Kho bạc Nhà nước Hậu Giang:
Đơn vị dẫn đầu về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin năm 2016
Đây là năm thứ tư liên tiếp (2013 – 2016) Kho bạc Nhà nước Hậu Giang được Tạp chí Tài chính điện tử (eFinance) công nhận là đơn vị dẫn đầu trong hệ thống Kho bạc Nhà nước về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin.
Với nhiệm vụ được Bộ Tài chính giao, hàng năm, Cục Tin học và Thống kê tài chính – Bộ Tài chính thực hiện tập hợp các số liệu, báo cáo của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính về hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để làm cơ sở phân tích đánh giá, thực hiện nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, định hướng trong công tác triển khai ứng dụng CNTT toàn ngành; thể chế hóa các văn bản; thẩm định kiểm tra giám sát; quản lý thống nhất các hoạt động ứng dụng CNTT và công tác thống kê - dự báo trong ngành Tài chính.
Sự phát triển với quy mô ngày càng sâu rộng, mức độ phức tạp ngày càng cao của các ứng dụng CNTT - truyền thông (CNTT-TT) vào các hoạt động nghiệp vụ tài chính nên đòi hỏi phải có được công cụ khoa học, kết xuất ra được những số liệu xác thực, phân tích đánh giá nhiều chiều và khoa học. Một trong những công cụ đánh giá, phân tích hoạt động ứng dụng CNTT – TT đáp ứng nhu cầu kể trên đã được Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Tin học Việt Nam sử dụng để đánh giá, xếp hạng mức độ sẵn sàng về ứng dụng và phát triển CNTT-TT tại Việt Nam là bộ Chỉ số mức độ sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT-TT (Vietnam ICT Index).
Đối với ngành Tài chính, Tạp chí Tài chính điện tử (eFinance) - Cục Tin học và Thống kê tài chính là đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng bộ chỉ số mức độ sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT-TT ICT Index hàng năm của ngành Tài chính, thực hiện bình chọn và công bố kết quả xếp hạng trên Website http://efinance.vn hoặc http://taichinhdientu.vn; đồng thời phục vụ trực tiếp việc cung cấp số liệu hàng năm để xây dựng ICT Index của Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Tin học Việt Nam thực hiện.
Việc áp dụng ICT Index ngành Tài chính giúp các đơn vị thuộc hệ thống ngành Tài chính xác định được vị trí của mình “hiện đang ở đâu” về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT, qua đó giúp cho các đơn vị có thể định hướng chiến lược phát triển CNTT - TT một cách hiệu quả hơn. ICT Index ngành Tài chính 2016 được xây dựng hoàn chỉnh hơn trên cơ sở các nhóm đối tượng theo tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính, trong đó có nhóm các đơn vị cấp tỉnh, thành phố theo hệ thống ngành dọc và nhóm các Sở Tài chính được tách riêng để phù hợp trong việc đánh giá, xếp hạng.
ICT Index ngành Tài chính 2016 được khảo sát trên 5 nhóm: Gồm nhóm các cơ quan trung ương của các hệ thống; Nhóm các đơn vị cấp tỉnh, thành phố (Sở Tài chính, Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố, Cục Hải quan, Cục Dự trữ Nhà nước các khu vực); Nhóm các Vụ, Cục thuộc Bộ Tài chính; Nhóm các tổ chức sự nghiệp thuộc Bộ Tài chính; Nhóm các doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính. Với tổng số 68 chỉ tiêu, ICT Index ngành Tài chính 2016 tập trung vào các lĩnh vực: Hạ tầng kỹ thuật CNTT; Ứng dụng CNTT; Nhân lực CNTT; Đầu tư cho CNTT; Môi trường tổ chức - chính sách.
Năm 2016, bên cạnh các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; Sở Tài chính, Cục Thuế, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, Tạp chí Tài chính điện tử đã thực hiện đánh giá 63 đơn vị KBNN cấp tỉnh trong hệ thống KBNN, theo đó, KBNN Hậu Giang tiếp tục là đơn vị dẫn đầu trong hệ thống KBNN về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT trong hệ thống KBNN, tiếp đó vị trí thứ hai thuộc về KBNN Hà Giang và vị trí thứ ba thuộc về KBNN Bạc Liêu.
Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, KBNN Hậu Giang xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 là: tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong mọi lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ; tăng cường công tác đảm bảo an ninh thông tin trong hoạt động nghiệp vụ, an toàn tiền và tài sản Nhà nước giao cho đơn vị quản lý; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thực hiện công khai quy trình, thủ tục nghiệp vụ theo quy định của Bộ Tài chính và KBNN.
Đồng thời áp dụng CNTT làm nền tảng "Tập trung nguồn lực thực hiện chiến lược phát triển KBNN; hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ; tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của đơn vị; hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao". Chú trọng ứng dụng CNTT vào các hoạt động nghiệp vụ trong hệ thống để tăng cường hiệu quả xử lý công việc chuyên môn, rút ngắn thời gian giao dịch đảm bảo kịp thời chính xác cụ thể trong các nghiệp vụ như: Kiểm soát chi NSNN, thanh toán song phương, hạch toán kế toán, kho quỹ.