Bộ Tài chính:

Đôn đốc thanh tra, kiểm tra tài chính, kịp thời xử lý sai phạm

Kim Cúc

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong ngành Tài chính đôn đốc thực hiện thanh tra theo chuyên đề, thanh tra diện rộng nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp sai phạm; đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hiệu quả tích cực từ thanh tra, kiểm tra tài chính và phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại

Trong thời gian vừa qua, công tác thanh tra, kiểm tra tài chính, ngân sách và phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đã được đẩy mạnh, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, trong công tác thanh tra, kiểm tra tài chính, ngân sách, năm 2021, Thanh tra Tài chính và các đơn vị chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính đã thực hiện khoảng 75,2 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra.

Các cuộc thanh tra, kiểm tra tập trung vào các lĩnh vực quản lý thu, chi ngân sách; quản lý, sử dụng vốn đầu tư; quản lý giá, chứng khoán; kiểm tra trên 01 triệu hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan và qua điều tra chống buôn lậu bắt giữ 13,4 nghìn vụ; kiến nghị xử lý tài chính 60,3 nghìn tỷ đồng; số tiền đã thu nộp ngân sách nhà nước là 11,6 nghìn tỷ đồng.

Đồng thời, qua thanh tra đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, góp phần tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị, cá nhân và doanh nghiệp, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính.

Bên cạnh kết quả trên, các đơn vị thuộc ngành Tài chính đã thực hiện tốt công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Từ năm 2021 đến nay, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có chiều hướng ít phức tạp trên tất cả các tuyến, địa bàn do dịch bệnh COVID-19 tiếp tục bùng phát, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa, phương tiện, hành khách xuất nhập cảnh; bên cạnh đó, các nước có chung đường biên giới với nước ta tăng cường công tác phòng chống dịch, kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt đối với người, hàng hóa, phương tiện qua lại biên giới.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và thế giới trong thời gian tới như: Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là Mỹ - Trung Quốc - Nga ngày càng quyết liệt, nhất là cuộc chiến tranh giữa Nga - Ucraina, sức ép trong việc thực thi các cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới... được dự báo sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế toàn cầu và hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta.

Một số đối tượng lợi dụng các chính sách tạo thuận lợi thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp và tình hình dịch bệnh để thực hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Vì vậy, công tác phòng chống buôn lậu sẽ vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro và thách thức.

Trước tình hình đó, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Tổng cục Hải quan đã kịp thời đưa ra các giải pháp quyết liệt, linh hoạt, phù hợp với diễn biến của dịch bệnh, cơ bản hoàn thành những nhiệm vụ được giao của năm 2021.

Nhờ đó, trong năm 2021, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ 14,6 nghìn vụ việc vi phạm pháp luật hải quan, khởi tố 39 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 149 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước khoảng 290,6 tỷ đồng.

Tính riêng từ ngày 16/4-15/5/2022, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ, tổng số 1.057 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 273 tỷ 791 triệu đồng, qua đó thu nộp vào ngân sách nhà nước đạt trên 69 tỷ đồng, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 9 vụ.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực tài chính - ngân sách

Phát huy những kết quả đã đạt được, nhằm tăng cường thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước, trong các tháng còn lại của năm 2022, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai kịp thời kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính; tăng cường chỉ đạo các đơn vị thanh tra thuộc ngành Tài chính triển khai các cuộc thanh tra theo chuyên đề, thanh tra diện rộng nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các sai phạm.

Thực hiện tốt các quy định pháp luật về hoạt động thanh tra, kiểm tra; tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, làm rõ nguyên nhân việc thực hiện chậm hoặc thực hiện thiếu triệt để, đồng thời có kiến nghị, đề xuất biện pháp khắc phục.

Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường trao đổi thông tin với các cơ quan như: Cảnh sát điều tra, Tòa án, Kiểm toán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước..., để phát hiện sớm các trường hợp vi phạm về quản lý tài chính, quản lý tài sản, thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước để ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Tài chính thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Nhận diện, đánh giá, dự báo những vấn đề nổi cộm, phức tạp, phương thức thủ đoạn mới, lĩnh vực, tuyến, địa bàn phức tạp để ban hành các phương án, kế hoạch xử lý.

Các bộ, ngành, lực lượng chức năng căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao chủ động công tác nắm bắt tình hình, triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, điều tra để kịp thời phát hiện xử lý nghiêm mọi hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, tăng cường đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến đường bộ và đường hàng không.