Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc Trung ương quản lý
Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận tổ, Bộ Tài chính nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, cơ quan trung ương để đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc trung ương quản lý, theo đó, chú trọng rà soát sắp xếp đối với các cơ sở nhà, đất mà Bộ, cơ quan trung ương không còn nhu cầu sử dụng.
Tại phiên thảo luận tổ đối với Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, một số trụ sở cơ quan trung ương sau khi có trụ sở mới nhưng trụ sở cũ vẫn không xử lý, để bỏ hoang, địa phương không có cơ chế để lấy lại, chuyển cho các đơn vị đang thiếu trụ sở làm việc sử dụng gây lãng phí nguồn lực nhà nước.
Giải trình về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án chuyển giao nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý về địa phương quản lý, xử lý đối với 424 cơ sở nhà, đất.
Để đẩy nhanh tiến độ xử lý, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg về đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật; Công điện số 04/CĐ-BTC về việc tăng cường công tác sắp xếp lại, xử lý tài sản công; Công văn số 2635/BTC-QLCS gửi các Bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để hoàn thành mục tiêu “đến năm 2025 hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trên phạm vi cả nước” tại Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội.
Theo Bộ Tài chính, trong quá trình thực hiện, vẫn còn một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và một số Bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất (trong đó có các cơ sở nhà, đất dôi dư không còn nhu cầu sử dụng). Do vậy, việc thực hiện còn chậm; vẫn còn tình trạng nhà, đất không còn nhu cầu sử dụng (do sắp xếp lại bộ máy, do được đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mới) nhưng chưa chủ động đề xuất phương án xử lý.
Liên quan đến việc xử lý các cơ sở nhà, đất là trụ sở làm việc (cũ) của các Bộ, cơ quan trung ương đã được đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mới, Bộ Tài chính cho hay, từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 107/TTg-CN và gần đây nhất là tại Công văn số 580/VPCP-CN của Văn phòng Chính phủ.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã được đầu tư xây dựng trụ sở mới, khi hoàn thành việc xây dựng và chuyển ra trụ sở mới, thực hiện rà soát biên chế được giao, tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc theo quy định tại Nghị định số 152/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 của Chính phủ để lập phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất trụ sở làm việc (cũ) theo đúng quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
Tiếp tục giải trình cụ thể với đại biểu Quốc hội, Bộ Tài chính cho hay, ngày 30/11/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 74/2022/QH15 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP về thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội.
Trước đó, trong thời gian Chính phủ chưa ban hành Nghị quyết, để kịp thời triển khai các nội dung về sắp xếp lại, xử lý tài sản công, Bộ Tài chính đã có Công văn số 2635/BTC-QLCS đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ đạo thực hiện một số nội dung trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị, chậm nhất ngày 31/5/2023, các Bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành việc rà soát tất cả các cơ sở nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý. Trên cơ sở đó, xác định chính xác số cơ sở nhà, đất phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý; tiến độ kê khai, báo cáo, lập phương án xử lý, phê duyệt phương án xử lý...
Bộ Tài chính nêu rõ, để thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 53/NQ-CP của Chính phủ, các Bộ, cơ quan trung ương đã được đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mới, trong quá trình rà soát, lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất cần lưu ý đối với nhà, đất là trụ sở làm việc (cũ) theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 580/VPCP-CN.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, cơ quan trung ương để đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc Trung ương quản lý. Trong đó, chú trọng rà soát, sắp xếp đối với các cơ sở nhà, đất mà Bộ, cơ quan trung ương không còn nhu cầu sử dụng để thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP và Công văn số 2635/BTC-QLCS của Bộ Tài chính triển khai thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội.
Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương tập trung chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc rà soát tổng thể việc sắp xếp nhà, đất thuộc phạm vi quản lý để sớm hoàn thành việc sắp xếp nhà, đất theo quy định; triển khai thực hiện phương án sắp xếp lại nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong quá trình thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan Thanh tra và các cơ quan chức năng để xử lý các trường hợp sử dụng nhà, đất chưa đúng quy định nhưng các cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa triển khai việc khắc phục, xử lý.