Đơn hàng xuất khẩu gia tăng, cả nước xuất siêu 8,4 tỷ USD
Với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong 4 tháng đầu năm đã có những khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,4 tỷ USD.
21 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD
Theo Bộ Công Thương, trong tháng 4/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 61,20 tỷ USD, mặc dù giảm 5,2% so với tháng trước nhưng tăng tới 15% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 238,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15%; nhập khẩu tăng 15,4%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,4 tỷ USD, cụ thể như sau:
Riêng xuất khẩu, kim ngạch hàng hóa tháng 4/2024 ước đạt 30,94 tỷ USD, giảm 8,1% so với tháng trước. 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 123,64 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Có 21 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 57,8%).
4 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 03 nhóm hàng. Nhóm hàng nông sản kéo dài đà tăng trưởng từ năm 2023 đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 11,98 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,69% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo ước đạt 104,65 tỷ USD, chiếm 85% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều nhóm sản phẩm đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao, trong đó có các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 63,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 34,9%; sản phẩm chất dẻo tăng 29,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,7%; sắt thép các loại tăng 20,7%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 10%... Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản ước đạt 1,65 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023.
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta trong 4 tháng đầu năm 2024 đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao. Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch ước đạt 34,12 tỷ USD, chiếm 27,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 21,6%); tiếp đến là thị trường Trung Quốc ước đạt 17,96 tỷ USD, tăng 14,4% (cùng kỳ năm 2023 giảm 13%); thị trường EU ước đạt 16,35 tỷ USD, tăng 15% (cùng kỳ giảm 10,8%); Hàn Quốc ước đạt 8,36 tỷ USD, tăng 10,2%; Nhật Bản ước đạt 7,66 tỷ USD, tăng 4,6%.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất
Về nhập khẩu, theo số liệu do Bộ Công Thương công bố, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4/2024 ước đạt 30,26 tỷ USD, giảm 2% so với tháng trước. 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 115,24 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, có 20 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 01 tỷ USD, chiếm 78,9% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 02 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 39,4%).
Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, chiếm 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm 2024 là nhóm hàng cần nhập khẩu (trong đó bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước), với kim ngạch ước đạt 102,4 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực của sản xuất và xuất khẩu khi nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất tăng khá cao.
Riêng kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 31,3 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm 27,2% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 12,1%. Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu hầu hết các mặt hàng khác cũng ghi nhận mức tăng cao như: điện thoại các loại và linh kiện tăng 27,6%; thép các loại tăng gần 25%; chất dẻo nguyên liệu tăng 12,4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 12,8%; nguyên phụ liệu dệt may, da giầy tăng 18,9%; vải các loại tăng 5,4%...
Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 6,15 tỷ USD. Tuy nhiên, một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng cao như: hàng điện gia dụng và linh kiện, tăng 29,7%; rau quả tăng 15,1%.
Do sự phục hồi của sản xuất và xuất khẩu nên nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước tăng caokéo theo kim ngạch nhập khẩu của nước ta trong 4 tháng đầu năm từ hầu hết các thị trường chủ lực đều tăng.
Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch ước đạt 41,57 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 36% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước; tiếp đến là nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc ước đạt 17,05 tỷ USD, tăng 6,1%; ASEAN ước đạt 15,6 tỷ USD, tăng 16,9%; Nhật Bản ước đạt 7,4 tỷ USD, tăng 6,9%; EU ước đạt 5 tỷ USD, tăng 11,4%; Hoa Kỳ ước đạt 4,5 tỷ USD, tăng 4,6%.