Dồn dập sáp nhập ngân hàng: Lo gánh nặng nợ xấu
(Tài chính) Sáp nhập không có nghĩa là nợ xấu của ngân hàng bán bị xóa mà tất cả được thể hiện qua định giá, chất lượng ngân hàng biểu hiện qua giá cổ phiếu khi sáp nhập.
Tháng 3-2012, đề án Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015 được ban hành kèm theo Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ. Các giải pháp tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính, củng cố năng lực hoạt động, cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của tổ chức tín dụng… Chính phủ khuyến khích việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại các tổ chức tín dụng theo nguyên tắc tự nguyện nhưng với một số đơn vị có mức độ rủi ro cao, nguy cơ mất an toàn cao sẽ được áp dụng các biện pháp xử lý đặc biệt.
Mới giải quyết bề nổi
TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế trung ương, cho biết đợt sáp nhập của các ngân hàng (ngân hàng) lần này nằm trong chương trình cải tổ hệ thống ngân hàng của Chính phủ. Cả hệ thống ngân hàng tài chính còn nhiều vấn đề, rủi ro khá cao nên cần nhiều bước đi từ minh bạch hóa, cải tổ hệ thống giám sát, nâng chất lượng quản lý và đặc biệt là quản trị rủi ro theo thông lệ, chuẩn mực tốt mà mua bán, sáp nhập là một giải pháp.
Theo giới phân tích, khi các ngân hàng đồng chủ sở hữu thì việc sáp nhập sẽ diễn ra nhanh chóng. Còn ngân hàng muốn sáp nhập với ngân hàng vì nhiều mục đích khác nhau thì tiến trình “hợp hôn” không hề đơn giản. Trước đây, chỉ trong vài tháng của năm 2011, 3 ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) là Sài Gòn (SCB), Tín Nghĩa và Đệ Nhất sáp nhập thành ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) bởi đều cùng chủ sở hữu. Câu chuyện ngân hàng Phương Nam “về một nhà” với Sacombank lý do được đưa ra cũng bởi cùng một chủ.
“Các cuộc sáp nhập sẽ giúp ngân hàng lành mạnh hơn về năng lực như vốn, minh bạch hóa, giảm thiểu rủi ro sở hữu chéo và dòng tiền được giám sát rõ ràng hơn dù không phải cuộc “hôn nhân” nào cũng êm đẹp. Sau sáp nhập, ngân hàng lớn chưa hẳn tốt nhưng vốn, năng lực sẽ khá hơn và có cơ hội để gắn kết trong việc tìm kiếm đối tác chiến lược” - TS. Thành nhận xét.
Hơn nữa, chất lượng hoạt động của ngân hàng sau sáp nhập chưa chắc tăng tương ứng với vốn điều lệ, mạng lưới… bởi nhiều vấn đề phải giải quyết, nhất là nợ xấu. Chẳng hạn, sau 2 năm sáp nhập, SCB chỉ mới giải quyết được bề nổi là góp phần ổn định hệ thống tài chính ngân hàng, tái tạo niềm tin cho khách hàng, hoàn trả cho ngân hàng Nhà nước hơn 20.000 tỉ đồng tái cấp vốn, cân bằng được trạng thái vàng.
Không xóa nợ xấu sau sáp nhập
TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cho rằng việc sáp nhập ngân hàng tùy thuộc vào từng điều kiện cụ thể, có bị cưỡng bức hay dựa trên nguyên tắc tự nguyện? Nếu tự nguyện, ngân hàng nhỏ bám vào ngân hàng lớn để vượt qua khó khăn là tốt. Quan trọng nhất là phải định giá theo giá thị trường, bảo đảm tính minh bạch thì sẽ không có vấn đề gì. Ngân hàng yếu, khó khăn sẽ phải định giá thấp còn ngân hàng chất lượng tốt, hoạt động tốt cổ phiếu giá sẽ cao. Cổ đông của các ngân hàng sáp nhập sẽ không bị thiệt thòi nếu giá mua - bán đúng giá thị trường.
Liên quan đến vấn đề nợ xấu sau sáp nhập, tổng giám đốc một công ty chứng khoán tại TP HCM cho rằng phần lớn ngân hàng nhỏ hiện nay đều gặp khó khăn, nợ xấu cao và bản thân không thể giải quyết được nên phải “cầu cứu” ngân hàng lớn… Trong khi mỗi ngân hàng đang phải xử lý một khoản nợ xấu không nhỏ, nay sáp nhập sẽ là gánh thêm nợ xấu, đi kèm hàng loạt vấn đề khác mà ngân hàng sau sáp nhập phải giải quyết.
Tại ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), việc sáp nhập ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank) khiến tỉ lệ nợ xấu của SHB luôn ở mức cao do phải tiếp nhận nhiều khoản nợ xấu của Habubank (thời điểm sáp nhập, nợ xấu của Habubank xấp xỉ 15%). Suốt 2 năm qua, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của SHB là thu hồi nợ quá hạn, xử lý các khoản nợ xấu được chuyển giao từ Habubank, nhất là khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước như Vinashin. Đến cuối năm 2013, tỉ lệ nợ xấu của SHB dù giảm xuống dưới mức cổ đông đề ra với 4,06% nhưng vẫn là mức rất cao so với mặt bằng chung.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, cho biết tại Mỹ, khi các thương vụ mua bán, sáp nhập ngân hàng được tiến hành, ngân hàng mua sẽ tìm hiểu rất kỹ các vấn đề khó khăn, tồn tại của ngân hàng bán - nhất là về nợ xấu - rồi mới định giá. Trong khi đó, con số nợ xấu ở Việt Nam khá mập mờ, nhiều số liệu và bản thân các ngân hàng thương mại cũng không phơi bày. Chỉ đến khi sáp nhập hoàn tất, ngân hàng mua mới biết con số nợ xấu thật sự và phải gồng gánh, xử lý. Hơn nữa, sau các cuộc sáp nhập, tình trạng sở hữu chéo giữa cổ đông của các ngân hàng có thể cải thiện nhưng không đáng kể bởi thực chất sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng rất chằng chịt, khó xử lý.
“Sáp nhập không có nghĩa là nợ xấu của ngân hàng bán bị xóa mà tất cả được thể hiện qua định giá, chất lượng ngân hàng biểu hiện qua giá cổ phiếu khi sáp nhập. Định giá ngân hàng sáp nhập bao nhiêu về vốn, tài sản, khoản nợ… được thể hiện qua giá cổ phiếu chứ không có chuyện xóa nợ, gánh nợ” - TS. Vũ Viết Ngoạn nói.