Đơn hàng dệt may cho năm 2020 giảm mạnh

Phúc Khang

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 11 tháng đầu năm 2019 khả quan, ước đạt 29,89 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ, nhưng Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, đơn hàng cho năm 2020 của nhiều doanh nghiệp trong ngành đang bị giảm.

Đơn hàng của nhiều doanh nghiệp ngành dệt may giảm sút
Đơn hàng của nhiều doanh nghiệp ngành dệt may giảm sút

Nguy cơ thiếu hụt đơn hàng hiện hữu

Theo quy luật, đến hết quý IV của năm trước, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may đã có đơn hàng cho cả năm sau đó, nhưng năm nay, đơn hàng dè dặt hơn, giảm so với năm 2018. Lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp mới chỉ bằng 80% so với cùng kỳ.

Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp không nhận được đơn hàng dài hạn, mà thay vào đó là các đơn hàng ngắn hạn theo tháng, dài nhất là theo quý. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn do cạnh tranh từ các cường quốc dệt may như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh... rất khốc liệt và nhiều nước tập trung hỗ trợ ngành dệt may, trong đó có cả những quốc gia mới nổi ở khu vực châu Phi, khiến số lượng nhà sản xuất tăng mạnh.

Vì thế, đơn hàng bị san sẻ và dòng đơn hàng chuyển dịch sang nước khác cũng khiến dệt may Việt Nam gặp khó khăn. Đơn hàng từ Trung Quốc có xu hướng chuyển sang các quốc gia hiện có ưu đãi về thuế suất như Bangladesh, Campuchia.

Dẫn tình hình sản xuất kinh doanh trong 3 quý đầu năm, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, doanh thu hợp nhất của Vinatex chỉ đạt 4.152 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ. Giá vốn giảm thấp hơn nên lãi gộp của Vinatex giảm 39%, xuống 328 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm từ 10% về 7,9%.

Mặc dù doanh thu từ hoạt động tài chính của Vinatex tăng gần gấp đôi, lên 104 tỷ đồng và chi phí tài chính giảm 19%, xuống 145 tỷ đồng; hoạt động liên doanh, liên kết và hoạt động khác cùng tăng lãi 42% và 95%, lần lượt đạt 210 tỷ và 25 tỷ đồng; tuy nhiên lợi nhuận sau thuế của Vinatex vẫn giảm 13%, còn 186 tỷ đồng; phần lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ là 118 tỷ đồng, giảm 9%.

Lý giải nguyên nhân, Vinatex cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của toàn ngành dệt may nói chung và các đơn vị thành viên Tập đoàn nói riêng, đặc biệt kết quả sản xuất kinh doanh của một số đơn vị sản xuất sợi đã giảm đáng kể so cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp dệt may cần chủ động ứng phó với khó khăn

Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định, thị trường sợi gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh về đơn hàng từ các doanh nghiệp sợi có vốn đầu tư nước ngoài, cũng như cạnh tranh từ các quốc gia có nguồn cung lớn như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Pakistan ngày càng gay gắt.
 

Đơn hàng dệt may cho năm 2020 giảm mạnh - Ảnh 1

Doanh nghiệp sợi cạnh tranh trong khó khăn (Ảnh minh họa)- Nguồn: VLR


Cùng với bối cảnh đó, giá bông thường xuyên giữ ở mức thấp trong khi việc sử dụng bông tại các quốc gia như Bangladesh, Việt Nam, Trung Quốc đang chậm lại, cả thương nhân và người mua cuối cùng đều giữ nhu cầu ở mức tối thiểu và tránh tích lũy hàng tồn kho.

Kết quả sản xuất kinh doanh của toàn ngành dệt may Việt Nam tháng 11 vừa qua cho thấy, một số sản phẩm ngành dệt may vẫn đạt mức tăng trưởng khá như vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 56,2 triệu m2, tăng 24%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 98,8 triệu m2, tăng 13,2%; quần áo ước đạt 457,2 triệu cái, tăng 9,7% so với cùng kỳ tháng 11/2018. Tính chung 11 tháng, vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 577,3 triệu m2, tăng 11,7%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 1.089,3 triệu m2, tăng 7,6%; quần áo mặc thường ước đạt 4.673 triệu cái, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Tuy nhiên, trước những diễn biến nêu trên, Hiệp hội Dệt may Việt Nam khuyến cáo, trong thời gian tới, doanh nghiệp dệt may cần có giải pháp thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh để phù hợp với tình hình mới. Trong tháng cuối năm cần tích cực tìm kiếm đơn hàng để bảo đảm sản xuất. Cùng với đó là chủ động liên kết với khách hàng để hình thành chuỗi sản xuất, đáp ứng quy tắc xuất xứ theo cam kết của các FTA. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải tuân thủ yêu cầu của nhãn hàng về phát triển bền vững để thu hút được nhiều đơn hàng trong tương lai.