Đồng bằng Sông Cửu Long: Điểm mới để phát triển bất động sản khu công nghiệp


Trong những năm gần đây, nhiều nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp đã tìm đến Đồng bằng Sông Cửu Long như một điểm đến đầu tư mới và nhiều tiềm năng để đầu tư những dự án quy mô lớn như SLP, VSIP,...

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Điểm sáng thu hút đầu tư

Năm 2022 và 2023, ngành công nghiệp vùng ĐBSCL được nhìn nhận rằng đã đạt nhiều cột mốc tăng trưởng quan trọng. Tiêu biểu là dự án trọng điểm Khu công nghiệp VSIP Vĩnh Thạnh với quy mô 293,7 ha do Công ty VSIP làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 3.717,9 tỷ đồng. 

Để hỗ trợ dự án này, ngày 7/3/2023, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ ký công văn 702/UBND-KT gửi Giám đốc Sở TN-MT và Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh chủ trương hỗ trợ đất để triển khai 2 tuyến đường dẫn vào khu công nghiệp gồm tuyến đường nối từ quốc lộ 80 vào KCN Vĩnh Thạnh, tổng mức đầu tư 172 tỷ đồng, tuyến đường nối từ đường dẫn cầu Vàm Cống vào KCN Vĩnh Thạnh với tổng mức đầu tư 384,61 tỷ đồng. 

Công ty SLP Việt Nam cũng có niềm tin mạnh mẽ vào tiềm năng logistic, hậu cần của khu vực ĐBSCL. Tháng 10/2022, Công ty đã khởi công dự án nhà kho quy mô 29.000 m2 với tên gọi SLP Park Bình Minh tại tỉnh Vĩnh Long. Doanh nghiệp này tin rằng dự án nhà kho hậu cần hiện đại sẽ rất cần thiết trong việc giảm bớt áp lực từ hệ thống hậu cần quá tải của TP. Hồ Chí Minh. Dự án dự kiến sẽ hỗ trợ cải thiện hiệu quả thương mại và giao hàng tốt hơn. 

Song song đó, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long cũng đang chuẩn bị cho kế hoạch khởi công giai đoạn 1 của dự án KCN Gilimex Vĩnh Long. Dự án có quy mô 400 ha tại huyện Bình Tân. Dự án được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 có diện tích 255ha, giai đoạn 2 diện tích 145ha; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.600 tỷ đồng.

Theo đánh giá của ông John Campbell, Phó Giám đốc, Trưởng Bộ phận Dịch vụ Bất động sản Savills Việt Nam, các dự án đầu tư này đều cho thấy sự cam kết lâu dài trong tầm nhìn phát triển kinh doanh, cải thiện chất lượng hệ thống logistic và bất động sản tại khu vực ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung. 

“Những dự án mới này là nguồn cung bổ trợ cho tình trạng tắc nghẽn, khan hiếm nguồn cung tại TP. Hồ Chí Minh. Trong thời gian tới, có nhiều nhà đầu tư sẽ tiếp tục chọn khu vực này là điểm đến, đặc biệt là trong các ngành thực phẩm, đồ uống, chế biến sản phẩm nông sản thô”, ông nói thêm.

Để thu hút, hỗ trợ các nhà đầu tư, chuyên gia Savills Việt Nam khuyến nghị các địa phương cần hoàn thiện cơ chế, đưa ra nhiều chính sách như cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang pháp lý ổn định và xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi. Đồng thời, tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư, sớm thực hiện hóa tối đa cam kết đầu tư tại địa phương.

Hạ tầng là đòn bẩy để phát triển hệ thống logistic

Mới đây, VSIP Cần Thơ kiến nghị nhanh chóng hỗ trợ xây dựng 2 tuyến đường kết nối vào dự án; xây dựng khu tái định cư và Hỗ trợ các chính sách bồi thường, giải tỏa; hỗ trợ nghiên cứu và lập hồ sơ đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư đối với các khu Đô thị-Thương mại -Dịch vụ; Hỗ trợ trong việc khảo sát – cập nhật quy hoạch các dự án Khu công nghiệp mở rộng, khu Logistics và Các tiện ích cho KCN (Cấp nước và xử lý nước, Cung cấp điện và mạng lưới điện và Nguồn năng lượng tái tạo “Solar Farm”).

Một trong những yếu tố quan trọng giúp thu hút nguồn vốn đầu tư ấn tượng trong thời gian qua đến lĩnh vực công nghiệp tại ĐBSCL là loạt dự án hạ tầng quan trọng.

Trong Nghị quyết số 78/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Quy mô nền kinh tế đến năm 2030 gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2021. Để đạt được điều này, việc hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long với vùng Đông Nam Bộ là một trong những mục tiêu được Nghị quyết đề ra.

