Đổi mới đồng bộ hệ thống chính sách thuế, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội


Việc tiếp tục đổi mới đồng bộ hệ thống chính sách thuế đến năm 2030 là hết sức cần thiết, có ý nghĩa và vai trò quan trọng nhằm kịp thời thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách hệ thống thuế trong các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Quốc hội về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 cũng như định hướng những mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược tài chính trong thời gian tới.

Ngày 23/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 508/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, đây là văn bản pháp lý quan trọng, là kim chỉ nam để thực hiện cải cách, góp phần xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tiếp tục đổi mới đồng bộ hệ thống chính sách thuế đến năm 2030

Giai đoạn 2011-2020, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp; sự nỗ lực khắc phục khó khăn để phát triển sản xuất kinh doanh và nghiêm túc chấp hành pháp luật thuế của đại bộ phận các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ thuế; và sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, công chức ngành Thuế, Chiến lược cải cách hệ thống thuế đã cơ bản hoàn thành những mục tiêu đề ra, đóng góp tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của đất nước.

Theo đó, tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước (NSNN) bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt khoảng 24,5% GDP, trong đó: giai đoạn 2011-2015 đạt khoảng 23,6% GDP (mục tiêu kế hoạch là 23-24% GDP); giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 25,2% GDP (mục tiêu kế hoạch là 23,5% GDP), vượt mục tiêu tại Văn kiện Đại hội Đảng XI, XII; tổng thu từ thuế, phí và lệ phí đạt bình quân 20,7% GDP trong giai đoạn 2011-2015 (mục tiêu kế hoạch là 22-23% GDP); 20,8% GDP trong giai đoạn 2016-2020 (mục tiêu kế hoạch là 21% GDP). Tốc độ tăng tổng thu NSNN bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 8,6%/năm, trong đó, thu từ thuế, phí và lệ phí tăng trưởng bình quân hàng năm là 6,7%/năm trong giai đoạn 2016-2020.

Bên cạnh đó, hệ thống chính sách thuế được xây dựng, hoàn thiện đảm bảo minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện; mở rộng cơ sở thuế để phát triển nguồn thu, bao quát các nguồn thu mới phát sinh và cơ cấu lại theo hướng tăng tỷ trọng nguồn thu nội địa, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu từ tài nguyên khoáng sản (dầu thô) và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu. Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN tăng dần, từ mức bình quân 58,9% trong giai đoạn 2006-2010 lên 68% trong giai đoạn 2011-2015, đến năm 2020 đạt 83,6% (mục tiêu Chiến lược đề ra đến năm 2020 đạt trên 80% tổng thu NSNN). Tỷ trọng số thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong tổng thu NSNN giảm dần cho thấy có sự chuyển dịch đóng góp số thu từ khu vực DNNN sang khu vực DN ngoài quốc doanh và DN có vốn đầu tư nước ngoài, phù hợp với mục tiêu định hướng sắp xếp, cổ phần hoá các DNNN.

Các chính sách thu liên tục được rà soát, điều chỉnh theo hướng giảm tỷ lệ động viên về thuế cho người nộp thuế với quy mô điều chỉnh lớn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; góp phần chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia. Phần lớn các khoản thu, sắc thuế do cơ quan thuế quản lý có xu hướng tăng dần tỷ trọng trên tổng thu NSNN.

Bên cạnh đó, tại những thời điểm khó khăn của nền kinh tế, ngành Thuế đã tham mưu Bộ Tài chính trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành và thực hiện nhiều giải pháp về chính sách thuế nhằm hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển đầu tư, kinh doanh. Đặc biệt, trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, để hỗ trợ DN, người dân phù hợp với bối cảnh, điều kiện của đất nước, đồng thời tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển KT-XH và NSNN theo chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế...

