Đòn bẩy ảnh hưởng

Theo Linh Anh/daibieunhandan.vn

Một dự luật nhắm vào nhóm các nhà xuất khẩu dầu mỏ OPEC đang “tiến vào” Quốc hội Mỹ và nhiều khả năng đem tới không ít thách thức tài chính và địa chính trị mới cho thị trường dầu quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Một ủy ban của Hạ viện Mỹ mới đây đã phê duyệt Dự luật Không Cartel sản xuất và xuất khẩu dầu năm 2019 - NOPEC và một phiên bản của nó đã được trình lên Thượng viện xem xét.

Hành trình của NOPEC

Mục đích của NOPEC là tìm cách ngăn chặn Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh điều chỉnh mức sản xuất của họ để ảnh hưởng đến giá dầu. Dự luật này sẽ quy “hành động hạn chế việc sản xuất hoặc phân phối dầu, khí thiên nhiên, hoặc bất kỳ sản phẩm dầu mỏ nào khác, để thiết lập hoặc duy trì giá là phi pháp”.

Theo đó, quyền miễn trừ sẽ không còn bảo vệ các thành viên OPEC khỏi việc thực thi chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ suốt thời gian qua. Nếu NOPEC được thông qua, Tổng Chưởng lý Mỹ có thể nộp đơn kiện lên OPEC hoặc các thành viên được đề cập. OPEC và quốc gia được coi là nhà lãnh đạo không chính thức của tổ chức là Ảrập Xêút đã đạt được thỏa thuận với Nga cuối năm 2016 để hạn chế sản lượng nhằm nâng giá dầu thô. Từ đó, giá dầu đã tăng tới 86%.

Những nỗ lực của cơ quan lập pháp Mỹ nhằm “trấn áp” OPEC có từ năm 2000 và các phiên bản khác nhau của NOPEC đã được đề xuất dù không liên tục kể từ đó, bất chấp phản đối của các doanh nghiệp và nhà vận động hành lang của ngành dầu khí. Tuy nhiên, các đời ông chủ Nhà Trắng như George W. Bush và Barack Obama từng phản đối biện pháp trên, hạn chế triển vọng của nó nhờ quyền phủ quyết của Tổng thống. Ngược lại, dưới thời Tổng thống Donald Trump, khả năng dự luật được thông qua gia tăng bởi ông thường xuyên chỉ trích OPEC thao túng thị trường dầu.

Một số nhà phân tích cho rằng, cuộc tranh luận xung quanh NOPEC thực chất nhằm tăng cường ảnh hưởng cho Mỹ. Bởi ngay cả khi dự luật không bao giờ trở thành luật, nó cũng đem lại cho chính quyền đòn bẩy đáng kể nếu giá dầu bắt đầu tăng. Theo Tập đoàn tài chính Barclays, NOPEC sẽ cung cấp các tùy chọn bổ sung “có thể được coi là trừng phạt” trong bối cảnh tranh cãi xung quanh vụ sát hại nhà báo Ảrập Xêút Jamal Khashoggi hay những nỗ lực liên tục của OPEC trong việc quản lý giá dầu, nhất là khi nhóm này và các đồng minh sẽ có một cuộc họp vào tháng tới ở Azerbaijan. Trước đây, đã có lần Tổng thống Mỹ Donald Trump từng phải kêu gọi OPEC duy trì sản lượng cao để hạn chế giá dầu.
 
Tác động địa chính trị

Những người ủng hộ NOPEC muốn giữ giá dầu không tăng quá cao nhưng nhiều khả năng biện pháp đó có thể phản tác dụng nếu Ảrập Xêút chấm dứt “truyền thống” sản xuất dự phòng để nâng sản lượng trong trường hợp khủng hoảng nguồn cung. Trước đây, Ảrập Xêút từng tăng cường sản xuất để bù đắp nguồn cung bị mất từ Iraq và Libya và nhiều trường hợp khác để giữ giá dầu. Theo các nhà phân tích, nếu năng lực sản xuất dự phòng của Ảrập Xêút và các thành viên OPEC khác không được duy trì, giá dầu thô sẽ biến động mạnh hơn mỗi lần gián đoạn nguồn cung.

Ở khía cạnh khác, có người nhận định bất cứ dự luật NOPEC nào cũng đặt ra vấn đề quan hệ giữa Mỹ và Ảrập Xêút, kèm theo những tác động địa chính trị không nhỏ. Có thể sự bùng nổ dầu đá phiến đã giúp xứ sở cờ hoa giảm phụ thuộc vào dầu mỏ của Trung Đông, nhưng Ảrập Xêút vẫn luôn là nền tảng chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump ở khu vực, nhất là để kiềm chế Iran. Bên cạnh đó, Riyadh còn là nhà nhập khẩu vũ khí quan trọng của Washington.

Ngoài ra, một rủi ro nữa của NOPEC sẽ là giá dầu lao dốc. Nếu kịch bản này xảy ra, rất có thể thế giới sẽ lại chứng kiến các cuộc biểu tình quy mô lớn của dân chúng cũng như sự trỗi dậy của các cuộc cách mạng mùa xuân Ảrập. Những rủi ro kinh tế và địa chính trị đó có thể khiến cho sự ủng hộ của ông Trump đối với NOPEC khó xảy ra, nhưng với một số nhà quan sát thì “với vị Tổng thống này, chúng ta không thể chắc chắn điều gì”.

Ảrập Xêút và các nước đồng minh ở vùng Vịnh Ba Tư thuộc OPEC đang ủng hộ một thỏa thuận liên minh chính thức với nhóm 10 nước do Nga dẫn đầu nhằm quản lý thị trường dầu toàn cầu. Chủ đề trên sẽ được thảo luận trong cuộc họp giữa các nhóm tại Vienna, Áo ngày 18.2 tới và rất có thể sẽ đạt được thỏa thuận cuối cùng vào tháng 4. Tờ The Wall Street Journal nhận định, một liên minh như vậy sẽ làm thay đổi mạnh mẽ OPEC và có khả năng giúp thiết lập mức giá đáy của dầu thô, đi ngược lại mục tiêu giảm giá xăng của ông Trump trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm sau.