Tăng trưởng xanh trong ngành nông nghiệp


Tăng trưởng xanh ở nước ta được hiểu là “sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững”.

Vườn dừa hữu cơ tại xã Thới  Thạnh, huyện Thạnh Phú. Ảnh: Cẩm Trúc
Vườn dừa hữu cơ tại xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú. Ảnh: Cẩm Trúc

Giảm phát thải khí nhà kính

Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh dựa trên 4 trụ cột chủ yếu: giảm phát thải khí nhà kính; xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu. Do đó, việc giảm phát thải khí nhà kính cũng dựa trên 4 trụ cột này.

Trong chuyến làm việc tại tỉnh Bến Tre cuối năm 2023, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho rằng, thế giới đang trong một giai đoạn chuyển đổi hết sức sâu sắc, trong đó xu thế chính nổi lên là hình thành cơ chế định giá các-bon qua biên giới; thương mại, chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng gắn với các tiêu chí về phát triển bền vững, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, lao động, nhân quyền và chống tham nhũng; các nước gia tăng đầu tư cho chuyển đổi xanh, đầu tư cho phát triển công nghệ sạch…

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng khẳng định, EU đi tiên phong trong áp dụng toàn diện nhất các tiêu chuẩn mới. Họ đã ban hành một loạt biện pháp sẽ đi vào thực thi trong 2 - 3 năm tới. Các quốc gia xuất khẩu, đầu tư lớn khác của Việt Nam như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... đã và đang ban hành các quy định tương tự. 

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho biết: Sở đang tập trung phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo vệ, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có để giảm phát thải, khoanh nuôi phục hồi rừng để nâng cao chất lượng và trữ lượng các-bon. Chủ động phối hợp với các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu tiềm năng, giá trị của thị trường các-bon đối với ngành nông nghiệp, nhất là đối với cây dừa và cây lâu năm. Đồng thời, mở rộng và đẩy mạnh hình thành vùng sản xuất cây ăn trái tập trung gắn với chứng nhận mã số vùng trồng để duy trì diện tích sinh khối và tăng năng lực cạnh tranh xuất khẩu.

Động thái của doanh nghiệp

Bến Tre có thế mạnh về nông nghiệp. Do đó, phát triển nông nghiệp tuần hoàn là mục tiêu chiến lược và không thể tách rời kế hoạch hành động tăng trưởng xanh. Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã nêu rõ: “Tập trung phát triển nông nghiệp sạch, hiệu quả là nền tảng”.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) tỉnh Bến Tre Trần Văn Đức cho hay: Hiện chủ trương của tỉnh đang hướng đến kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn (KTTH). Các DN hưởng ứng chủ trương này rất tốt. Các DN khởi nghiệp, DN vừa và nhỏ chú trọng kinh tế xanh, KTTH. Các DN đã và đang chuẩn hóa để không ngừng hội nhập sâu vào thị trường thế giới. Chỉ tính riêng sản phẩm dừa, tỉnh đã có hơn 40 sản phẩm xuất khẩu sang 90 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có cả những thị trường khó tính. Do đó, cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn, lộ trình cụ thể để DN tỉnh thực hiện quy định chung theo xu thế của thế giới.

Kinh tế tuần hoàn là giải pháp hướng đến tăng trưởng kinh tế xanh. Tỉnh Bến Tre có diện tích khoảng 2.250km2, 65km bờ biển, hơn 20.000km2 vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế, dân số hơn 1,3 triệu người. Với diện tích và sản lượng khá lớn nuôi trồng thủy sản, ngành dừa, các loại trái cây đặc sản, lúa gạo, chăn nuôi gia súc, gia cầm, kèm theo đó là công nghiệp chế biến không ngừng phát triển đang là tiền đề quan trọng cho phát triển KTTH.

Trong một hội thảo về chủ đề tăng trưởng xanh tại tỉnh Bến Tre gần đây, PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KTTH thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh nhận định: “Mô hình KTTH gắn với chuỗi dừa Bến Tre đã có bước hình thành và phát triển. Đó là ngành dừa có thể phối hợp với các ngành khác gắn với trồng trọt, du lịch, xây dựng, dịch vụ. Gắn với chuỗi cây giống, Bến Tre cũng hoàn toàn có thể phát triển mô hình KTTH để tiết kiệm các nguồn nguyên vật liệu trong sản xuất cây giống, giảm thiểu các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, tỉnh còn nhiều dư địa để phát triển KTTH đối với các mô hình đã có như mô hình tôm lúa, mô hình về tôm rừng…”.

PGS.;TS. Nguyễn Hồng Quân cũng cho rằng, nếu đặt tín chỉ các-bon vào các mô hình KTTH thì sẽ giúp khép kín và nâng tầm mô hình kinh tế của DN. Ví dụ, ngoài sản xuất nông nghiệp bền vững và bán tín chỉ các-bon thì người nông dân còn có nhiều lợi ích bền vững như có thể bán dừa với giá ổn định và cao hơn so với sản xuất truyền thống vì là sản phẩm sạch. Người sản xuất theo mô hình này sẽ được bảo vệ và nâng cao sức khỏe. Đồng thời, mô hình còn tạo ra môi trường xanh, sạch hơn để gắn với phát triển du lịch nông thôn…

Theo Cẩm Trúc/ Báo Đồng Khởi