Dồn dập mua bán sáp nhập ngân hàng
(Tài chính) Còn chín tháng để hoàn thành 6 thương vụ mua bán sáp nhập ngân hàng.
Nhiều thương vụ sáp nhập
Đến nay các thương vụ chắc chắn được sáp nhập là NH Phương Nam với NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), NH Mê Kông (MDB) về với NH Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank). Trong cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Vietcombank hôm 16-1, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã khẳng định đối tượng mà Vietcombank sẽ nhận hợp nhất chính là SaigonBank.
Bên cạnh những cuộc “kết hôn” được biết trước, ngay từ đầu tháng 1 nhiều kịch bản mở đã được tiết lộ hứa hẹn một năm sôi động mua bán sáp nhập với nhiều NH lớn sẽ tham gia. Nhiều thông tin cho rằng BIDV đang tìm hiểu để sáp nhập với NH Phát triển nhà đồng bằng sông Cửa Long (MHB). Còn VietinBank dù đến giờ chưa có thông tin chính thức, tuy nhiên khả năng cùng lúc sáp nhập với Ocean Bank và PGBank đang được đặt ra.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2015, ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, nêu định hướng, dự kiến trước tháng 6 sẽ hoàn thành các kế hoạch hợp nhất, sáp nhập. Các kế hoạch cụ thể hiện chưa được công bố nhưng định hướng trên sẽ có sự tham gia tích cực của các NH thương mại có vốn của Nhà nước và một số NH thương mại cổ phần lớn tham gia. Vừa qua, thống đốc NHNN cũng đã kêu gọi các NH cổ phần nhà nước vào cuộc mua bán sáp nhập. Không những thế, thống đốc còn cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho những NH này không bị thiệt thòi khi sáp nhập.
Sắp tới sẽ có nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập NH được tiết lộ. Ảnh: HTD
Không có chuyện không làm được
Trong năm 2014, không có thương vụ sáp nhập nào được thực hiện. Câu hỏi lo ngại rằng cùng một lúc với nhiều mục tiêu như sáp nhập hàng loạt NH, rồi NH niêm yết trên sàn chứng khoán, đưa nợ xấu trên toàn hệ thống về dưới 3% thì liệu rằng chúng ta có hoàn thành?
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, cho hay sáp nhập NH không bao giờ là vấn đề dễ dàng. Sáu NH hay bao nhiêu nữa… cỡ nào chúng ta cũng làm được. Vấn đề là muốn hay không muốn mà thôi. Sở dĩ năm qua không có thương vụ nào thực hiện được vì sự thương lượng giữa hai bên chưa đạt kết quả như mong muốn. “Có ba vấn đề mà hai bên dựa vào để thương lượng. Một là dựa trên giá trị ở sổ sách, hai là dựa vào giá trị thực của tài sản có và ba là giá thị trường. Thế nên dù thế nào khi đang tìm hiểu để về chung nhà thì NH bị sáp nhập cũng phải công khai sổ sách, tài chính của mình. Nói chung phải phơi bày hết ruột gan của mình về nợ xấu, tài sản… thậm chí là cả sở hữu chéo để bên kia nắm được. Thế nên việc thương lượng ở đây cũng khá phức tạp” - ông Hiếu nói.
Cùng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI), cho rằng quá trình này sẽ diễn ra nhanh chóng vì đối với những NH mạnh sáp nhập với một NH yếu kém thì giống như nối thêm một toa tàu vào với một đoàn tàu mà thôi. Song ông Nghĩa giải thích vấn đề NH mạnh thôn tính các NH nhỏ cũng không cần phải bàn bạc nhiều về phân chia quyền lực, thị phần... mà hãy nghĩ đến sự lành mạnh của hệ thống.
Theo các chuyên gia thì chẳng ai thiệt ai hơn. Bản thân NH mạnh không hẳn đã muốn ôm cục nợ về mình. Còn NH yếu kém mất đi tên của mình cũng đau xót nhưng không còn cách nào khác.
Đầu năm, thống đốc NHNN cũng cho hay sau khi tái khẳng định các “ông lớn” không hề mất mát gì, NHNN sẽ đưa ra cơ chế chính sách, đảm bảo để các NH không bị thua thiệt. Việc sáp nhập này sẽ giúp các NH lớn mở rộng mạng lưới trong khi những NH kia cũng có hàng chục các chi nhánh, phòng giao dịch và hệ thống NH sẽ lành mạnh.
Không quá khó khăn khi đưa nợ xấu của toàn hệ thống về dưới 3%. Do nợ xấu chỉ tính trong hệ thống NH chứ không tính nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC), vậy nên các NH sẽ xem xét rà soát tính toán lại để bán cho VAMC sao cho đưa con số về dưới 3% là quá dễ thực hiện. Cái chúng ta cần phải đặt ra là mục tiêu giải quyết toàn bộ nợ xấu bao gồm của NH hiện nay và nợ xấu đã bán cho VAMC.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng