Đối thoại khởi nghiệp và việc làm
Đưa nội dung khởi nghiệp vào chính khóa; xem giáo dục kinh doanh là một phần của hướng nghiệp; có những hành động khích lệ thiết thực cho sáng tạo, khởi nghiệp; tạo lập kênh vốn riêng từ địa phương để giải quyết việc làm và cho vay giải quyết việc làm theo người lao động thay vì hộ gia đình như hiện nay cho thanh niên… là những nội dung chính của Diễn đàn đối thoại “Khởi nghiệp và việc làm” diễn ra chiều 10/12 tại Hà Nội. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ thứ XI nhiệm kỳ 2017-2022.
Tham dự đối thoại có Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạc và Đầu tư Nguyễn Thế Phương và đại diện các bộ, ban, ngành liên quan cùng 120 đại biểu là thủ lĩnh đoàn các cấp trên cả nước.
Với tinh thần thẳng thắn, xung kích, các thủ lĩnh đoàn tham dự đối thoại đã chỉ ra những hạn chế, khó khăn khi thanh niên khởi nghiệp và tìm kiếm việc làm. Ban đầu là công tác hướng nghiệp chưa được đặt đúng vị trí trong hệ thống giáo dục, việc đào tạo đội ngũ chuyên gia hướng nghiệp cũng chưa được chú trọng; cơ chế chính sách về hướng nghiệp vẫn còn nhiều bất cập...
Thậm chí, công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp ở Việt Nam mới dừng ở mức chỉ dẫn; tư vấn/tham vấn hướng nghiệp chưa phát triển, dẫn đến tư vấn định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh còn hạn chế.
Nhiều đại biểu cho biết, Việt Nam đang mất cân đối giữa cung và cầu. Theo kết quả điều tra lao động việc làm quý IV/2016 của Tổng cục Thống kê và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, số thanh niên trong độ tuổi lao động là 24,3 triệu người, chiếm hơn 44% lực lượng lao động. Hàng năm, nước ta giải quyết việc làm cho khoảng 1,5-1,6 triệu lao động.
Tuy nhiên, chất lượng lao động thấp dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao, gấp 3 lần tỷ lệ thất nghiệp chung. Tình trạng này là thách thức đối với nền kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, xuất khẩu lao động vẫn còn nhiều bất cập từ cơ chế chính sách, doanh nghiệp và chính người lao động.
Riêng đối với lĩnh vực khởi nghiệp, các thống kê gần đây cho thấy hiệu quả các dự án khởi nghiệp ở Việt Nam không cao, cụ thể: 80% các dự án khởi nghiệp thất bại. Đối với bản thân người khởi nghiệp tại Việt Nam tồn tại nhiều hạn chế, như: chưa nhận thức rõ về các vấn đề pháp lý, lựa chọn sai loại hình doanh nghiệp, thiếu kiến thức về lĩnh vực, vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ, thiếu điều khoản hợp tác, xác định sai phương thức khởi nghiệp...
Bên cạnh đó, bài toán về vốn (làm sao vay vốn ngân hàng, các quỹ đầu tư chuyên nghiệp) và các rào cản về thủ tục hành chính (điều kiện kinh doanh, giấy phép con, khó thoái vốn) vẫn là những nguyên nhân lớn cản trở quá trình khởi nghiệp tại Việt Nam đặc biệt trong thanh niên.
Trong khuôn khổ có hạn nhưng phần lớn các nhóm ý kiến các đại biểu đã được đại diện các bộ, ban, ngành giải đáp. Riêng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung - với tư cách cựu thủ lĩnh của Đoàn khẳng định, dù là thời kỳ nào thì công tác thanh niên vẫn gắn với ba đặc trưng: Tình nguyện, xung kích và sáng tạo.
Hiện nay, công tác này vừa dễ lại vừa khó. Dễ ở chỗ, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước nhưng khó là đòi hỏi mỗi thanh niên phải hành động trí tuệ hơn rất nhiều. Do đó, Bộ trưởng nhắn nhủ các thủ lĩnh đoàn hãy quan tâm hơn nữa đến mỗi đoàn viên; ngược lại, mỗi đoàn viên hãy xả thân, cháy hết mình cho sự nghiệp chung… Có như vậy mới cùng nhau tìm ra hướng đi đúng cho tương lai.