Đồng bạc xanh và cơ hội tập dượt của nhà điều hành
Thay vì tấp nập giao dịch khi có sóng, thị trường dường như “nín thở” nhìn đồng bạc xanh liên tục xác lập đỉnh mới. Sự biến động của tỷ giá lần này là một phép thử đối với nền kinh tế trước những cú sốc từ bên ngoài.
Đợt tăng giá của đồng đô la Mỹ đối với các đồng tiền khác trên thế giới bắt đầu từ trung tuần tháng 11/2016 – khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống đắc cử Mỹ.
Biến động tỷ giá: Thôi, khỏi cần…tâm lý
Nhìn lại diễn biến của đồng bạc xanh trên thị trường tiền tệ thế giới, tỷ giá niêm yết USD/VND của các ngân hàng thương mại Việt Nam có những ngày được điều chỉnh theo giờ, bắt đầu từ khoảng 22.390-22.485 VND/USD (mua – bán), tăng dần và đạt mức 22.580-22.690 VND/USD vào cuối phiên giao dịch ngày 23/11.
Trên thị trường tự do tỷ giá đã vượt mốc 22.700 VND/USD. Tỷ giá tăng nhanh đến mức người ta chỉ còn biết … đứng nhìn. Sự biến động tỷ giá lần này rõ ràng không còn là yếu tố tâm lý như nhận định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ở tất cả những lần trước.
Tỷ giá tăng nhanh, tăng mạnh những ngày qua nhưng thực tế mới chỉ vào khoảng gần 2% – vẫn đang thấp so với mức biến động 6% trong năm 2015. Đầu năm, các chuyên gia từng đưa ra dự báo biến động tỷ giá năm 2016 sẽ vào khoảng 5%.
Song, với diễn biến khó lường của thị trường quốc tế khi chịu tác động từ đường lối điều hành kinh tế của ông chủ Nhà trắng mới, rất khó để dự đoán tỷ giá sẽ biến động đến mức nào. Các chuyên gia cho rằng, mức điều chỉnh trên dưới 2% là chấp nhận được. Nhưng, vấn đề ở đây không phải là con số, mà quan trọng là niềm tin.
Sự minh bạch và ổn định là mấu chốt tạo dựng lòng tin thị trường. Phải thừa nhận thành công nhất trong điều hành tỷ giá của NHNN những năm gần đây chính là dần nâng cao vị thế của tiền đồng. Xu hướng chuyển đổi từ nắm giữ vàng, ngoại tệ sang tiền đồng đã tăng.
Song cũng phải thừa nhận một điều, vẫn có một lượng không nhỏ vàng, ngoại tệ được cất trữ trong dân như một phương án dự phòng trong một thế giới ngày càng trở nên bất định. Chính vì thế, cho dù lãi suất tiền gửi nội tệ tăng trong khi lãi suất đô la Mỹ là 0% thì vẫn có người mang “đô” đến gửi ngân hàng.
Đầu năm 2016, trao đổi với báo giới một Phó Thống đốc NHNN khẳng định: Định hướng nhất quán của NHNN là chống đô la hóa, chuyển từ quan hệ vay và gửi ngoại tệ sang quan hệ mua – bán, nâng cao vị thế của đồng Việt Nam.
NHNN đã từng bước thu hẹp hoạt động tín dụng ngoại tệ thông qua thu hẹp dần đối tượng được vay bằng ngoại tệ; đảm bảo mức chênh lệch lãi suất hợp lý giữa đô la Mỹ và đồng Việt Nam; Khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm rủi ro tỷ giá thông qua sử dụng công cụ phái sinh… NHNN cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo yếu tố linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo yếu tố quản lý theo chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý.
Từ định hướng này, NHNN đã, sẽ ứng phó thế nào với biến động tỷ giá hiện nay?
“Nắn gân” nhà điều hành
Khi tỷ giá có dấu hiệu tăng mạnh, cơ quan quản lý đã sớm đưa ra thông điệp: có đủ nguồn lực để can thiệp khi cần thiết để trấn an thị trường (theo công bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt trên 40 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay).
