Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế cần những động lực nào?
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam cần dựa nhiều vào các động lực tăng trưởng mới từ khoa học công nghệ, các mô hình kinh tế bền vững như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Tại “Diễn đàn đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam” được tổ chức ngày 7/8, PGS. TS. Bùi Quang Tuấn - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng tốt ở mức trung bình, dù trải qua nhiều biến động địa chính trị trên thế giới, đơn cử như trong dịch COVID-19 vừa qua. Một vài chỉ số về ổn định kinh tế vĩ mô cũng thể hiện tốt như biến động tỷ giá, cán cân thương mại, bội chi ngân sách đều trong tầm kiểm soát của Nhà nước.
Tuy vậy, nền kinh tế Việt Nam dường như vẫn chưa thoát khỏi tăng trưởng theo chiều rộng với việc động lực tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào đóng góp từ vốn và người lao động giá rẻ vẫn chủ yếu, trong khi đóng góp của Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vẫn còn hạn chế.
Theo PGS. TS Bùi Quang Tuấn, một “điểm trừ” khác của mô hình tăng trưởng tại Việt Nam là đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng còn ít. Mô hình tăng trưởng "chưa xanh", chưa đóng góp nhiều cho phát triển bền vững; Tăng trưởng xanh hầu như chưa thực hiện được bao nhiêu. Kinh tế tuần hoàn còn mới manh nha, chưa phát triển. Kinh tế biển xanh còn đang ở dạng tiềm năng là chính…
Trong khi đó, việc đổi mới mô hình tăng trưởng có nhiều cơ hội. Đó là xu hướng công nghệ mới (CM4.0), xanh và số trở thành khách quan; phong trào đổi mới sáng tạo; phong trào khởi nghiệp; cơ cấu dân số trẻ, tiếp cận công nghệ tốt; sản xuất, phân phối, tiêu dùng thông minh hơn…
Đề cập đến giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng, vị chuyên gia này cho rằng, cần dựa nhiều vào các động lực tăng trưởng mới từ khoa học công nghệ, các mô hình kinh tế bền vững như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. “Nền kinh tế có thể đột phá nhờ đổi mới sáng tạo, càng sáng tạo và quyết liệt thực thi bao nhiêu thì đổi lại, chất lượng tăng trưởng sẽ cao, nền kinh tế sẽ phát triển nhanh và bền vững bấy nhiêu.”, PGS. TS Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư cho kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng số, nền tảng số, ứng dụng số để tạo ra những sản phẩm số thương hiệu của Việt Nam. Có cơ chế khuyến khích đầu tư cho khoa học công nghệ... và phải chú ý tới khía cạnh xã hội như quản lý tài nguyên và ô nhiễm, phát thải...; Thể chế thí điểm, đặc thù cho chuyển đổi kép (xây dựng và thí điểm các mô hình trên thực tiễn như ngân hàng số, fintech, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn...); Tạo lập nền tảng văn hoá sáng tạo cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi kép, tiêu dùng bền vững, văn hóa sống xanh...
Cùng quan điểm về những động lực mới, GS. TS. Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, dù đổi mới tăng trưởng theo hướng nào thì đều phải thực hiện việc "thay đổi toàn bộ cái cũ". Trước đây, Việt Nam dựa vào tài nguyên, lao động… hiện nay phải dựa vào khoa học công nghệ, chuyển sang sạch, xanh…
“Ví dụ hiện nay chúng ta khuyến khích các lĩnh vực sản xuất xanh, sạch. Nếu để doanh nghiệp tự mày mò, đầu tư thì rất khó, phải có sự dẫn dắt từ nguồn vốn Nhà nước. Tương tự với lĩnh vực đổi mới sáng tạo, các công nghệ mới, nếu chỉ dựa vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các quỹ đầu tư nhỏ lẻ hiện trên thị trường cũng rất khó để bứt phá, cũng cần có nguồn vốn Nhà nước đặt hàng để các doanh nghiệp trong nước có động lực để triển khai”, GS. TS. Hoàng Văn Cường nêu rõ.
Vị chuyên gia này cho biết thêm, hiện nay, khu vực nhà nước đang quản lý khối lượng tài sản lớn của nền kinh tế. Nhưng cơ chế có phần “ràng buộc” doanh nghiệp nhà nước khó có khả năng đầu tư, đổi mới mạnh mẽ như khối doanh nghiệp tư nhân.
GS. TS. Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, việc Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp (sửa đổi) là cơ hội tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước để khối doanh nghiệp này có cơ chế phát triển không kém khu vực tư nhân. Vì vậy, yếu tố quan trọng của việc tái cấu trúc nền kinh tế vẫn là đổi mới cơ chế, chính sách.