Đồng bằng sông Cửu Long chuẩn bị đón làn sóng đầu tư mới
Nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn được triển khai trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 là một xung lực mới khiến cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trở nên hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư, nhiều nhà đầu tư lớn đã tìm về vùng này để “xây tổ đại bàng”.
Vùng hẻo lánh cũng đã thu hút được dự án lớn
Dù là địa phương dẫn đầu khu vực ĐBSCL về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) với môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng nhưng do giao thông trắc trở đã “ngáng” đường thu hút đầu tư vào tỉnh Đồng Tháp trong nhiều năm nay.
Khi có cầu Vàm Cống, Cao Lãnh, kết nối giao thông thông suốt từ Quốc lộ (QL) 30, tuyến N2, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, giao thông kết nối tỉnh Đồng Tháp với TP. HCM và các tỉnh, thành trong vùng đã thuận lợi hơn.
Mới đây, địa phương này cũng vừa công bố khánh thành giai đoạn 2 tuyến QL 30 đoạn Cao Lãnh – Hồng Ngự.
QL30 có điểm đầu kết nối với QL1 tại huyện Cái Bè (Tiền Giang) và điểm cuối tại cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (Đồng Tháp) với tổng chiều dài hơn 119 km.
Phát biểu tại lễ khánh thành tuyến đường này, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, việc hoàn thành công trình nâng cấp QL30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng, nối liền giao thương hàng hoá các cửa khẩu Thường Phước, cửa khẩu quốc tế Dinh Bà và các cửa khẩu của tỉnh Prâyveng – Vương quốc Campuchia
Sự kết hợp của hạ tầng và môi trường đầu tư thuận lợi mang đến những thay đổi rõ nét về dòng vốn đầu tư cho tỉnh Đồng Tháp trong thời gian gần đây. Đáng chú ý là mới đây Công ty cổ phần NovaGoup vừa “xông đất” địa phương này với việc xin tham gia đấu giá, nghiên cứu đầu tư hàng loạt dự án quy mô lớn tại đây.
Theo biên bản ký kết ghi nhớ đầu tư mà NovaGroup vừa ký kết với UBND tỉnh Đồng Tháp, UBND tỉnh An Giang, trong giai đoạn 2022 – 2025, NovaGroup đăng ký đầu tư dự án phát triển Thành phố thông minh Mekong (Mekong Smart City) thuộc huyện Hồng Ngự, TP. Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) và thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang).
Theo ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần NovaGroup dự án Mekong Smart City được kỳ vọng trở thành điểm đến thu hút du lịch tiểu vùng sông Mekong, đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương cũng như vùng ĐBSCL, từng bước kiến tạo những khu đô thị biên giới kiểu mẫu tại Việt Nam.
Theo đó, đại dự án Mekong Smart City với 11 dự án thành phần gồm: 3 dự án triển khai thực hiện giai đoạn 2022 – 2025 là: Khu đô thị thông minh Rồng Xanh, quy mô dự kiến 115 ha; khu du lịch làng nghề Bùi Thanh Thủy, quy mô dự kiến 127 ha; nhà máy chế biến trái cây, quy mô dự kiến 2 ha.
Các dự án NovaGroup đề xuất nghiên cứu, lập quy hoạch thực hiện gồm: Las Vegas Island, quy mô dự kiến 250 ha; Cảng biển Mekong (Thường Phước), quy mô dự kiến 9,14 ha; khu hậu cần Logistics Mekong, quy mô dự kiến 123 ha; khu kinh tế đặc biệt, quy mô dự kiến 5.300 ha; Làng Mekong, quy mô dự kiến 450 ha; Khu công nghiệp Mekong, quy mô dự kiến 1.000 ha; Khu nông nghiệp công nghệ cao, quy mô dự kiến 950 ha; Sân bay dân dụng và hàng hóa, Khu công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), quy mô dự kiến 2.000 ha.
