Đối đầu Mỹ - Trung: Từ thương mại đến công nghệ
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có nguy cơ chuyển hóa thành cuộc chiến công nghệ với sự tranh đua ngày càng gay gắt về công nghệ mạng 5G, theo Bloomberg.
Trong thời gian qua, Mỹ đã cảnh báo đồng minh của họ không được sử dụng thiết bị viễn thông của Huawei vì cho rằng chúng có thể phục vụ mục đích gián điệp.
Trong khi đoàn đàm phán Mỹ đến Bắc Kinh tuần này, Ngoại trưởng Mike Pompeo đang ở Hungary và gây sức ép cho chính phủ tại đây về vấn đề Huawei và thiết bị 5G của hãng công nghệ này.
Bloomberg cho rằng vai trò của Huawei trong việc thiết lập tiêu chuẩn mạng 5G đã khiến hãng trở thành tâm điểm trong cuộc đối đầu này. Các nước, từ Nhật đến Canada, đều đang cân nhắc việc cấm các thiết bị của hãng. Thế nhưng, thị phần của Huawei tại Trung Quốc vẫn ngày một tăng.
Tại Washington, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh ưu tiên đầu tư nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) của chính phủ Mỹ.
Công nghệ được dự đoán sẽ trở thành một nguồn cơn cho các căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc sắp tới.
Cuộc đối đầu này thậm chí còn ác liệt hơn cả bình diện thương mại, nếu như Trung Quốc đồng ý mua một lượng lớn hàng nông sản và năng lượng từ Mỹ, đủ để bảo đảm một thỏa thuận mới. Đó buộc phải là thỏa thuận khiến Mỹ bỏ qua vấn đề sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.
Trong khi các cuộc đối đầu vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, nền kinh tế Trung Quốc cùng nhiều doanh nghiệp đang hoạt động tại đây rơi vào tình trạng điêu đứng. Lợi nhuận doanh nghiệp – một thang đo cho sức khỏe kinh tế, đang gửi đi nhiều tín hiệu đối nhau tại một trong những thị trường lớn nhất thế giới này.
Apple, Nvidia và Caterpillar nằm trong số những doanh nghiệp trải nghiệm sự sa sút tại thị trường lớn thứ hai thế giới này. Ngược lại, các công ty khác như LVMH, Alibaba và Toyota lại có tăng trưởng tốt.
Trong khi chỉ ở mức thấp hơn, tổng chi tiêu trong Tết Nguyên đán 2018 của Trung Quốc vẫn tăng 8,5% so với năm ngoái, đạt 149 tỷ USD.
Thêm vào đó, tình hình lạm phát thấp là dấu hiệu mới nhất của một nền kinh tế phát triển chậm lại, theo Wall Street Journal.
Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố chỉ số giá sản xuất tăng 0,1% trong tháng 1, giảm từ mức tăng 0,9% tháng 12/2018.
Tương tự, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 1 đã tăng 1,7% so với một năm trước đó. Số liệu này thấp hơn mức tăng 1,9% tháng 12/2018.
Lạm phát thấp ở cả hai chỉ số trên, đặc biệt chỉ số giá sản xuất đã gần chạm mức giảm phát, cho thấy một năm không mấy tươi sáng của nền kinh tế hàng đầu châu Á.
Bloomberg cho rằng tăng trưởng kinh tế chậm lại trong năm qua buộc chính phủ Trung Quốc đưa ra chiến dịch cắt giảm đòn bẩy tài chính.
Một số chuyên gia lại cho rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ giảm lãi suất và áp dụng một số biện pháp kích thích tăng trưởng, nhằm giải quyết tình trạng lạm phát thấp hiện tại.
Thế nhưng, điều kiện tài chính khắc nghiệt này đã khiến nhiều doanh nghiệp tại đây rơi vào khủng hoảng thanh khoản. Đa số trong đó là các doanh nghiệp cỡ vừa trong nước, vốn tồn tại nhờ trợ cấp của chính phủ.