Bước sang giai đoạn 2021-2030, dự báo bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Độ mở của nền kinh tế lớn làm các tác động tiêu cực của kinh tế thế giới đến kinh tế trong nước nhanh và mạnh hơn; khả năng độc lập, tự chủ của nền kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động hoạt động sản xuất khu vực đầu tư nước ngoài và một số thị trường lớn; năng lực tiếp cận nền kinh tế số còn hạn chế... Nhu cầu vốn đầu tư phát triển KT-XH rất lớn trong khi nguồn vốn nhà nước, vốn ưu đãi và viện trợ đều có xu hướng giảm.

Trong khi đó, áp lực phải đảm bảo nguồn thu để tăng chi vẫn còn lớn, cơ cấu thu còn chưa có sự cân đối giữa các khoản thu từ thuế thu nhập, thuế tiêu dùng và từ tài sản. Các khoản thu từ thuế thu nhập cá nhân và thuế liên quan đến nhà, đất còn khá khiêm tốn. Thu từ thuế nhập khẩu giảm mạnh khi Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết cắt giảm thuế quan trong các Hiệp định mậu dịch tự do song phương và đa phương.

Chính sách thuế vẫn cần phải lồng ghép hợp lý các chính sách xã hội để thực hiện điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Đồng thời, đối với ngành Thuế, hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu đòi hỏi phải có các giải pháp chính sách thuế phù hợp vừa khắc phục tác động của dịch bệnh COVID-19 góp phần nhanh chóng phục hồi nền kinh tế, vừa kiểm soát các vấn đề về xói mòn cơ sở tính thuế và dịch chuyển lợi nhuận xuyên biên giới, cân bằng giữa tăng thu ngân sách và khuyến khích tăng trưởng.

Vì vậy, việc tiếp tục đổi mới đồng bộ hệ thống chính sách thuế đến năm 2030 là hết sức cần thiết, có ý nghĩa và vai trò quan trọng nhằm kịp thời thể chế hoá quan điểm, chủ trương về cải cách hệ thống thuế trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Quốc hội về Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển KT-XH, tài chính quốc gia giai đoạn 2021-2025 cũng như định hướng những mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược Tài chính trong thời gian tới.

Sau quá trình nghiên cứu xây dựng, ngày 23/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 508/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Đây là văn bản pháp lý quan trọng là kim chỉ nam để ngành Thuế thực hiện cải cách, triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm đạt được mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030.

Quan điểm, mục tiêu cải cách toàn diện hệ thống chính sách thuế đến năm 2030

Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đã đề ra các quan điểm, mục tiêu cải cách toàn diện hệ thống chính sách thuế. Theo đó, ngành Thuế khẳng định rõ các quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong cải cách chính sách thuế là: (1) Thuế, phí, lệ phí là công cụ của Nhà nước góp phần quản lý, điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, động viên được các nguồn lực đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng chất lượng, hiệu quả, phát triển nhanh, bền vững; giải quyết hài hoà các vấn đề phát triển kinh tế và môi trường gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030; (2) Hệ thống chính sách thuế được hoàn thiện, đồng bộ, cơ cấu lại thu NSNN đảm bảo tính bền vững, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng: mở rộng cơ sở thuế; huy động hợp lý nguồn lực cho NSNN, đảm bảo tính đồng bộ, công bằng, trung lập của chính sách thuế; đơn giản, minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện. Các chính sách thuế chỉ được quy định trong các văn bản pháp luật về thuế và được hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung bảo đảm tính nhất quán về hiệu lực pháp lý giữa các luật thuế và các văn bản pháp luật có liên quan.

Với quan điểm trên, ngành Thuế sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách thuế gắn với cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030; bảo đảm tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng giữa thuế gián thu và thuế trực thu ở mức hợp lý, khai thác tốt thuế, phí và lệ phí thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong pháp luật thuế và chính sách miễn, giảm, bảo đảm tính trung lập của thuế, hướng tới một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho NSNN, đồng thời, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh, điều tiết thu nhập hợp lý, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế.

