Đối thoại TPP: Cơ hội nào cho doanh nghiệp tại Việt Nam?
Đây là chủ đề của Hội thảo do Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh và Công ty KPMG Việt Nam tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 17/3/2016.
Hội thảo có sự tham dự của trên 30 Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài, trên 200 doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp niêm yết lớn của Việt Nam.
Theo HOSE, Hội thảo này đã mang đến nhiều thông tin cập nhật và cái nhìn toàn diện về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng như những tác động của Hiệp định đối với môi trường kinh doanh và quan hệ thương mại của các quốc gia tham gia TPP.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, ngày 04/02/2016, Hiệp định TPP đã chính thức được ký kết, đánh dấu việc hoàn tất toàn bộ quá trình hơn 5 năm đàm phán. Việt Nam là một trong 8 nước được mời tham gia đàm phán TPP ngay từ những ngày đầu tiên, bởi trong mắt của các nhà đầu tư quốc tế luôn tin tưởng Việt Nam là một nước năng động, nhất quán thi hành đường lối mới, nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế.
Ngoài ra, Việt Nam là một nước có lượng dân số cao, có nhiều tiềm năng trong việc mang lại giá trị gia tăng lớn cho các nước. Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự dó và có các mối quan hệ với các cường quốc lớn đã củng cố vị thế của Việt Nam trên trường khu vực và quốc tế.
Với 12 quốc gia thành viên, TPP đang tạo ra một khu vực thương mại lớn nhất thế giới với tổng dân số hơn 800 triệu người (11,2% thế giới), sản lượng kinh tế tương đương 40% GDP toàn cầu và 30% tổng doanh thu xuất nhập khẩu thế giới. Dự kiến có hiệu lực từ năm 2018, Hiệp định TPP mở ra những cơ hội lớn cho cộng đồng các doanh nghiệp trong nước hoạt động trong lĩnh vực thương mại, sản xuất, xuất nhập khẩu…
Nhìn nhận ở khía cạnh khác, ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HOSE cho biết, dưới tác động của TPP, Sở kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ có nhiều thay đổi tích cực. Dựa trên nền tảng phát triển chung của nền kinh tế, chất lượng hàng hoá trên thị trường chứng khoán cũng sẽ được cải thiện đáng kể, không chỉ đối với chứng khoán của các ngành hưởng lợi như dệt may, da giày, thuỷ sản, mà còn cộng hưởng đến các ngành phụ trợ khác. Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam sẽ gia tăng mạnh, tạo động lực tăng trưởng mới cho thị trường.
Tuy nhiên, cơ hội thuận lợi cũng đi kèm với khó khăn thách thức. Có thể thấy rằng quy mô hiện nay của thị trường chứng khoán chưa đủ lớn để có thể hấp thụ hết lượng vốn khổng lồ từ nước ngoài; sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp là không nhỏ trên sân chơi chung của quốc tế.
Để chuyển cơ hội thành lợi ích kinh tế, không những đòi hỏi các doanh nghiệp không ngừng chuyển mình thay đổi, mà còn yêu cầu sự đổi mới của Nhà nước, các cơ quan quản lý, điều hành.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp là chủ thể phản ánh sức mạnh và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Do vậy, chúng tôi kỳ vọng các doanh nghiệp luôn thể hiện quyết tâm cao, chủ động sáng tạo, không ngừng nâng cao sức cạnh tranh hàng hoá, dịch vụ với tư duy không chỉ giới hạn tại thị trường trong nước mà còn vươn tầm ra thế giới, để từ đó nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế nước nhà.
Tại Hội thảo, ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc đồng tổ chức Hội thảo giữa 3 đơn vị là sự mong muốn tạo ra một diễn đàn mở nơi các đại biểu là đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội, cùng lãnh đạo các cơ quan ban ngành có thể cùng nhau đưa ra ý kiến và trao đổi thẳng thắn về TPP và những cơ hội, thách thức xung quanh Hiệp định này. Từ đó, các doanh nghiệp có thể tìm ra những phương án kinh doanh, cơ hội hợp tác nhằm tận dụng tối đa những cơ hội để mang lại lợi ích chung cho các doanh nghiệp và toàn xã hội./.