Dồn sức cho 2 tháng còn lại của năm bản lề
(Tài chính) Năm 2013 vừa phải thực hiện mục tiêu kép trong năm, vừa phải thực hiện nhiệm vụ của năm bản lề. Vì vậy, việc dồn sức cho 2 tháng còn lại của năm bản lề là rất có ý nghĩa.
Về thực hiện mục tiêu kép trong năm nay, đã đạt được những kết quả tích cực và khả quan.
Theo đó, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 đã thấp trở lại (0,49%), tính chung 10 tháng tăng thấp nhất trong 4 năm qua (tăng 5,14%, trong khi cùng kỳ 2010 tăng 7,58%, 2011 tăng 16,99%, 2012 tăng 5,99%); tính theo năm và tính bình quân năm đều thấp hơn năm trước.
Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa vững chắc, lạm phát có thể tăng cao vào cuối năm nay, đầu năm sau, do yếu tố cơ bản, nguyên nhân sâu xa của lạm phát là hiệu quả đầu tư, năng suất lao động còn thấp, bội chi ngân sách tăng, nhiều hàng hóa, dịch vụ còn phải thực hiện lộ trình giá thị trường, giá cả thế giới khó lường, trong khi tỷ giá thương mại giảm, thiên tai, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Tăng trưởng kinh tế đạt cao hơn năm trước, tức là đạt được mục tiêu tổng quát, tuy nhiên lại chưa đạt được chỉ tiêu kế hoạch (tăng 5,5%). Ngay cả con số CPI tăng khoảng 7% và GDP tăng khoảng 5,4% cũng mới chỉ là con số ước tính; phải có những giải pháp quyết liệt và đồng bộ mới có thể đạt được các con số như ước tính trên. Điều đó phụ thuộc vào các giải pháp trong thời gian 2 tháng cuối năm này - các giải pháp làm tăng trưởng kinh tế, nhưng không làm tăng lạm phát.
Để tăng trưởng kinh tế, phải tăng vốn đầu tư, tăng năng suất, lãi suất lao động và tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa (TMBL) và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.
Về đầu tư, yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế, theo dự báo cả năm nay chỉ đạt 29,1%, tuy không phải là thấp nhưng đã giảm đột ngột so với các năm trước là không bình thường. Hơn nữa, chênh lệch giữa đầu tư và tiết kiệm trong nước trước đây ở mức rất cao, gây ra bất ổn vĩ mô, là nguyên nhân sâu xa, yếu tố tiềm ẩn của lạm phát, nay đã được thu hẹp nhanh xuống mức không đáng kể, nên cần phải “lấy lại” tỷ lệ vốn đầu tư/GDP ở mức ít nhất cũng bằng với năm trước (30,5%).
Theo đó, trước mắt, cần tạo xung lực mới bằng cả 3 nguồn. Nguồn ngân sách Nhà nước đang gặp khó khăn trong cân đối thu, chi, ngay cả với dự toán đã đề ra từ cuối năm trước. Vì vậy, một mặt cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình đầu tư bằng vốn ngân sách theo dự toán; mặt khác việc nâng tỷ lệ bội chi/GDP từ 4,8% lên 5,3% là cần thiết và đúng hướng; mặt khác là bổ sung trái phiếu Chính phủ, sẽ vừa bổ sung nguồn ngân sách, vừa khai thác các nguồn vốn ngoài Nhà nước.
Một xung lực mới vào thời gian này là thoái vốn Nhà nước, đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước ở những ngành, lĩnh vực không cần nắm giữ hoặc không cần nắm giữ hoặc cổ phần chi phối. Ngoài ra, cần tranh thủ thời cơ để thực hiện nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Tất nhiên, lượng vốn đầu tư là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là đầu tư vào đâu và đầu tư như thế nào để có hiệu quả sẽ không gây ra lạm phát cao.
