Đổi mới chính sách, đầu tư xây dựng nền nông nghiệp hiện đại


Ngành nông nghiệp (NN) tỉnh đang tập trung xây dựng nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, chuyển đổi số để phát triển NN theo hướng hiện đại. Trong đó, các nghị quyết, chỉ thị, đề án... đang được triển khai đã góp phần tái cơ cấu nền NN để phát triển bền vững.

Công nghệ sục khí Clo để xử lý nước nuôi tôm mới được nông dân đưa vào ứng dụng. Ảnh: Hoàng Trung
Công nghệ sục khí Clo để xử lý nước nuôi tôm mới được nông dân đưa vào ứng dụng. Ảnh: Hoàng Trung

Tập trung chuyển đổi số trong nông nghiệp

Thời gian gần đây, trên cơ sở các chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre về chuyển đổi số trong NN, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bến Tre nỗ lực triển khai xây dựng các nền tảng dữ liệu trong các lĩnh vực. Hiện tại, phần mềm quản lý an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản đã hoàn thành và đưa vào vận hành với nhiều tính năng nổi bật.

Trong đó, các phầm mềm thực hiện việc quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản; quản lý giám sát được dư lượng trong sản phẩm, giám sát an toàn thực phẩm sau thu hoạch; quản lý chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; quản lý thông tin mã số vùng trồng (MSVT), mã số vùng nuôi, bản đồ vị trí MSVT, vùng nuôi; thống kê số lượng MSVT, vùng nuôi theo đơn vị hành chính; lập hồ sơ điện tử đăng ký MSVT, vùng nuôi; truy xuất nguồn gốc nông sản dựa trên QRCode trên từng mặt hàng… Ngoài ra, phần mềm quản lý Cơ sở dữ liệu chăn nuôi thú y cũng đã hoàn thành và đưa vào vận hành. 

Hiện nay, ngành NN đã và đang ứng dụng 23 phần mềm, cơ sở dữ liệu do các đơn vị thuộc Trung ương triển khai trên các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và kinh tế tập thể. Bên cạnh đó, ngành cũng đang tích cực phối hợp xây dựng thử nghiệm hệ thống cơ sở dữ liệu ngành NN với mục tiêu hình thành một hệ thống quản lý thông tin dùng chung, toàn diện; từng bước hình thành cơ sở dữ liệu chung cho ngành.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre  Đoàn Văn Đảnh đánh giá: “Chuyển đổi số trong NN có vai trò quan trọng trong cơ cấu lại ngành NN, là một định hướng quan trọng góp phần phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tập trung thực hiện một số giải pháp như: tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của các địa phương, doanh nghiệp, người nông dân về vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh trong ngành NN. Đồng thời, ứng dụng công nghệ số vào quản lý điều hành, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm NN trong điều kiện biến đổi khí hậu, công nghệ 4.0 và hội nhập quốc tế”.

Ngoài ra, ngành NN đang hoàn thiện hệ thống các cơ sở dữ liệu của ngành, nhất là dữ liệu thổ nhưỡng, cây trồng, vật nuôi, vùng trồng, người trồng, số lượng sản phẩm và dịch vụ NN; các hệ thống thông tin thống kê, phân tích, dự báo giúp công tác quản lý ngành ngày càng hoàn thiện, nâng cao chất lượng; xây dựng bản đồ số NN trên nền tảng dữ liệu lớn đồng bộ để kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở; xây dựng phần mềm quản lý, giám sát, đánh giá, phân loại sản phẩm NN, nhất là sản phẩm đặc trưng của từng địa phương bằng hệ thống quét mã QR…

Đổi mới cơ chế, chính sách

Thời gian qua, đã có nhiều cơ chế, chính sách quan trọng có liên quan đến lĩnh vực NN, nông dân và nông thôn được ban hành. Từ các chính sách của Trung ương, của tỉnh, ngành đã cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch hàng năm của ngành. Trong đó, có nhiều chính sách mới như: hỗ trợ xây dựng MSVT, cơ sở đóng gói, chuỗi liên kết hàng hóa, xây dựng vùng sản xuất tập trung; chuyển giao khoa học công nghệ, các đề tài, dự án phục vụ sản xuất NN; chương trình khuyến nông tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật cho nông dân; Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, hỗ trợ nông dân đưa sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử...

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho rằng: “Những nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ trong các văn bản đã tạo nên cơ sở hành lang pháp lý để phát triển kinh tế NN theo hướng hiện đại, hữu cơ gắn với chuỗi giá trị và góp phần vào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, ngành tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các cơ chế, chính sách đã có. Đồng thời, phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện rà soát, đề xuất, kiến nghị và cùng tham gia đóng góp ý kiến để dần hoàn thiện khung pháp lý về các chính sách có liên quan trên lĩnh vực NN, nông dân và nông thôn”.

Việc thực hiện Nghị quyết phát triển về hướng Đông của Tỉnh ủy Bến Tre, trong đó có kế hoạch phát triển 4.000ha nuôi tôm công nghệ cao (CNC) được xem là “đòn bẩy” giúp hiện đại hóa nghề nuôi tôm tại các huyện ven biển. Lũy kế đến nay, diện tích nuôi tôm ứng dụng CNC là 3.221ha, đạt hơn 80% so với chỉ tiêu nghị quyết. Tổng sản lượng ước đạt 131.032 tấn. Các doanh nghiệp nuôi tôm ứng dụng CNC sẽ được ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của Chính phủ như: đất đai, thuế, hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, thử nghiệm, đào tạo, chuyển giao công nghệ từ kinh phí của chương trình quốc gia phát triển CNC. Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay nuôi tôm ứng dụng CNC với doanh số đạt khoảng 690 tỷ đồng.

Đồng thời, hàng năm, tỉnh Bến Tre thực hiện bố trí nguồn đầu tư công trung hạn, đầu tư các công trình, dự án thuộc lĩnh vực NN. Trong đó, có những công trình, dự án phục vụ vùng nuôi tôm ứng dụng CNC trên địa bàn 3 huyện biển. Hiện nay, tỉnh đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt 3 dự án đầu tư xây dựng công trình. Trong đó, hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản huyện Bình Đại có 2 dự án và huyện Ba Tri có 1 dự án. Ngành NN đang phối hợp với địa phương đề xuất xây dựng các trạm biến áp 110KV trên địa bàn 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú để góp phần đảm bảo hạ tầng phục vụ cho vùng nuôi tôm ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, các cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển kinh tế tập thể cũng đang được tập trung triển khai. Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết: UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành kế hoạch về thực hiện đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ hợp tác xã, hỗ trợ liên kết sản xuất, thực hiện gắn kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm, định hướng sản xuất NN theo hướng hữu cơ, VietGAP.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh “Thời gian tới, để ngành NN tỉnh Bến Tre tiếp tục phát triển bền vững, UBND tỉnh Bến Tre sẽ có cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp triển khai các mô hình NN thông minh, ứng dụng CNC trong lĩnh vực sản xuất NN, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Từ đó, tích cực thu hút các doanh nghiệp số đầu tư vào địa phương nhằm từng bước phát triển NN bền vững”.

Theo Hoàng Trung/ Báo Đồng Khởi