Giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ thâm canh bền vững

pv.

(Tài chính) Ngày 20/3, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng tổ chức Diễn đàn Khuyến nông và Nông nghiệp với chuyên đề “Giải pháp nuôi tôm nước lợ thâm canh bền vững” dưới sự chủ trì của TS. Nguyễn Huy Điền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, ông Trần Đình Luân – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng và ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.

Toàn cảnh Diễn đàn. Nguồn: internet
Toàn cảnh Diễn đàn. Nguồn: internet

Tham dự diễn đàn có đại diện các Bộ, ngành Trung ương, Tổng Cục Thủy sản, các Viện nghiên cứu thủy sản, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hơn 200 đại biểu là cán bộ kỹ thuật và người nuôi tôm tại các tỉnh có phong trào nuôi tôm phát triển mạnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngành nuôi tôm nước lợ đang có tiềm năng phát triển rất lớn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước trong năm 2014 đạt 670.000 ha, trong đó, diện tích nuôi tôm sú là 580.000ha và tôm thẻ là 90.000ha, tương đương sản lượng 570.000 tấn; đồng thời đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên đạt mốc 8 tỷ USD. Riêng 13 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích nuôi tôm nước lợ chiếm hơn 90% diện tích nuôi tôm của cả nước, tương đương với 595.000ha. Tuy nhiên, các dịch bệnh trên tôm đã gây ra nhiều khó khăn cho người nuôi trồng, điển hình là năm 2014, diện tích bị thiệt hại gần 60.000 ha. Những năm qua, các cơ quan Trung ương và địa phương đã cố gắng khống chế dịch bệnh nhưng tình hình vẫn diễn biến khó lường.

Theo đó, các đại biểu cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có chính sách về vốn, biện pháp nâng cao kiến thức cho người nuôi; tăng cường kiểm tra, quản lý nguồn gốc tôm bố mẹ và các nguyên liệu vật tư phục vụ cho nuôi trồng thủy sản nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro cho người nuôi. Đặc biệt, các cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu sâu về con tôm nước lợ để cảnh báo cho người nuôi các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh, hình thành khu vực nuôi tôm nước lợ mang tính thâm canh, đạt chất lượng cao và bền vững.

Bên cạnh đó, diễn đàn cũng tập trung trao đổi, thảo luận một số vấn đề về quy hoạch nuôi tôm nước lợ vùng Đồng bằng sông Cửu Long; giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ thâm canh bền vững; kết quả triển khai thực hiện các mô hình nuôi tôm nước lợ tại các tỉnh trong khu vực; kỹ thuật nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng hạn chế sử dụng hóa chất, không sử dụng thuốc kháng sinh…