Trong giai đoạn 1, NovaGroup sẽ tham gia đấu giá trên quỹ đất sạch có sẵn để phát triển dự án Khu đô thị thông minh Rồng Xanh 115 ha, dự án Khu du lịch làng nghề Bùi Thanh Thủy 127 ha và dự án Las Vegas Island 250 ha (trên Cồn Chính Sách, khu vực thuộc địa phận tỉnh Đồng Tháp), vốn đầu tư trên 2 tỷ USD (hơn 46.000 tỷ đồng). Toàn bộ lợi nhuận ròng thu được từ dự án Khu đô thị thông minh Rồng Xanh, NovaGroup sẽ dành xây dựng bệnh viện và trường học phi lợi nhuận cho tỉnh Đồng Tháp.
Bên cạnh đó, trên phần đất tỉnh An Giang, NovaGroup sẽ đầu tư khu trường Đại học Quốc tế phi lợi nhuận và dự án Las Vegas Island 250 ha trên Cồn Chính Sách. Las Vegas Island khi đi vào hoạt động sẽ giúp thị xã Tân Châu (An Giang) – TP. Hồng Ngự (Đồng Tháp) trở thành điểm đến du lịch biên giới hấp dẫn của khu vực, nơi giải trí và tăng nguồn thu ngân sách. Toàn bộ lợi nhuận của Las Vegas Island NovaGroup sẽ dùng để xây trường học, bệnh viện phi lợi nhuận cho tỉnh An Giang.
Cũng ngay từ đầu năm nay, Tập đoàn FLC đã chính thức khởi công dự án khu đô thị FLC La Vista Sadec tại TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp với quy mô 15 ha, với định hướng trở thành một khu đô thị đầy đủ tiện ích, là không gian sống tiêu chuẩn cao, đồng thời cũng là điểm đến mua sắm, giải trí lý tưởng của người dân cũng như du khách vùng Tây Nam bộ.
Tiếp đó, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng vừa chấp thuận cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Phát Đạt được tiếp cận, nghiên cứu đề xuất đầu tư 3 dự án khu công nghiệp với diện tích 2.000ha trên địa bàn huyện Cao Lãnh.
Nhiều địa phương đã dọn chỗ đón "đại bàng"
Tâm điểm thu hút đầu tư đã bắt đầu lan tỏa đến TP. Cần Thơ, khi mà trong 2-3 năm tới cao tốc TP.HCM đã về đến địa phương này. Mới đây (ngày 11/1), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ. Để cụ thể hóa Nghị quyết này, TP. Cần Thơ đang xúc tiến xây dựng kế hoạch, hoàn thành dự thảo đề án để trình Chính phủ phê duyệt.
Đáng chú ý là mới đây, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. Cần Thơ đã thống nhất được vị trí khu đất 10.670ha để xây dựng khu sản xuất, chế biến, phân phối, nông nghiệp công nghệ cao, logistics hàng không, khu đô thị, thương mại tại vùng giáp ranh quận Bình Thủy, Ô Môn và huyện Phong Điền.
Dự án thứ hai quy mô lớn đang được TP. Cần Thơ quy hoạch là Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Đáng chú ý là dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An với mức ưu đãi thuế, tiền thuê đất ở mức cao nhất sẽ là những dự án hấp dẫn dành cho nhà đầu tư trong bối cảnh khan hiếm vật liệu xây dựng như hiện nay.
Là một tỉnh tiếp giáp TP. Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang có nhiều lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết, trong quý II/2022 tỉnh sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập 7 khu công nghiệp với diện tích 1.884ha. Đồng thời, tỉnh cũng phê duyệt phương án phát triển mới 5 cụm công nghiệp, mở rộng thêm 2 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 500ha.
“Năm 2022 cũng được tỉnh xác định là “năm của doanh nghiệp”, tỉnh Hậu Giang cũng đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức hội nghị xúc tiến, mời gọi đầu tư vào địa phương trong năm nay”, ông Hòa cho biết.
Nhằm đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến mời gọi đầu tư trong giai đoạn 2022 – 2025, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã phê duyệt danh mục 152 dự án mời gọi đầu tư, trong đó có đến 65 dự án thương mại nhà ở, còn lại là các dự án trên các lĩnh vực công nghiệp (bao gồm điện gió, điện sinh khối), nông nghiệp, văn hóa, du lịch, y tế giáo dục…
Ngoài 3 địa phương nêu trên, các địa phương còn lại trong vùng ĐBSCL cũng đã có những động thái “dọn chỗ” đón nhà đầu tư nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tăng cường quảng bá, xúc tiến mời gọi đầu tư vào địa phương mình.