Đổi mới cơ chế quản lý tài sản công, thúc đẩy thương mại hóa, ứng dụng kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ

ThS. Nguyễn Thị Hà Giang - Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính)

Việc quản lý, xử lý tài sản hình thành thông qua việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước thời gian vừa qua đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm và ngày càng chặt chẽ, dần đi vào nề nếp. Tuy nhiên, thực tiễn công tác này còn có sự lúng túng, tiến độ chậm, hiệu quả chưa cao, phát sinh vướng mắc, bất cập. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do cơ chế quản lý tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước chưa thực sự phù hợp với đặc điểm của loại tài sản mang nhiều yếu tố đặc thù này. Vì vậy, đổi mới cơ chế quản lý tài sản công để thúc đẩy thương mại hóa, ứng dụng kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ là đòi hỏi bức thiết.

Ảnh minh hoa. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoa. Nguồn: Internet

Thực trạng cơ chế quản lý tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ

Cơ chế quản lý tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) sử dụng vốn nhà nước lần đầu tiên được quy định một cách toàn diện là tại Thông tư liên tịch số 16/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 01/9/2015 của Bộ KH&CN và Bộ Tài chính.

Sau khi Quốc hội ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước; Bộ Tài chính đã ban hành theo thẩm quyền và nhiệm vụ được Chính phủ giao: Thông tư số 63/2018/TT-BTC ngày 30/7/2018 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ, Thông tư số 10/2019/TT-BTC ngày 20/2/2019 hướng dẫn việc xác định giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước.

Theo quy định tại các văn bản này, cơ chế quản lý tài sản được hình thành thông qua việc triển khai nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước được khái quát như sau:

Về phân loại tài sản

Tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước được chia thành: Tài sản trang bị để thực hiện nhiệm vụ KH&CN và tài sản là kết quả của nhiệm vụ KH&CN. Đồng thời, trong mỗi loại tài sản được chia ra tài sản hình thành thông qua việc thực hiện nhiệm vụ ngân sách cấp và tài sản hình thành thông qua việc thực hiện nhiệm vụ ngân sách hỗ trợ.

Về hình thức xử lý tài sản

Đối với tài sản trang bị để thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ (KH&CN), Nhà nước ưu tiên giao/bán tài sản hoặc phần tài sản trang bị thuộc về Nhà nước cho tổ chức, cá nhân chủ trì; trường hợp tổ chức, cá nhân chủ trì không nhận giao/mua tài sản hoặc phần tài sản trang bị thuộc về Nhà nước thì xử lý theo hình thức: (i) Điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy đối với tài sản trang bị do ngân sách cấp; (ii) Bán phần quyền sở hữu của Nhà nước cho tổ chức, cá nhân khác, giao quyền sử dụng cho tổ chức, cá nhân chủ trì để nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm công nghệ, ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu đối với tài sản trang bị do ngân sách hỗ trợ và phải hoàn trả giá trị tài sản thông qua việc thương mại hóa kết quả.

Đối với tài sản là kết quả của nhiệm vụ KH&CN, Nhà nước ưu tiên giao quyền sử dụng/giao quyền sở hữu cho tổ chức, cá nhân chủ trì; trường hợp tổ chức, cá nhân chủ trì không có nhu cầu nhận giao quyền sử dụng/giao quyền sở hữu theo hình thức ghi tăng tài sản, ghi tăng vốn Nhà nước, không thu hồi phần kinh phí hỗ trợ thì thực hiện giao quyền sở hữu cho tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ và hoàn trả giá trị tài sản; trường hợp không áp dụng hình thức giao quyền sở hữu cho tổ chức, cá nhân khác thì áp dụng hình thức giao quyền sử dụng tài sản hoặc phần tài sản thuộc về Nhà nước cho tổ chức, cá nhân chủ trì để nghiên cứu, phát triển công nghệ, ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Về thẩm quyền quyết định xử lý tài sản

Chính phủ phân cấp theo hướng Bộ trưởng Bộ KH&CN, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định xử lý tài sản của các nhiệm vụ KH&CN do mình quản lý hoặc phê duyệt. Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định trong trường hợp giao tài sản theo hình thức ghi tăng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp đối với tổ chức chủ trì là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; điều chuyển tài sản trong trường hợp đặc biệt; Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ quyết định đối với tài sản trang bị để thực hiện nhiệm vụ KH&CN khi điều chuyển giữa các bộ, cơ quan trung ương, giữa bộ, cơ quan trung ương và địa phương, giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Về trình tự, thủ tục xử lý tài sản quy định