Những ngày qua NHNN cũng liên tục điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm nương theo diễn biến trên thị trường quốc tế nhằm hạn chế tác động tiêu cực đến thị trường trong nước.
Cùng với đó, ngày 15/11, NHNN đã ban hành Thông tư số 31/2016/TT-NHNN nhằm tiếp tục gia hạn cho vay bằng ngoại tệ quy định tại Thông tư 24/2015/TT-NHNN.
Như vậy, NHNN đã liên tục “gia hạn” đối với NHTM trong cấp tín dụng ngoại tệ: Theo Thông tư 24, quy định này thực hiện đến hết ngày 31/3/2016; theo thông tư 07 là đến hết ngày 31/12/2016; còn theo Thông tư 31, các đối tượng được vay vốn ngoại tệ có thể kéo dài đến ngày 31/12/2017. Việc gia hạn này nhằm giảm áp lực cầu ngoại tệ lên thị trường.
Có thể nói “bước lùi” này là sự linh hoạt hợp lý trong điều hành chính sách tỷ giá của NHNN. Song điều này cũng cho thấy một thực tế là nhu cầu tín dụng ngoại tệ của doanh nghiệp còn cao. Đó là do trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, khi đồng Việt Nam chưa phải là đồng tiền mạnh thì việc doanh nghiệp sử dụng các ngoại tệ trong kinh doanh là tất yếu. Do đó, việc hạn chế tín dụng ngoại tệ cũng sẽ gây khó khăn đối với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thách thức lớn hơn đối với nhà điều hành lúc này là nguy cơ lạm phát tăng theo sức nóng của tỷ giá. Tziến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định: “Cái khó trong điều hành tỷ giá là làm sao điều chỉnh đủ linh hoạt để vừa không làm mất khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam mà vẫn giữ được ổn định giá trị đồng tiền. Nếu cố giữ giá tiền đồng sẽ khiến Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh xuất khẩu. Ngược lại, nếu phá giá nhiều, tiền đồng mất giá sẽ khiến người dân mất niềm tin, chuyển dịch sang nắm giữ đồng đô la Mỹ”.
Nói một cách dễ hiểu, theo ông Thành, quyết định nắm giữ đồng tiền nào thì người dân, doanh nghiệp cũng nhắm vào lợi ích mà nó mang lại. Điều hành linh hoạt tỷ giá, nhưng mục tiêu quan trọng nhất mà NHNN phải hướng tới là góp phần đắc lực giữ được tốc độ tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó kiểm soát tốt lạm phát. Giữ được nền tảng này thì nền kinh tế mới đứng vững được trước những cú sốc từ bên ngoài.
Cụ thể hơn, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng kinh tế cả năm 2016 khả năng đạt khoảng 6,3 – 6,5%; lạm phát được kiểm soát dưới 5%. Tuy nhiên, ông Achim Fock, Giám đốc điều phối danh mục và hoạt động dự án của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam lại cho rằng mức tăng trưởng GDP năm nay sẽ đạt khoảng 6%.
Theo ông Achim Fock, để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, Việt Nam cần phải tiếp tục tái cơ cấu theo chiều sâu để tăng năng suất lao động. Về vấn đề giữ ổn định kinh tế vĩ mô, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nhận định, có ba yếu tố đang đe dọa ổn định kinh tế vĩ mô nếu có một cú sốc nào đó xảy ra, đó là: cân đối ngân sách rất căng thẳng; nợ công liên tục tăng, hiện đã chạm trần, và nợ xấu không được xử lý thực chất.
Trong một thế giới ngày càng trở nên bất định rất khó tránh khỏi không có những cú sốc lớn từ bên ngoài. Sự lên giá của đồng bạc xanh lần này là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho nhà điều hành tập dượt ứng phó với biến động tài chính, tiền tệ trên thế giới.