũng chỉ khoảng 9%”.

Nỗ lực làm “sạch”… nợ xấu

Trước các đánh giá tiêu cực của các tổ chức quốc tế về nợ xấu của hệ thống ngân hàng, NHNN cho rằng, do không có chuẩn mực thống nhất về phân loại nợ nên các cơ quan, tổ chức khác nhau đưa ra số liệu nợ xấu không giống nhau về cùng một đối tượng là bình thường.

TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường đào tạo cán bộ BIDV cho rằng, vấn đề nợ xấu rõ ràng không phải bây giờ mới phát hiện, nó vẫn luôn tồn tại và để xử lý được phải là một quá trình. Và nói xử lý nợ xấu thì điều mà ngân hàng mong muốn là giảm bớt đi chứ không thể triệt tiêu được. Chia sẻ thêm về câu chuyện liên quan đến nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam, theo TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhìn tổng thể thì quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng mới bắt đầu. Đằng sau câu chuyện này còn nhiều điều khiến các nhà đầu tư băn khoăn đó là tiến trình tái cấu trúc của hệ thống ngân hàng trong đó nổi lên những vấn đề nợ xấu, sở hữu chéo, ngân hàng yếu kém… mà thực hiện quá trình này không đơn giản dễ dàng trong ngày một ngày hai.

Theo NHNN, tuy mức giảm nợ xấu còn chưa nhiều song đó là tín hiệu hết sức tích cực phản ánh những nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu. Để có được những kết quả trên, hệ thống ngân hàng đã tích cực, chủ động thực hiện các giải pháp để kiềm chế nợ xấu gia tăng và xử lý nợ xấu như: cơ cấu lại nợ để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay phục vụ sản xuất; kiểm soát chặt chẽ và tiết giảm chi phí hoạt động, tích cực đôn đốc, thu hồi nợ, trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro; bán nợ, xử lý tài sản đảm bảo; hạn chế nợ xấu phát sinh mới… Ngoài ra, hoạt động xử lý nợ xấu thông qua VAMC hiện nay cũng đang được đẩy mạnh.