Khi kết thúc nhiệm vụ (đối với tài sản trang bị) hay được Hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả đạt trở lên (đối với tài sản là kết quả): (1) Tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN lập phương án xử lý gửi cơ quan quản lý nhiệm vụ KH&CN; (2) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề xuất xử lý tài sản, cơ quan quản lý nhiệm vụ KH&CN có trách nhiệm: (i) Thẩm định, trình cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định giao quyền sử dụng, giao quyền sở hữu cho tổ chức, cá nhân chủ trì (đối với tài sản là kết quả); (ii) Lập hồ sơ gửi cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công thẩm định phương án xử lý để quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Bộ, Cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Tài chính quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định (đối với tài sản trang bị).

Đồng thời, để tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác, xử lý tài sản và ứng dụng, thương mại hóa kết quả của các nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước, phòng, chống tiêu cực, thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản hình thành thông qua nhiệm vụ KH&CN; Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện: phổ biến, tuyên truyền, tập huấn các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước cho các đối tượng chịu sự tác động của chính sách; rà soát, ban hành đầy đủ quy định về phân cấp thẩm quyền quyết định xử lý tài sản theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 70/2018/NĐ-CP; kiểm kê, lập phương án xử lý tài sản đúng thời hạn và hình thức xử lý theo quy định để báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền tổng hợp, thẩm định, quyết định xử lý; tổ chức xử lý sau khi phương án xử lý tài sản được cấp có thẩm quyền phê duyệt bảo đảm kịp thời, đúng pháp luật, công khai, minh bạch và hiệu quả; thực hiện nghiêm quy định về giao tài sản là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng; các tổ chức, cá nhân chủ trì được giao tài sản là kết quả của nhiệm vụ KH&CN có trách nhiệm tiếp tục nghiên cứu, phát triển công nghệ, ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu KH&CN theo quy định của pháp luật, thực hiện chế độ báo cáo cơ quan quản lý nhiệm vụ kết quả sử dụng, thương mại hóa. Thực hiện thu hồi đối với các tài sản là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước đã giao cho tổ chức, cá nhân chủ trì mà trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày được giao tài sản mà không sử dụng để ứng dụng, thương mại hóa hoặc không gửi báo cáo kết quả thực hiện ứng dụng, thương mại hóa hàng năm theo quy định. Việc chấp hành chế độ báo cáo và hiệu quả ứng dụng, thương mại hóa kết quả phải được xem xét, đánh giá kỹ khi xét giao nhiệm vụ KH&CN khác cho tổ chức, cá nhân chủ trì.

Sau hơn 6 năm thực hiện, Nghị định số 70/2018/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành đã phát huy tác dụng tích cực trong thực tiễn; việc quản lý, xử lý tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN đã được quan tâm hơn, từng bước đi vào nề nếp, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của Nhà nước cho đầu tư phát triển KH&CN. Tuy nhiên, chế độ quản lý, xử lý đối với loại tài sản này đã bộc lộ những hạn chế, chưa theo kịp với yêu cầu của thực tiễn, cụ thể là:

Thứ nhất, việc phân loại tài sản hình thành thông qua thực hiện nhiệm vụ KH&CN còn chưa đầy đủ. Tài sản được hình thành thông qua nhiệm vụ KH&CN gồm: (i) Tài sản trang bị thực hiện nhiệm vụ; (ii) Tài sản là kết quả của nhiệm vụ. Tuy nhiên, tài sản hình thành thông qua thực hiện nhiệm vụ KH&CN có nhiều đặc thù khác với tài sản thông thường tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. Có tài sản trang bị thực hiện nhiệm vụ sẽ được chuyển hóa, kết tinh vào tài sản là kết quả của nhiệm vụ; có tài sản là kết quả của nhiệm vụ tồn tại là sản phẩm thử nghiệm, cây giống, con giống, mẫu vật, sản phẩm mẫu… nhưng cũng có thể tồn tại dưới dạng là phần mềm, quy trình công nghệ, bản vẽ kỹ thuật, sơ đồ thiết kế, cơ sở dữ liệu, tiêu chuẩn kỹ thuật, quyền sở hữu trí tuệ. Mỗi dạng của tài sản hình thành thông qua nhiệm vụ KH&CN có đặc thù khác nhau nên khó có thể áp dụng chung một cơ chế trong quản lý, xử lý; do đó, cần phải có sự phân loại phù hợp với đặc thù của tài sản hình thành thông qua thực hiện nhiệm vụ; trên cơ sở đó có cơ chế quản lý, xử lý cho phù hợp, tương ứng đối với từng loại. Ngoài ra, hiện cũng chưa có quy định rõ tài sản là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước là sản phẩm cuối cùng của quá trình nghiên cứu hay là tài sản của cả các giai đoạn trung gian.

