Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng rất lớn để nuôi tôm nước lợ
(Taichinh) - Đó là ý kiến nhận định của các đại biểu tại Hội thảo “Quy hoạch nuôi tôm nước lợ vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, định hướng năm 2030”, tổ chức ngày 22/5/2015 tại Bạc Liêu.
Những năm qua, nuôi tôm nước lợ, ngoài việc đóng góp vào tăng kim ngạch xuất khẩu, còn tạo công ăn việc làm cho người dân, đặc biệt đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh trong vùng. Tuy nhiên, phát triển nuôi tôm nước lợ còn gặp nhiều khó khăn, nhất là công tác quy hoạch.
Tại hội thảo, đánh giá kết quả nuôi tôm nước lợ trong thời gian qua, các đại biểu cho rằng, nuôi tôm nước lợ theo hướng hiệu quả, bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ trong nước và chế biến xuất khẩu, tạo thêm việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Điểm nhấn đáng chú ý, theo dự thảo quy hoạch, đến năm 2020, toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ có tổng diện tích hơn 600.000 ha nuôi tôm nước lợ; trong đó tôm sú khoảng 550.000 ha, còn lại là tôm thẻ chân trắng; tổng sản lượng gần 750.000 tấn, giá trị xuất khẩu khoảng 3,8 tỷ USD; tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động.
Các đại biểu tham dự hội thảo đã đưa ra các giải pháp cho việc phát triển nuôi tôm nước lợ trong điều kiện ít được thuận lợi; phát triển nuôi tôm nước lợ trong điều kiện thuận lợi; quy hoạch cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần… Đồng thời, họ cho rằng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long còn tiềm năng rất lớn để phát triển nuôi tôm nước lợ song thời gian qua thiếu quy hoạch cụ thể, thiếu cơ chế chính sách để phát triển lĩnh vực này; chưa có các giải pháp về khoa học công nghệ, khuyến ngư và hợp tác quốc tế; thị trường và xúc tiến thương mại…
Được biết, nuôi tôm nước lợ vùng đồng bằng sông Cửu Long tập trung tại 8 tỉnh ven biển (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau) với hai đối tượng chính là tôm sú và tôm thẻ chân trắng./.