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ĐBSCL được quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166 km, quy mô 4 - 6 làn xe. Trong đó có 3 tuyến cao tốc trục dọc và 3 tuyến cao tốc trục ngang. Đây được xem là 6 tuyến cao tốc làm thay đổi hoàn toàn diện mạo hạ tầng giao thông tại ĐBSCL.

Trong nửa đầu năm 2023, tuyến đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng dài 188 km, là một phần của đường cao tốc Bắc - Nam đã được khởi công. Chuyên gia Savills Việt Nam cho rằng một khi mạng lưới này được đồng bộ và đi vào hoạt động, khu vực ĐBSCL sẽ có sự thay đổi lớn về diện mạo đô thị cũng như tăng trưởng kinh tế. 

“Ngoài ra, một trong những điểm mạnh của khu vực là giao thông đường thủy. Nếu được tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy, các cụm cảng để kết nối với hệ thống cảng Quốc gia sẽ là điểm mạnh giúp tăng cường lợi thế về logistic, sản xuất và vận tải biển, từ đó thu hút nhiều nhà đầu tư”, Trưởng Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills Việt Nam nhấn mạnh. 

Theo  ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA); những hạn chế của khu vực ĐBSCL gồm: Hạ tầng logistics khá nhỏ lẻ thiếu tính liên kết; việc vận chuyển hàng hóa còn chưa tiện lợi, lý do trước tiên là chưa làm tốt công tác quy hoạch vùng, nhất là quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng và quy hoạch logistics toàn vùng.

Đại diện VLA tâm đắc với điểm đáng chú ý của Quy hoạch là phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với thương mại, dịch vụ logistics, du lịch sinh thái, công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Phát triển hệ thống 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, kết nối với các đầu mối hạ tầng để cung cấp các dịch vụ về logistics, nghiên cứu phát triển, đào tạo và chuyển giao công nghệ, thu gom, chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp.

Về hạ tầng, quy hoạch sẽ chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung; phấn đấu đến năm 2030, vùng ĐBSCL trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp. Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng với vai trò bệ đỡ cho phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt chú trọng đến phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến kết nối với TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ thông qua 2 trục cao tốc đường bộ, tuyến đường thuỷ nội địa và tuyến đường sắt nối TPHCM với Cần Thơ trong tương lai. Tập trung triển khai tuyến đường bộ ven biển theo cách tiếp cận khác, không phải 1 tuyến giao thông đơn thuần mà phải là hành lang kinh tế thực thụ để đóng góp cho tăng trưởng và phát triển bền vững kinh tế vùng, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh... Cố gắng khép kín toàn bộ vành đai đường ven biển cho ĐBSCL, từ Tiền Giang ở bờ Đông đến Kiên Giang ở bờ Tây….

Thực tế, nếu so với một số địa phương như Quảng Ninh đã làm phát triển sân bay, bến cảng, đường cao tốc, kho bãi hay phát triển cảng nội địa thông minh với Singapore ở Vĩnh Phúc… thì khu vực này khá "chậm chân".

Một lý do không thể không kể đến nữa là thiếu nguồn vốn cho việc phát triển kết cấu hạ tầng. Cần tận dụng nguồn vốn và sự tham gia của khu vực tư nhân cũng như đầu tư FDI trong việc phát triển kết cấu hạ tầng logistics.

Ông Đào Trọng Khoa thẳng thắn cho rằng, việc hợp tác, chia sẻ và liên kết vùng trong công tác xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng vẫn chưa làm tốt, còn thiếu đồng bộ và nhỏ lẻ.

Chính vì vậy mà Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 với nhiều nội dung trong đó có lĩnh vực hạ tầng, logistics là rất kịp thời và cần thiết.

Để cụ thể hóa mục tiêu, ông Đào Trọng Khoa cho rằng, cần hoàn thiện thể chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư tư nhân trong nước và đầu tư FDI trong hoạt động logistics, đặc biệt là hoạt động đầu tư của các dự án. Cần tạo cơ chế cho nhà đầu tư, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công, xúc tiến đầu tư theo hợp tác công-tư.

Đại diện VLA cho rằng, cần hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ logistics bằng các giải pháp tổng thể như: Đẩy mạnh đầu tư, tận dụng lợi thế sẵn có của phương thức vận tải đường thủy; cải tạo, nâng cấp các luồng tàu biển chính trong khu vực cho phép tàu 20.000 DWT có thể vào/ra chuyên chở hàng hóa trực tiếp đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu trực tiếp cho vùng. Coi trọng việc kết nối toàn vùng và với khu vực trong cả nước và hội nhập quốc tế./.

Theo Hữu Lê/Reatimes.vn