Đôi nét về hệ thống chuyển tiền ngầm tại Nam Á và Trung Đông
(Tài chính) Kể từ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ, quan chức Mỹ và nhiều nước đã nỗ lực xóa sổ các “Hawala" - Hệ thống chuyển tiền ngầm ở Trung Đông và Nam Á. Tuy nhiên, các “Hawala” vẫn tồn tại và những quan ngại về việc lợi dụng kênh chuyển tiền này để tiến hành các hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố đang được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm.
Hệ thống chuyển tiền ngầm Hawala
Trên thế giới, bên cạnh kênh chuyển tiền chính thức được cung cấp bởi các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính được đăng ký hoạt động hợp pháp, hiện vẫn song song tồn tại những kênh chuyển tiền không chính thức hay còn gọi là hệ thống chuyển tiền không chính thức hoặc hệ thống chuyển tiền ngầm.
Hệ thống chuyển tiền ngầm được hình thành theo các khu vực địa lý nhất định. Có thể kể đến các hệ thống chuyển tiền ngầm như: Hawala (Trung Đông và châu Á), Feichien (Trung Quốc), Padala (Philippines), Hundi (Ấn Độ), Hui Kuan (Hongkong), Phei Kwan (Thái Lan)… Trong số đó, các “Hawala" - Hệ thống chuyển tiền ngầm ở Trung Đông và Nam Á đang được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan ngại.
Hawala là một từ Ả rập có nghĩa là "chuyển dịch". Hệ thống chuyển tiền Hawala đã được hình thành từ rất lâu ở Ấn Độ và các quốc gia châu Á khác với mục đích để tài trợ cho hoạt động thương mại.
Thời xa xưa, khi các tổ chức tài chính trung gian chưa tồn tại hoặc phổ biến, các thương gia để tránh rủi ro đã sử dụng hệ thống này thay cho việc họ phải mang vàng hoặc tiền để thanh toán.
Ngày nay, Hawala đã phát triển rộng khắp trên toàn thế giới, tuy nhiên, hoạt động tập trung chính ở khu vực Nam Á và Trung Đông. Mạng lưới hawala rộng khắp bởi người cung cấp dịch vụ Hawala không cần phải có trụ sở, phải đăng ký. Đại lý Hawala có thể là một cá nhân hoạt động ở nhà mình, có thể ở các cửa hàng nhỏ, đại lý du lịch, cửa hàng vàng, điểm bán thẻ điện thoại... ở cả những khu vực vùng sâu, vùng xa nơi không có mạng lưới ngân hàng hoạt động hoặc nhận thức của người dân còn hạn chế, không có điều kiện tiếp xúc các dịch vụ ngân hàng.
Lý do Hawala được sử dụng rộng rãi tại trước hết là vì thủ tục đơn giản: người chuyển tiền chỉ phải cung cấp tên và số điện thoại hoặc địa chỉ của người nhận tiền mà không cần phải khai báo thông tin hoặc cung cấp giấy tờ chứng minh về nhân thân của mình. Người nhận tiền chỉ phải cung cấp mã code giao dịch và nhận tiền. Thời gian chuyển tiền qua Hawala cũng nhanh chóng. Thông thường chỉ mất khoảng từ 6 -12h để tiền được chuyển đến người nhận ở các địa điểm và các quốc gia khác nhau. Bên cạnh đó chi phí chuyển tiền cũng rẻ: chỉ khoảng từ 0,25% - 1,25% giá trị khoản tiền chuyển.
Kênh rửa tiền và tài trợ khủng bố
Hệ thống Hawala được sử dụng khá phổ biến bởi những người lao động ở nước ngoài gửi tiền về cho người nhà nhiều quốc gia như Ấn Độ, Afghamstan, Pakistan… Theo lời một quan chức cấp cao của Pakistan, hàng năm có khoảng 2 - 5 tỷ USD được về Parkistan thông qua mạng lưới Hawala. Lượng giá trị này nhiều hơn tổng giá trị chuyển dịch qua kênh chuyển tiền chính thức là hệ thống ngân hàng.
Chính bởi thủ tục chuyển tiền là vô cùng đơn giản, kể cả người nhận và chuyển tiền đều không phải cung cấp thông tin nên không có sự khác biệt hay nhận dạng nào để phát hiện tiền được chuyển có nguồn gốc hợp pháp hay bất hợp pháp.
Cơ quan Interpol nói rằng Hawala là “một lối chuyển tiền mà không thấy sự di động của đồng tiền” (không cần có giấy tờ biên nhận; lấy sự tín nhiệm làm kim chỉ nam trong việc làm ăn với nhau). Chính với đặc điểm nêu trên, Hawala đã bị tội phạm nói chung và tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố nói riêng lợi dụng để rửa tiền hoặc chuyển tiền để tài trợ khủng bố nhằm tránh sự phát hiện của các cơ quan có thẩm quyền.
Trong trường hợp phát hiện tội phạm thì việc điều tra hay truy tố tội phạm là rất khó khăn do hồ sơ khách hàng, thông tin giao dịch, tài liệu chứng minh hầu như không thể khai thác được từ các đại lý Hawala. Trên thực tế, tội phạm hoặc các tổ chức tội phạm cũng có thể lập ra các đại lý Hawala để nhận và chuyển tiền cho khách hàng nhưng thực chất chỉ để ngụy trang cho hoạt động rửa tiền hay tài trợ khủng bố của mình.
Cảnh giác với các hệ thống chuyển tiền ngầm
Trước nguy cơ và thực tiễn tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố đã sử dụng hệ thống chuyển tiền Hawala nói riêng và các kênh chuyển tiền không chính thức khác nói chung để rửa tiền và tài trợ khủng bố, lực lượng đặc nhiệm tài chính (Financial Action Task Force - FATF) đã đưa nội dung này vào các khuyến nghị của FATF.
Theo Khuyến nghị đặc biệt thứ 6 của FATF về chống tài trợ cho khủng bố các quốc gia phải có những hành động để bảo đảm rằng những cá nhân và pháp nhân cung cấp dịch vụ “chuyển tiền hoặc chuyển giá trị” được cấp phép hoặc được đăng ký và phải chấp hành các tiêu chuẩn. Các quốc gia phải tiến hành các biện pháp để đảm bảo cá nhân hoặc pháp nhân cung cấp dịch vụ chuyển tiền hoặc giá trị phải được đăng ký hoặc cấp phép và là đối tượng chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền (khuyến nghị số 14 về chống rửa tiền). Ngoài ra, cần phải hành động để xác định cá nhân hoặc pháp nhân thực hiện dịch vụ chuyển tiền hoặc giá trị mà không đăng ký hoặc không có giấy phép để áp dụng các hình phạt thích hợp (phải chịu những chế tài hành chính, dân sự hoặc hình sự).