Đơn giản thủ tục hành chính: Không đơn giản chỉ “cắt” là xong!
Việc đơn giản thủ tục hành chính không chỉ là cắt giảm mà thực tế doanh nghiệp (DN ) còn cần chính sách ổn định, nhất quán, tránh tình trạng phát sinh thêm thủ tục mới không hợp lý, cũng như cơ chế thực hiện một cửa nhưng yêu cầu hai nơi.
Tại Hội nghị lấy ý kiến cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của ngành Công Thương ngày 25/9, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Bộ Công Thương, cho biết, hiện Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý 28 trên tổng số 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; kiểm soát 155 dịch vụ hành chính công (tương đương 452 TTHC ở các cấp từ Trung ương đến cấp xã) và 1.216 điều kiện kinh doanh (ĐKKD) – chưa tính ngành, nghề sản xuất, nhập khẩu ô tô là ngành nghề thứ 28.
Doanh nghiệp lo “không kịp trở tay”
Theo đó, năm 2015, Bộ Công Thương đã thực hiện bãi bỏ và đơn giản hóa 87 TTHC (tương đương 24% tổng số TTHC), cắt giảm 4.321.800.000 đồng/năm chi phí tuân thủ TTHC (không tính chi phí cơ hội). Năm 2016, bộ tiếp tục bãi bỏ và đơn giản hóa 39 TTHC.
Đặc biệt trong năm 2017, Bộ Công Thương đã đặt ra mục tiêu cắt giảm và đơn giản hóa 123 TTHC thuộc 17 lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Công Thương, tại 40 văn bản quy phạm pháp luật, gồm: 09 Nghị định, 01 Quyết định Thủ tướng, 02 Thông tư liên tịch và 28 Thông tư.
Đến thời điểm này, chỉ tính riêng con số TTHC đã được ban hành, Bộ Công Thương đã thực hiện đơn giản hóa được 56 TTHC trên 452 TTHC (tương đương với 12,4% tổng số TTHC của bộ ở thời điểm hiện tại).
Về hiện đại hóa TTHC, cho đến nay, Bộ Công Thương đã triển khai 56 nhóm dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) ở mức độ 3 và mức độ 4 (trong đó có 11 nhóm DVCTT mức độ 4, 45 nhóm DVCTT mức độ 3) tương ứng với 155 TTHC (155 DVCTT mức độ 3, 4).
Về cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh, Bộ Công Thương có phương án rà soát, cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh. Theo đó, dự kiến cắt giảm 464 ĐKKD tương đương 38,15% tổng số ĐKKD.
Phương án này là một phần trong kế hoạch lớn về cắt giảm các ĐKKD của bộ, với mục tiêu dự kiến đặt ra là cắt giảm 675 ĐKKD, tương đương với việc cắt giảm 55,5% tổng số ĐKKD mà bộ hiện đang quản lý.
Ông Tân đánh giá: “Đây là một kế hoạch lớn của Bộ Công Thương, nhằm tạo ra một bước đột phá thật sự, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh của cộng đồng DN tại Việt Nam”.
Tuy nhiên, DN vẫn còn nhiều trăn trở. Ông Đoàn Trọng Thà, Hiệp hội Gas Việt Nam, chia sẻ rằng gas là ngành kinh doanh có điều kiện. Các văn bản quy định kinh doanh khí nói chung và gas nói riêng, trước đây có Nghị định 107, năm 2016 thay thế bằng Nghị định 19. Nhưng sau khi Nghị định 19 có hiệu lực, kết quả lại không như mong đợi.
Ông Thà cho biết, giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất kinh doanh tăng thêm gấp ba lần so với trước. TTHC khi Nghị định 19 ra đời tăng thêm nhiều.
Chính phủ hiện đã giao Bộ Công Thương sửa đổi bổ sung thay thế Nghị định 19. Song ông Thà mong muốn, Nghị định sửa đổi tới đây chỉ nên tập trung vào những điều kiện liên quan tới cháy nổ và an toàn cho người tiêu dùng, còn điều kiện số lượng chai, số lượng bình lớn hay nhỏ không nên đưa vào.
Ông Thà đề xuất nên nhanh chóng ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 19. Tránh tình trạng, khi DN làm xong thủ tục kinh doanh để đáp ứng theo Nghị định 19, chính sách lại thay đổi, khiến DN “không kịp trở tay”.
Trong khi đó, đại diện Tổng công ty Gas Petrolimex kiến nghị liên quan tới quy định chứng nhận hợp quy. Cụ thể, hiện nay tất cả thiết bị hệ thống trạm cấp khi đưa vào sử dụng đều đáp ứng được phòng cháy chữa cháy, nếu thêm công bố hợp quy sẽ kéo dài TTHC cho DN. Ngoài ra, việc trạm cấp cần xây dựng chương trình quản lý an toàn, đánh giá định lượng rủi ro cũng không cần thiết.
Kiểm soát thủ tục phát sinh
“Trạm cấp trên 100 tấn mới phải xây dựng chương trình này, còn quy mô nhỏ hơn không phải xây dựng chương trình này”, vị đại diện này kiến nghị.
Cùng với đó, bà Hồng Trinh, Ban Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam, đề nghị Bộ Công Thương nên quan tâm nghiên cứu tháo gỡ tồn tại như cần phân cấp mạnh mẽ cho các sở thay vì bộ “ôm” nhiều giấy phép, trong khi các Sở Công Thương, DN chờ đợi khá lâu để nhận giấy phép.
Đặc biệt, theo bà Trinh, cần rà soát để loại bỏ quy định ĐKKD theo quy mô DN, đồng thời rà soát quy định chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn, để DN thực hiện công bố, tự chịu trách nhiệm.
Cụ thể, trong lĩnh vực thép, bà Trinh đề xuất bỏ giấy phép nhập khẩu tự động. Trong lĩnh vực logistics, hiện đã có Nghị định quản lý mới nhưng DN nói là quá trình triển khai chưa được bộ đẩy mạnh, vẫn mang tính hình thức.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), nhấn mạnh, việc cải cách TTHC không đơn thuần là cắt giảm, mà cần kiểm soát không làm phát sinh thủ tục mới không hợp lý.
“Bộ Công Thương nên kiểm soát điều này, ví dụ có thêm thông tin cắt giảm được ba thủ tục nhưng phát sinh mới bao nhiêu thủ tục cần phải công khai”, ông Thành đề xuất.
Ngoài ra, ông Thành cũng kiến nghị cơ chế một cửa nói nhiều nhưng nếu có nhiều nơi, mỗi nơi một cửa, vậy bản chất một cửa không phải là một cửa. Chẳng hạn, có quy định yêu cầu phải báo cáo với bộ nhưng cũng phải báo cáo với sở. Hai nơi mỗi nơi một cửa thành ra hai cửa.
“Trong quá trình xây dựng dự thảo, rà soát văn bản hướng dẫn cần sửa các văn bản liên quan để một cửa thực sự là một cửa”, ông Thành nói.
Ngoài ra, các DN cũng đề xuất, hiện nay DN phải chuẩn bị các giấy tờ để đăng ký sản xuất, kinh doanh khá nhiều. Vì vậy, những giấy tờ nào cơ quan quản lý có thể tra cứu được trên hệ thống quản lý cần phải cắt giảm.