Đổi mới toàn diện hoạt động tiêu chuẩn hóa

Linh Nguyễn

Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia giai đoạn đến năm 2030 đang được xây dựng, trong đó có một số nội dung cần tập trung để đưa ra định hướng cụ thể.

Xu thế toàn cầu hiện nay là phát triển bền vững, tối ưu hóa sử dụng chất thải trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Xu thế toàn cầu hiện nay là phát triển bền vững, tối ưu hóa sử dụng chất thải trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Triển khai Nghị quyết 13-NQ/TW của Đảng, trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia rất sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới song phương và đa phương, Chính phủ đã xây dựng các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Thực tế cho thấy, việc triển khai các kế hoạch, chiến lược trên đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động tiêu chuẩn hóa. Theo đó, hoạt động này cần đổi mới, xác định con đường mới để phục vụ tốt hơn cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Đất nước trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, đồng thời giải quyết hàng loạt thách thức phải đối mặt như đại dịch COVID-19, suy thoái tài nguyên… 

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có cách thức để kịp thời định hướng cho cộng đồng doanh nghiệp, xã hội ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, các vấn đề nâng cao chất lượng cuộc sống. Hoạt động tiêu chuẩn hóa cũng sẽ góp phần thúc đẩy việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Chính vì vậy, Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia giai đoạn đến năm 2030 đang được xây dựng, tập trung vào một số nội dung, định hướng cụ thể:

Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về hoạt động tiêu chuẩn hóa, đánh giá sự phù hợp đến năm 2030. Sau hơn 15 năm triển khai Luật Tiêu chuẩn Quy chuẩn Kỹ thuật và Luật Chất lượng Sản phẩm hàng hóa, đây là thời điểm cần rà soát tổng thể hoạt động tiêu chuẩn hóa trong bối cảnh có những định hướng phát triển kinh tế – xã hội mới, nỗ lực chung tay thực hiện mục tiêu phát triển của Liên Hợp Quốc đã đặt ra, cũng như thích ứng với quá trình chuyển đổi số đang lan rất nhanh chóng hiện nay. Hoạt động tiêu chuẩn hóa cần có cách thức để đưa ra những tiêu chuẩn có chất lượng, tiêu chuẩn làm định hướng nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa của Việt Nam. Hoạt động tiêu chuẩn hóa được lan tỏa, không chỉ thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu mà còn là tiêu chuẩn, cơ sở để tạo sự công bằng trong xã hội.

Thứ hai, cần định hướng xây dựng hệ thống tiêu chuẩn hóa trong thời gian tới đáp ứng và phục vụ một cách tốt nhất cho hoạt động phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Trong đó, chú trọng đến việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học để đưa ra những tiêu chuẩn mới, thúc đẩy sản phẩm hàng hóa chủ lực của Việt Nam. Tương lai đưa tiêu chuẩn Việt Nam được xem xét để chấp nhận thành tiêu chuẩn quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng Việt.

Thứ ba, Việt Nam cần có cách tiếp cận mới trong việc đầu tư, xây dựng nguồn lực để thúc đẩy hoạt tiêu chuẩn hóa. Chúng ta cần có chiến lược để có đội ngũ chuyên gia tiêu chuẩn hóa mạnh, giỏi trong các lĩnh vực mà Việt Nam cần ưu tiên để tạo ra các tiêu chuẩn có giá trị, có ưu thế, tiến tới việc đưa đội ngũ chuyên gia này tham gia sâu, rộng trong các Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế.

Theo Tổng cục Đo lường Chất lượng, hiện có rất nhiều lĩnh vực, nhóm sản phẩm hàng hóa cần nghiên cứu và xây dựng thành tiêu chuẩn quốc gia cụ thể, các tiêu chuẩn về đặc tính kỹ thuật của sản phẩm hàng hóa cụ thể hoặc tiêu chuẩn mang tính chất nâng cao năng lực quản lý và tiêu chuẩn hỗ trợ, phục vụ cho quá trình nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Xu thế toàn cầu hiện nay là phát triển bền vững, tối ưu hóa sử dụng chất thải trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần có nghiên cứu, đưa ra các tiêu chuẩn phục vụ cho kinh tế tuần hoàn, hoặc nhóm tiêu chuẩn tạo ra vật liệu mới, sản phẩm mới có tính năng tương tự như sản phẩm thông thường nhưng sử dụng ít nguyên, nhiên vật liệu hơn và thải ra môi trường chất độc hại ít hơn. Đây không chỉ là chủ trương của Việt Nam mà còn của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế trong việc xây dựng tiêu chuẩn xanh, xây dựng các tiêu chuẩn phục vụ kinh tế tuần hoàn, xây dựng tiêu chuẩn về vật liệu mới thân thiện hơn với môi trường.