Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:
Đổi mới, sáng tạo, cải cách mạnh mẽ, quyết liệt hành động hơn nữa
2020 là năm thành công nhất với sự đoàn kết "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương đồng", đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, tiền đồ to lớn và tốt đẹp như bây giờ. Trong khi nhiều nước rơi vào suy thoái thì Việt Nam là nước hiếm hoi duy trì tăng trưởng dương, dịch bệnh kiểm soát vững chắc, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thông tin truyền thông, công tác tuyên giáo đạt được hiệu quả.
Năm 2020, với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” và với 138 nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, 49 nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh; 2020 là năm thử thách chưa từng có đối với Chính phủ để đạt kết quả cao hơn các năm trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra và thiên tai, bão lũ hoành hành dữ dội.
Nhìn lại bức tranh kinh tế năm 2020, Việt Nam đã thực hiện thành công “mục tiêu kép”, là một điển hình khống chế dịch Covid-19 của thế giới và đạt mức tăng trưởng dương 2,91%, thuộc nhóm nước đạt mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Quy mô kinh tế đạt hơn 340 tỷ USD, vượt qua nhiều nền kinh tế đứng vị trí cao trong khu vực.
Quan trọng hơn, chúng ta đã duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát dưới ngưỡng 4%. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn toàn cầu, chuỗi cung ứng quốc tế đứt gãy, kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta vẫn đạt mức kỷ lục 543,9 tỷ USD, xuất siêu hơn 19 tỷ USD.
Việt Nam đã đảm nhận thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 với số lượng văn kiện được thông qua lớn nhất từ trước đến nay; ký kết được Hiệp định RCEP có quy mô lớn nhất thế giới...
Với tốc độ tăng trưởng dương gần 3%, Việt Nam là top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới. Tăng trưởng không chỉ phụ thuộc riêng vào khu vực Nhà nước mà còn đến từ khu vực tư nhân. Thương hiệu quốc gia Việt Nam đứng thứ 33 thế giới, nhờ vào cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ thương hiệu sản phẩm.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, Việt Nam nổi lên là thiên đường sản xuất mới. Thị trường chứng khoán phát triển, giúp bổ sung thêm 120 tỷ USD vào tài sản quốc gia so với cách đây 5 năm. Năng lực tài chính, độ vững mạnh ngân hàng tiếp tục được củng cố, dự trữ ngoại hối gần 100 tỷ USD.
Chính sách tỷ giá không nhằm mục tiêu duy trì xu hướng xuất khẩu mà phản ánh khách quan thị trường. Nợ công kéo giảm xuống mức an toàn hơn, không gian tài khóa và dư địa chính sách nâng lên, là bệ đỡ giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh.
Tuy vậy, thực tiễn cũng cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chưa tương xứng tiềm năng, chưa thực sự bền vững. Việc làm của người dân một số khu vực còn chưa đảm bảo, đặc biệt ở nông thôn.
Nhiều địa phương tăng trưởng nhanh nhưng chưa tương xứng tiềm năng, đặc biệt miền núi, vùng sâu vùng xa. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp bị giải thể, phá sản. Chất lượng giáo dục, y tế còn nhiều bất cập, hạn chế. Đô thị hóa nhưng vẫn còn những khu nhà lụp xụp. Tệ nạn xã hội, ma túy còn diễn biến phức tạp, tình trạng bạo hành xâm hại trẻ em còn xảy ra. Ô nhiễm môi trường, tác động biến đổi khí hậu ngày càng hiển hiện rõ...
Việt Nam chưa thể đứng ở nhóm đầu quốc gia về thu nhập nhưng hoàn toàn có thể đi đầu trong những ngành và lĩnh vực mới khai phá. Để làm được điều này cả hệ thống chính trị và người dân cần có trách nhiệm biến cơ hội thành lợi thế, nguồn lực cho tăng trưởng.
Hơn lúc nào hết, sứ mệnh của chúng ta là kiến tạo môi trường để mọi người dân đóng góp và phát triển, không để ai bỏ lại phía sau. Cùng với đầu tư những dự án lớn, không thể bỏ qua những con đường, chiếc cầu nông thôn. Đầu tư hệ thống y tế sức khỏe phù hợp với mọi người dân, mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế, sớm thực hiện thông tuyến, mở rộng phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế...
Năm 2021, Chính phủ sẽ tiếp tục đề cao tinh thần đoàn kết, kỷ cương; yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, không lơ là, chủ quan trước đại dịch; tranh thủ thời cơ, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới với khát vọng phát triển, tinh thần đổi mới sáng tạo, cải cách mạnh mẽ, quyết liệt hành động hơn nữa.
(Lược trích bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Chính phủ trực tuyến với các địa phương, ngày 28-29/12/2020)