Ðẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thu, chi ngân sách nhà nước
Những năm qua, nhất là trong tám tháng năm 2017, hệ thống kho bạc Nhà nước (KBNN) đã quyết liệt triển khai đồng bộ và có hiệu quả nhiều giải pháp để cải cách, hoàn thiện cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ trong nội bộ hệ thống mà trọng tâm là quy trình thủ tục về thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) theo hướng: đơn giản, công khai, minh bạch nhằm giảm thời gian, thủ tục và chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho các đơn vị dự toán ngân sách, chủ đầu tư và người dân trong quá trình giao dịch với các đơn vị trong hệ thống KBNN.
Trong năm 2017, KBNN đã chỉ đạo các đơn vị KBNN địa phương mở rộng tài khoản chuyên thu và thực hiện ủy nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt cho ngân hàng thương mại (NHTM) đảm nhận theo nguyên tắc tất cả các KBNN cấp tỉnh và KBNN cấp huyện đóng trên các địa bàn tỉnh, quận, thành phố, thị xã mở tài khoản chuyên thu tại tất cả các NHTM trên cùng địa bàn; triển khai mở rộng việc thu NSNN qua thiết bị chấp nhận thẻ (POS) tại trụ sở KBNN ở những địa bàn có số lượng người dùng thẻ đông (đến nay đã triển khai tại hơn 200 đơn vị KBNN); hoàn thành việc triển khai thanh toán điện tử tập trung giữa KBNN với Ngân hàng Nhà nước và các NHTM, bảo đảm việc thu, chi NSNN qua KBNN được nhanh chóng, chính xác và an toàn.
Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, quy trình kiểm soát chi NSNN qua KBNN theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát; đồng thời, phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các đơn vị, cá nhân có liên quan.
Năm 2017, KBNN đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các KBNN địa phương thực hiện công tác kiểm soát, giải ngân các khoản chi NSNN bảo đảm chặt chẽ, kịp thời, đúng chế độ quy định; đồng thời, tăng cường phối hợp với các đơn vị có liên quan kịp thời giải quyết các vướng mắc trong việc thực hiện và thanh toán vốn đầu tư công, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân và thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, KBNN cũng báo cáo Bộ Tài chính cho phép triển khai Ðề án thống nhất đầu mối kiểm soát chi NSNN trên toàn quốc từ ngày 2-10-2017; triển khai chi tiêu NSNN qua thẻ tín dụng; thí điểm thực hiện kiểm soát chi điện tử thông qua Cổng Thông tin điện tử của KBNN theo định hướng Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 để vừa tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách và chủ đầu tư khi giao dịch với KBNN, vừa nâng cao hiệu quả quản lý quỹ NSNN.
Những tháng đầu năm 2017, do nhiều nguyên nhân như các chủ đầu tư còn phải tập trung vào việc thanh toán vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2016 (khoảng 37.758 tỷ đồng, chiếm 82,2% tổng số vốn thanh toán trong tháng 1-2017); hoàn thiện hồ sơ để thanh toán cho kế hoạch vốn đầu tư năm 2016 được kéo dài thời gian thực hiện, thanh toán sang năm 2017 theo thông báo của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (khoảng 14.188 tỷ đồng); hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục theo quy định đối với một dự án (tổ chức đấu thầu các gói thầu để lựa chọn nhà thầu; hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ cần thiết để đủ điều kiện triển khai dự án); hoặc do những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tác động của thời tiết... đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình nên không có khối lượng hoàn thành được nghiệm thu đề nghị KBNN để thanh toán.
Ðứng trước tình hình giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn tương đối thấp, KBNN đã chủ động tham mưu báo cáo Bộ Tài chính, báo cáo Chính phủ tiếp tục duy trì Tổ công tác chỉ đạo giải ngân nhanh vốn đầu tư công năm 2017 do Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ làm Tổ trưởng; trên cơ sở đó, Tổ công tác đã tham mưu, báo cáo Chính phủ ban hành Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 3/8/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
Thực hiện Nghị quyết này, KBNN đã chỉ đạo các KBNN địa phương phối hợp và đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh việc hoàn thiện hồ sơ (trong thời hạn bốn ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu); KBNN thực hiện kiểm soát thanh toán ngay khi nhận được hồ sơ do chủ đầu tư gửi đến, bảo đảm tối đa ba ngày làm việc; định kỳ, KBNN công khai số liệu giải ngân cũng như phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức tọa đàm với chủ đầu tư để nắm bắt, đề xuất biện pháp xử lý kịp thời nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân và thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo quy định.
