Phục hồi kinh tế và chuỗi cung ứng hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long
Dịch bệnh COVID-19 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế, trong đó đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa. TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long cần phải làm gì để nối lại chuỗi cung ứng này? Tại phiên thảo luận chuyên đề trong khuôn khổ Mekong Connect 2021 vào chiều 17/12, lãnh đạo một số địa phương và các chuyên gia đã cùng thảo luận để tìm câu trả lời cho câu hỏi trên.
Đồng bằng sông Cửu Long rất cần TP. Hồ Chí Minh và ngược lại
Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực sản xuất sản lượng lớn các loại nông, thủy sản gồm lúa gạo, rau quả, tôm, cá tra của cả nước. Ngoài phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ thì hầu hết nông sản, thủy sản của khu vực này đều được cung ứng cho thị trường TP. Hồ Chí Minh và xuất khẩu thông qua nhiều kênh cung ứng.
Trong giai đoạn tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp thời gian vừa qua, khi các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh đều phải áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, việc tổ chức sản xuất đầu vào, thu hoạch, tiêu thụ nông sản các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, các thương lái thu mua, các công ty phân phối, chợ đầu mối bị hạn chế đi lại và vận chuyển. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến ở đồng bằng sông Cửu Long cũng đối mặt với nhiều thách thức về năng suất, tâm lý của người lao động và gia tăng nhiều chi phí; nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động do không đủ điều kiện đảm bảo công tác phòng, chống dịch...
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh ĐồngTháp, TP. Hồ Chí Minh vừa là nơi tiêu thụ sản phẩm nông sản, vừa chế biến thực phẩm cho các địa phương. Đồng bằng sông Cửu Long rất cần TP. Hồ Chí Minh và ngược lại. Đó là mối quan hệ cộng sinh - ông Phạm Thiện Nghĩa khẳng định và mong muốn đẩy mạnh liên kết giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sau khi chứng kiến sự đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thời gian qua.
Cũng theo ông Phạm Thiện Nghĩa, thời gian qua sự phát triển của hệ thống các siêu thị nói chung và Saigon Co.op nói riêng đã tác động lớn đến xu hướng tiêu dùng của người dân, đặc biệt trong thời điểm giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Saigon Co.op gắn kết chặt chẽ hơn với bà con nông dân, đảm bảo khâu sản xuất và cả khâu tiêu thụ. Trên cơ sở thành lập Hội đồng vùng để phát huy sức mạnh chung, ông Phạm Thiện Nghĩa mong muốn các địa phương trong khu vực cùng chung tay, liên kết cùng TP. Hồ Chí Minh - trụ cột gắn kết, hình hành Trung tâm chế biến nông sản tại đồng bằng và thành phố là nơi tiêu thụ sản phẩm.
Để giải quyết bài toán đầu ra cho nông, thủy sản, theo các chuyên gia, giải pháp quan trọng nhất hiện nay chính là dồn sức nối lại chuỗi cung ứng, tạo điều kiện để hàng hóa nông sản được thông suốt trong tất cả các mắt xích từ thu hoạch - sơ chế - vận chuyển - chế biến/chợ đầu mối - phân phối - người tiêu dùng, xuất khẩu.
Sàn giao dịch nông sản Đồng bằng sông Cửu Long - Tại sao không?
Với góc nhìn của đơn vị phân phối hàng hóa, ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện nay có hơn 20 siêu thị Co.op ở khắp các địa phương, trong đó nhiều nhất là tại Đồng Tháp. Ông Đức nhìn nhận sự đứt gãy do ảnh hưởng của đại dịch, đó là sự đứt gãy 02 chiều: trong mối liên kết trong nội tại của từng địa phương và giữa các địa phương với nhau.
Tổng Giám đốc Saigon Co.op đề nghị, không chỉ cơ quan quản lý nhà nước hợp tác mà các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cũng phải ngồi lại với nhau, cởi mở với nhau, kết nối với nhau vì mục tiêu chung. Saigon Co.op sẵn sàng tham gia và đứng ra chủ trì Sàn giao dịch nông sản tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo đề xuất của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp.
Ngoài ra, trong phiên thảo luận này, nhiều chuyên gia cũng đưa ra các ý kiến, nhận định riêng như: Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất hình thành Cụm liên kết logistics cho các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long; ông Cô Gia Thọ - Chủ tịch Tập đoàn Thiên Long thì nhấn mạnh “chuyện 30 năm sau phải được làm ngay bây giờ”; ông Steven Starmans - chuyên gia chuyên về hoạt động hợp tác xã và kinh tế tuần hoàn tại Hà Lan đang sinh sống ở đồng bằng sông Cửu Long thì cho rằng, muốn nông dân thay đổi thì phải chứng minh cho họ thấy những lợi ích mang lại từ sự thay đổi đó.
Ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, bình thường mới đồng nghĩa là không quay lại như cũ, do vậy cần thay đổi thói quen sống trước đây để thích ứng trong điều kiện bình thường mới. Sự thay đổi không chỉ ở các cấp chính quyền mà còn ở từng doanh nghiệp, từng cá thể trong cộng đồng.
Chốt lại phiên thảo luận, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp mong muốn, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long cùng nhau nối lại và tiếp tục duy trì chuỗi cung ứng, sớm phục hồi kinh tế. Cùng đổi mới và phải hành động ngay! - ông Phạm Thiện Nghĩa đề nghị.