Về quy mô thu ngân sách từ thuế, phí, bảo đảm duy trì tỷ lệ huy động vào NSNN từ thuế, phí ở mức ổn định, hợp lý và phù hợp với Chiến lược phát triển KT-XH từng giai đoạn 05 năm 2021-2025 và 2026-2030, trong giai đoạn đầu tập trung hỗ trợ DN, người dân khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19. Cụ thể:

- Đến năm 2025: Tỷ lệ huy động vào NSNN bình quân không thấp hơn 16% GDP, trong đó, tỷ lệ huy động từ thuế, phí khoảng 13-14% GDP; tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN phấn đấu đến năm 2025 đạt khoảng 85-86%. Trong giai đoạn đầu tập trung hỗ trợ DN, người dân khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.

- Đến năm 2030: Tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 16-17% GDP, trong đó, tỷ lệ huy động từ thuế, phí khoảng 14-15% GDP; tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 86-87%.

Định hướng cơ bản cải cách hệ thống chính sách thuế

Để đạt được mục tiêu trên, ngành Thuế đã xác định các định hướng cơ bản cải cách hệ thống chính sách thuế theo từng sắc thuế cụ thể sau:

- Đối với thuế giá trị gia tăng: Mở rộng cơ sở thuế thông qua giảm nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng và nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5%; tiến tới cơ bản áp dụng một mức thuế suất; nghiên cứu tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng theo lộ trình; rà soát điều chỉnh ngưỡng doanh thu áp dụng phương pháp khấu trừ cho phù hợp với thực tế; nghiên cứu áp dụng thống nhất phương pháp tính thuế theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với người nộp thuế có doanh thu dưới ngưỡng hoặc không đủ điều kiện áp dụng phương pháp khấu trừ; hoàn thiện các quy định liên quan đến thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu, đảm bảo phản ánh đúng bản chất và phù hợp thông lệ quốc tế...

- Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt: Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết tiêu dùng phù hợp với sự dịch chuyển về xu hướng tiêu dùng trong xã hội và định hướng của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường; xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế; rà soát điều chỉnh mức thuế tiêu thụ đặc biệt một số mặt hàng để phù hợp với điều kiện KT-XH giai đoạn 2021-2030; nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

- Đối với thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu: Tiếp tục thu gọn số lượng mức thuế suất để đơn giản biểu thuế nhập khẩu, phấn đấu đến năm 2025 số lượng mức thuế suất thuế nhập khẩu giảm từ 32 mức hiện nay xuống còn khoảng 25 mức và 20 mức vào năm 2030. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để thúc đẩy xuất khẩu, khuyến khích gia tăng giá trị nội địa, hạn chế xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản thô... Nghiên cứu sửa đổi các quy định về hàng hóa xuất khẩu tại chỗ, nhập khẩu tại chỗ và các quy định liên quan đến khu phi thuế quan, đảm bảo đồng bộ với quy định của pháp luật có liên quan, hạn chế gian lận thương mại, trốn thuế.

- Đối với thuế thu nhập DN: Rà soát để sửa đổi hoặc bãi bỏ ưu đãi miễn, giảm thuế không còn phù hợp với yêu cầu phát triển, yêu cầu hội nhập quốc tế; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội với chính sách miễn, giảm thuế, đảm bảo tính trung lập của thuế để áp dụng ổn định trong trung và dài hạn; thực hiện ưu đãi thuế thu nhập DN đối với DN nhỏ và siêu nhỏ, đồng thời, chuyển trọng điểm chính sách thu hút đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng, khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế trong đầu tư vào những ngành, nghề mũi nhọn và những địa bàn cần khuyến khích đầu tư. Mở rộng cơ sở thuế phù hợp bối cảnh KT-XH của đất nước và thông lệ quốc tế; thực hiện các tiêu chuẩn phòng, chống chuyển giá, chống xói mòn nguồn thu theo thông lệ quốc tế.