Về năng suất lao động, yếu tố quyết định cuối cùng để chiến thắng trong cạnh tranh, mặc dù năm nay có nhiều cố gắng đạt được tốc độ tăng cao hơn năm trước (ước tăng 2,7% so với 2,5%), nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng những năm trước nữa và mức năng suất vẫn còn khá thấp (năm 2012 đạt 62,8 triệu đồng/người, tương đương với khoảng 3000 USD; trong đó nhóm ngành nông, lâm nghiệp mới đạt 26,1 triệu đồng/người, tương đương với 1249 USD, với mức này đến tiêu dùng cũng còn khó khăn, nói chi đến tích lũy, đầu tư để tái sản xuất mở rộng).
Có 2 vấn đề mà Việt Nam còn hạn chế, đồng thời cũng là tiềm năng cần khai khác. Vấn đề thứ nhất là tỷ trọng lao động đang làm việc ở nhóm ngành nông-lâm nghiệp-thủy sản, mặc dù đã giảm khá, nhưng vẫn còn rất cao, tỷ trọng lao động nhóm ngành công nghiệp-xây dựng (nhóm ngành có năng suất lao động cao nhất, gấp gần 4,4 lần năng suất lao động của nhóm ngành nông, lâm nghiệp-thủy sản), thấp nhất, từ năm ngoái đến nay không tăng, thậm chí có ngành còn giảm. Cần phải khuyến khích việc đưa vốn về nông thôn để vừa thu hút bớt lao động nông-lâm nghiệp-thủy sản sang làm công nghiệp, dịch vụ, vừa thực hiện đô thị hóa theo phương thức “ly nông bất ly hương”.
Vấn đề thứ hai là nâng cao tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, đổi mới cơ cấu đào tạo và quan trọng hơn là nâng cao chất lượng đào tạo. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo cần có sự thống nhất và chuẩn hóa khái niệm của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, với Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để giảm bớt chênh lệch (hiện gấp tới 3 lần nhau), theo hướng chất lượng nhiều hơn là số lượng. Cơ cấu đào tạo cần hợp lý hơn giữa các trình độ (hiện nay tỷ số là 1 đào tạo nghề/0,3 trung cấp chuyên nghiệp/1,1 cao đẳng, đại học trở lên), giữa các ngành, nghề. Chất lượng đào tạo có tính hệ thống từ giáo dục phổ thông đến đào tạo, từ lý thuyết đến thực hành.
TMBL tốc độ tăng tuy có nhích lên, nhưng vẫn thấp, hệ số giữa tốc độ tăng TMBL/tốc độ tăng GDP chậm lại. Tăng trưởng kinh tế để tăng công ăn việc làm, tăng thu nhập có khả năng thanh toán là con đường cơ bản.
Vì vậy, trước mắt cần khắc phục một số tâm lý của các chủ thể trên thị trường. Tâm lý ấy biểu hiện ở chỗ không ít cán bộ trong một số ngân hàng thương mại lo ngại rủi ro, không dám mạnh tay cho vay đối với một số doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và nhà đầu tư bất động sản có tâm lý chờ đợi, chưa chịu giảm giá để tiêu thụ nhanh sản phẩm, hàng hóa để thu hồi vốn nhanh, đẩy nhanh vòng quay vốn; tranh thủ lúc giá nhập khẩu giảm, tỷ giá tăng thấp, tức là giá nhập khẩu tính bằng VND giảm, để nhập khẩu. Một số người tiêu dùng thu nhập không thấp nhưng thắt chặt hầu bao quá mức, dư dật đồng nào thì gửi tiết kiệm hoặc mua vàng, mặc dù lãi suất đã giảm, giá vàng đã giảm sâu, còn chênh lệch lớn so với giá thế giới.
Đã xuất hiện tâm lý “co cụm, thủ thế” ở không ít các chủ thể. Các nhà hoạch định chính sách vĩ mô do “nhận thức trên một số vấn đề về chủ trương, quan điểm đã được đề ra vẫn còn khác nhau dẫn đến đổi mới thể chế, chính sách còn ngập ngừng, thiếu nhất quán” (Báo cáo Chính phủ tại kỳ họp 6 của Quốc hội).