Đổi mới sáng tạo: Yêu cầu "sống còn" giúp doanh nghiệp nâng năng suất

Hạ Băng

Đổi mới sáng tạo trong sản xuất là một trong những yêu cầu sống còn giúp doanh nghiệp (DN) nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh.

Yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp Việt nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cải tiến năng suất.
Yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp Việt nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cải tiến năng suất.

Theo Viện Năng suất Việt Nam, với xu thế kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, nâng cao năng suất, chất lượng là yếu tố nền tảng cho phát triển kinh tế và tăng trưởng.

Yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, cạnh tranh về giá và việc tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu đòi hỏi các DN Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cải tiến năng suất.

Thời gian qua, nhiều hoạt động hỗ trợ DN thúc đẩy năng suất đã được triển khai sâu rộng với sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội DN... Ngày càng có nhiều DN chủ động tìm kiếm và thực hiện các giải pháp cải tiến năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm thúc đẩy hoạt động năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thực tế cho thấy, các DN khi triển khai các dự án cải tiến, tối ưu hóa quá trình sản xuất theo các công cụ truyền thống như: Lean, Kaizen, 5S, ISO,... đã có thể cải thiện năng suất tăng từ 15 - 20% .

Cùng với áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, sử dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, theo các chuyên gia năng suất, chất lượng, doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Thậm chí, đổi mới sáng tạo trong sản xuất được xem là một trong những yêu cầu sống còn giúp DN nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh ở thời điểm hiện tại.

Cụ thể, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy nâng cao năng suất là rất cần thiết để giúp các DN đón đầu công nghệ mới, đưa cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 thành cơ hội đổi mới cho DN khi việc ứng dụng các công nghệ thông tin và tự động hóa các quá trình kinh doanh hiện nay vẫn còn hạn chế ở không ít DN.

Đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao năng suất, chất lượng giúp DN đạt được lợi thế cạnh tranh mới, tạo ra thị trường mới, thu hút các nguồn lực tài trợ của các đối tác, sử dụng hiệu quả nguồn lực, giảm lãng phí, nâng cao uy tín của DN.

Nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo

Để hỗ trợ DN nâng cao năng suất, chất lượng gắn với đổi mới sáng tạo, cơ quan quản lý nhà nước cần thống nhất quản lý nhà nước về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; có sự phân công, phân cấp, phối hợp giữa các ngành, các cấp Trung ương và địa phương trong bối cảnh mới nhằm thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

Đồng thời, cần hoàn thiện, đổi mới cơ chế, chính sách về đổi mới sáng tạo, khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức, DN thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo, huy động tối đa nguồn lực xã hội đầu tư cho lĩnh vực này...

Về phía DN, các chuyên gia nhấn mạnh, cần nhận thức tầm quan trọng của hoạt động đổi mới, sáng tạo gắn với nâng cao năng suất, chất lượng đối với sự tồn tại, tăng trưởng và phát triển của DN.

Theo đó, DN cần tìm hiểu, nghiên cứu về tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, năng lực sáng tạo, bổ sung hoạt động đào tạo để phát triển nguồn nhân lực cho tương lai.

Trong bối cảnh mới, để DN có thể đổi mới sáng tạo, rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ giỏi về kỹ năng nghề mà cần có các kỹ năng mềm và hiểu biết về các công cụ năng suất, góp phần tạo ra nhiều ý tưởng, công nghệ và thương mại hóa công nghệ.

DN cũng cần chủ động nắm bắt các tín hiệu của thị trường, năng động và sáng tạo, hiểu rõ được tầm quan trọng của chuỗi giá trị sản phẩm.

Từ đó, chủ động thu hút, huy động sự tham gia của các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức tín dụng để hình thành sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả hướng đến tạo ra và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa thiết thực, có sức cạnh tranh cao trên thị trường.

Ngoài ra, DN cũng cần tăng cường mở rộng các mối quan hệ mạng lưới để tiếp cận các nguồn lực tri thức từ bên ngoài trong việc chuyển giao công nghệ.

Bản thân chủ DN cần nâng cao trình độ chuyên môn để có thể hấp thu những kiến thức mới từ môi trường bên ngoài, từ đó có giải pháp, định hướng tăng cường năng lực nội tại của DN trong bối cảnh hội nhập quốc tế...