- Đối với thuế thu nhập cá nhân: Rà soát bổ sung đối tượng chịu thuế; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng điều chỉnh số lượng và các mức thuế suất phù hợp với thu nhập chịu thuế phù hợp với bản chất của từng loại thu nhập, tạo điều kiện đơn giản trong quyết toán thuế thu nhập cá nhân cho cả người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế, ngăn chặn các hành vi trốn, tránh thuế; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về miễn, giảm thuế phù hợp với bối cảnh KT-XH của đất nước trong từng giai đoạn và thông lệ quốc tế.

- Đối với thuế tài nguyên: Nghiên cứu sửa đổi quy định, giá tính thuế tài nguyên, sản lượng tài nguyên tính thuế; sửa đổi khung thuế, mức thuế và miễn, giảm thuế tài nguyên theo hướng minh bạch, rõ ràng, đảm bảo chính sách thuế tài nguyên tiếp tục là công cụ hữu hiệu để góp phần quản lý, bảo vệ tài nguyên, khuyến khích sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, khuyến khích chế biến sâu, nâng cao giá trị tài nguyên.

- Đối với các loại thuế liên quan đến tài sản (bao gồm cả thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp): Tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025 để góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Trên cơ sở đó, nghiên cứu hoàn thiện theo hướng tăng mức điều tiết đối với đất và bổ sung thu thuế đối với nhà nhằm khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ nhà, đất, đảm bảo động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho NSNN, phù hợp với điều kiện KT-XH của Việt Nam và thông lệ quốc tế...

- Đối với thuế bảo vệ môi trường: Nghiên cứu mở rộng đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường; nghiên cứu để điều chỉnh khung và mức thuế bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo chính sách thuế bảo vệ môi trường là một công cụ kinh tế quan trọng góp phần hạn chế việc nhập khẩu, sản xuất và sử dụng hàng hóa gây ô nhiễm môi trường.

- Đối với phí và lệ phí và thu khác thuộc NSNN: Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật phí và lệ phí theo hướng khai thác hiệu quả nguồn thu phí, lệ phí từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường; thực hiện lộ trình tăng mức thu phí nhằm từng bước tính đủ chi phí trong mức thu phí; đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi từ phí sang thực hiện giá dịch vụ sự nghiệp công, khuyến khích thúc đẩy xã hội hóa cung cấp dịch vụ công... Nghiên cứu xây dựng khoản thu hoặc thuế đối với các hoạt động, hình thức kinh doanh mới phù hợp với thực tế phát triển, đảm bảo quyền thu thuế, đánh thuế của Việt Nam phù hợp với bối cảnh KT-XH trong từng giai đoạn và theo thông lệ quốc tế. Rà soát, hoàn thiện chính sách về thu khác thuộc NSNN bảo đảm phù hợp với thực tế và đồng bộ với pháp luật chuyên ngành.

Song song với cải cách chính sách thuế, ngành Thuế sẽ tiếp tục xây dựng cơ quan thuế hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, chuyên sâu, chuyên nghiệp theo phương pháp quản lý rủi ro, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người dân và DN; đồng thời trọng tâm của công tác quản lý thuế dựa trên nền tảng thuế điện tử và ba trụ cột cơ bản: thể chế quản lý thuế đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới; công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh nền kinh tế số...

Như vậy, Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 thể hiện quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong thực hiện cải cách nội ngành nói riêng, hướng đến góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH nói chung. Với truyền thống vẻ vang của ngành Thuế trong hơn 75 năm qua; với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, địa phương và sự đồng thuận, quyết tâm cao của toàn thể cán bộ công chức, người lao động toàn ngành Thuế sẽ phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đã đề ra, góp phần tích cực xây dựng nền tài chính quốc gia vững mạnh và thúc đẩy sự phát triển KT-XH của đất nước trong thời kỳ mới.     

Tài liệu tham khảo:

1. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030;

2. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022 phê duyệt Chiến lược Tài chính đến năm 2030;

3. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/04/2022 về việc phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.

* Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế -  Cao Anh Tuấn

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 6/2022