8 tháng qua, đối với chi thường xuyên NSNN, số vốn giải ngân là 500.454 tỷ đồng, đạt 55,4% dự toán chi thường xuyên của NSNN qua KBNN (902.880 tỷ đồng, không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng); trong đó, tỷ lệ giải ngân từng tháng như sau: tháng 1 là 8,38%; tháng 2 là 13,9%; tháng 3 là 18,9%; tháng 4 là 25,97%; tháng 5 là 32,9%; tháng 6 là 39,8%; tháng 7 là 47,4% và tháng 8 là 55,4%.
Ðối với chi đầu tư nguồn vốn NSNN, số vốn giải ngân qua KBNN là 144.099,4 tỷ đồng; đạt 45,2% kế hoạch vốn đầu tư năm 2017 được Thủ tướng Chính phủ giao cấp qua KBNN (cao hơn cùng kỳ năm 2016 là 42,9% kế hoạch).
Trong đó, giải ngân nguồn vốn Chính phủ giao là 130.836 tỷ đồng, đạt 44,8% so với kế hoạch; giải ngân nguồn vốn khác là 13.263,4 tỷ đồng, đạt 50% so với kế hoạch. Tỷ lệ giải ngân từng tháng như sau: tháng 1 là 2,6%; tháng 2 là 7,1%; tháng 3 là 12,7%; tháng 4 là 17,9%; tháng 5 là 22,7%; tháng 6 là 33,2%; tháng 7 là 38,7% và tháng 8 là 45,2%.
Như vậy, có thể thấy thông qua sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính và sự nỗ lực trong triển khai thực hiện của hệ thống KBNN, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong tháng 7 và 8/2017 đã dần được cải thiện.
Bên cạnh công tác kiểm soát chi NSNN, công tác huy động vốn qua phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) được KBNN chủ động phối hợp tích cực các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhờ đó, công tác huy động vốn thông qua phát hành TPCP tám tháng qua đạt được kết quả khả quan.
Tổng khối lượng huy động vốn thông qua phát hành TPCP của KBNN là 144.093 tỷ đồng, đạt 78,6% kế hoạch năm 2017, tất cả thực hiện theo phương thức đấu thầu và có kỳ hạn từ 5 năm trở lên.
Toàn bộ số tiền thu về phát hành TPCP được tập trung ngay vào ngân sách Trung ương thông qua tài khoản của KBNN mở tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước. Trong 8 tháng đầu năm, tổng khối lượng thanh toán gốc TPCP là 95 nghìn tỷ đồng; tổng khối lượng thanh toán lãi TPCP là 62 nghìn tỷ đồng.
Để tiếp tục góp phần cùng với ngành tài chính hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao; đồng thời, tạo cơ sở xây dựng và triển khai các định hướng phát triển trong giai đoạn 2021 - 2030, trong thời gian tới, KBNN tổ chức triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm cụ thể như:
Thứ nhất, trên cơ sở Quyết định số 138/2007/QÐ-TTg ngày 21/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020, KBNN cần cụ thể hóa thành kế hoạch thực hiện trong từng năm giai đoạn 2017 – 2020, gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 22/7/2016 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 5/9/2016 của Chính phủ về tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp để vừa góp phần thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, vừa thực hiện thành công các định hướng cải cách lớn của hệ thống theo đúng mục tiêu và lộ trình đã đặt ra; đồng thời, tạo cơ sở cho việc nghiên cứu, xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030.
Thứ hai, KBNN cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là hoàn thiện cơ chế chính sách và quy trình nghiệp vụ về thu, chi NSNN; đặc biệt trong năm 2017, 2018 cần tập trung xây dựng và trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực KBNN để vừa tạo thuận lợi cho các đơn vị, cá nhân trong quá trình giao dịch với KBNN, vừa phân định rõ trách nhiệm giữa KBNN với các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Thứ ba, tập trung nguồn lực để xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin vào hoạt động quản trị của KBNN, hướng tới toàn bộ các hoạt động quản lý, quản trị của KBNN đều được thực hiện trên nền tảng công nghệ an toàn, bảo mật và hiện đại, có sự kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu với các hệ thống công nghệ thông tin của các bộ, ngành và các đơn vị liên quan phù hợp với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.