Thứ hai, cơ chế xử lý tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN theo nguyên tắc ưu tiên giao/bán cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ nhưng chưa gắn với cơ quan đề xuất đặt hàng hoặc đặt hàng nhiệm vụ hiện nay có một số tồn tại, bất cập. Thực tế, nhiều tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) thời gian qua chỉ là tổ chức thực hiện việc nghiên cứu, dẫn đến việc tổ chức chủ trì không có nhu cầu nhận giao tài sản khi kết thúc nhiệm vụ hoặc trường hợp có giao tài sản được cho tổ chức chủ trì để tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng, thương mại hóa kết quả thì cũng chưa hiệu quả do không phù hợp với năng lực. Trong khi đó, một số các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội (không phải là tổ chức, cá nhân chủ trì) lại có nhu cầu nhận giao tài sản để quản lý, sử dụng, khai thác nhưng thực tế chưa thực hiện việc giao tài sản cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị này do còn thiếu cơ chế.

Bên cạnh đó, việc chỉ giao quyền sử dụng kết quả của nhiệm vụ cho 01 tổ chức, cá nhân chủ trì (trong trường hợp tổ chức chủ trì không nhận giao quyền sở hữu, giao quyền sử dụng) làm hạn chế việc đưa kết quả nghiên cứu này vào ứng dụng, thương mại hóa kết quả.

Thứ ba, đối với tài sản được hình thành thông qua thực hiện nhiệm vụ KH&CN do NSNN hỗ trợ, Nhà nước chỉ có quyền tương ứng với phần NSNN hỗ trợ; nên quy định Nhà nước giữ vai trò quyết định, định đoạt việc xử lý toàn bộ tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN ngân sách hỗ trợ là chưa phù hợp với đặc điểm hình thành, quản lý của loại tài sản này.

Thứ tư, trình tự, thủ tục xử lý tài sản là kết quả của nhiệm vụ KH&CN tương ứng với từng hình thức xử lý tài sản của loại tài sản cũng có những nội dung không còn phù hợp, nhất là về hoàn trả giá trị tài sản cho Nhà nước thông qua việc thương mại hóa kết quả của nhiệm vụ.

Thứ năm, tài sản là kết quả của nhiệm vụ KH&CN là tài sản có tính đặc thù, không giống tài sản thông thường; do đó, việc sử dụng các phương pháp định giá thông thường để xác định giá trị của tài sản làm cơ sở xử lý tài sản, xác định số tiền phải hoàn trả NSNN là không khả thi, khó thực hiện.

Với những hạn chế, vướng mắc nêu trên đặt ra yêu cầu cần phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế quản lý, xử lý đối với tài sản được hình thành thông qua thực hiện nhiệm vụ KH&CN để thúc đẩy việc thương mại hóa, ứng dụng kết quả của nhiệm vụ KH&CN và nâng cao hiệu quả đầu tư của Nhà nước cho KH&CN.

Đổi mới cơ chế quản lý tài sản công thúc đẩy thương mại hóa, ứng dụng kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước

Để đổi mới cơ chế quản lý tài sản công để thúc đẩy thương mại hóa, ứng dụng kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN, một số định hướng được đề xuất như sau:

Thứ nhất, quy định đầy đủ các loại tài sản hình thành thông qua thực hiện nhiệm vụ KH&CN, bao gồm cả tài sản đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định và tài sản không đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định.

Việc phân loại cụ thể đối với từng loại tài sản (tài sản trang bị thực hiện nhiệm vụ và tài sản là kết quả của nhiệm vụ) trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật về KH&CN và đảm bảo nguyên tắc về tính tương đồng trong xử lý tài sản; trong đó: (i) tài sản trang bị thực hiện nhiệm vụ KH&CN chia thành tài sản đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định và tài sản không đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định; (ii) tài sản là kết quả của nhiệm vụ KH&CN chia thành sản phẩm để minh chứng và tài sản là kết quả (sản phẩm cuối cùng) của nhiệm vụ KH&CN.

Thứ hai, đổi mới tư duy về thứ tự ưu tiên xử lý tài sản KH&CN khi kết thúc nhiệm vụ theo hướng giao/bán tài sản cho tổ chức đề xuất đặt hàng hoặc đặt hàng nhiệm vụ trước theo đúng quy định của Luật KH&CN; trong trường hợp tổ chức đề xuất đặt hàng hoặc đặt hàng không có nhu cầu nhận tài sản thì ưu tiên giao cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác có nhu cầu sử dụng tài sản.

Thứ ba, đổi mới cơ chế quản lý, xử lý tài sản hình thành thông qua thực hiện nhiệm vụ KH&CN theo một số nguyên tắc, nhất là đối với nhiệm vụ KH&CN do Nhà nước hỗ trợ một phần, như: Tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ ngân sách hỗ trợ có sự tham gia của nhiều chủ thể khác nhau là tài sản thuộc sở hữu chung của các bên cùng tham gia; Việc quản lý, sử dụng tài sản phải được quy định cụ thể tại Thuyết minh nhiệm vụ KH&CN được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và Hợp đồng thực hiện nhiệm vụ KH&CN.

Thứ tư, việc xử lý phần tài sản thuộc về Nhà nước (tài sản trang bị và tài sản là kết quả của nhiệm vụ KH&CN) phải được các bên cùng góp vốn hoặc đầu tư cơ sở vật chất cho nhiệm vụ thống nhất trước khi thực hiện nhiệm vụ. Việc thống nhất xử lý tài sản phải được thể hiện cụ thể trong Hợp đồng ký kết giữa các bên cùng tham gia góp vốn đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, tài chính thực hiện nhiệm vụ.

Thứ năm, đổi mới phương thức xác định giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN trên cơ sở quan điểm của Đảng, Nhà nước về phát triển KH&CN và tháo gỡ khó khăn vướng mắc thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và khuyến khích đổi mới sáng tạo. Theo đó, việc xác định giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ KH&CN cần trên cơ sở nguyên tắc các chi phí để thực hiện nhiệm vụ và giá trị còn lại của tài sản trang bị thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Theo cách xác định giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ này thì sẽ đơn giản trong tính toán, dễ thực hiện mà đảm bảo được nguyên tắc thu hồi được phần kinh phí mà NSNN đã chi cho nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN…

Thứ sáu, đối với tài sản trang bị đã được kết tinh giá trị trong tài sản là kết quả nhiệm vụ KH&CN thì chỉ xử lý đối với tài sản là kết quả; không phải thực hiện xử lý đối với tài sản trang bị.

Với những định hướng trong hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, xử lý đối với tài sản hình thành thông qua thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN nêu trên sẽ góp phần thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Về lâu dài, để đồng bộ với các hệ thống pháp luật khác thì cần phải sửa đổi Luật KH&CN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó đảm bảo nguyên tắc văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước thể chế hóa đầy đủ, toàn diện quan điểm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội về “chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, bảo đảm công khai, minh bạch”; đồng thời, tạo cơ sở, hành lang pháp lý trong tổ chức thực hiện. Việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về KH&CN cũng như quy định về quản lý, xử lý đối với tài sản hình thành thông qua thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động KH&CN, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu nhiệm vụ KH&CN, tạo ra những kết quả nghiên cứu có giá trị và ý nghĩa thực tiễn. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần phải tăng cường công tác quản lý đối với việc giao nhiệm vụ KH&CN theo dõi quá trình thực hiện nhiệm vụ để kết quả nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng cao và có khả năng thương mại hóa kết quả nghiên cứu theo quy định của pháp luật về KH&CN.

Tài liệu tham khảo:

  1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2022), Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 17/11/2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
  2. Quốc hội (2023), Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24/6/2023 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV;
  3. Bộ Tài chính - Cục Quản lý công sản (2023), Báo cáo tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 70/2018/NĐ-CP.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2024