Đồng bằng sông Cửu Long trước cơ hội cất cánh

Hùng Sơn

Đến năm 2030, quy mô kinh tế tăng gấp 2,5 đến 3 lần so với năm 2021; tăng trưởng bình quân đạt 6,5 đến 7%/năm - đây là mục tiêu được nêu trong Chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chợ nổi Cái Răng (TP. Cần Thơ) Ảnh: Lý Hồng Văn
Chợ nổi Cái Răng (TP. Cần Thơ) Ảnh: Lý Hồng Văn

Tiềm năng khác biệt

Với diện tích tự nhiên gần 4 triệu km2 (khoảng 13% diện tích cả nước), dân số khoảng 18 triệu người (19% dân số cả nước) nhưng 13 tỉnh thành ĐBSCL đến nay mới chỉ đóng góp khoảng 12% vào GDP của cả nước, bằng một nửa so với TP. Hồ Chí Minh (năm 2020).

Theo nhận định của Chính phủ, ĐBSCL giữ vị thế hết sức quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mekong và có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.

ĐBSCL có tiềm năng về địa hình phát triển giao thông với đường bờ biển dài 700km và trên 360.000 km2 vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế, có tiềm năng kết nối, thông qua các cảng tại TP. Hồ Chí Minh và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải trên địa bàn tỉnh của Bà Rịa - Vũng Tàu, với các thị trường Đông Á, châu Âu, Mỹ... Đồng thời, vùng ĐBSCL nằm trong khu vực có các tuyến hàng hải và hàng không quốc tế quan trọng.

Bản đồ 13 tỉnh thành Tây Nam bộ. Nguồn: Mekong Staup
Bản đồ 13 tỉnh thành Tây Nam bộ. Nguồn: Mekong Staup

Thế mạnh nhất của khu vực này là nông nghiệp với hơn 2,5 triệu ha đất nông nghiệp (chiếm 62,9% tổng diện tích đất tự nhiên của cả vùng) được bồi đắp phù sa màu mỡ, mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. 

ĐBSCL là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước, thực hiện sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho 65% dân cư của vùng (Chiếm 31,37% GDP toàn ngành nông nghiệp, đóng góp tới hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước).

Bên cạnh đó, ĐBSCL có thế mạnh về phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp thực phẩm, đặc biệt phát triển du lịch quanh năm và các ngành dịch vụ khác.

Đặc biệt, đây là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng anh hùng của nhân dân; là địa bàn sinh sống, gắn bó đoàn kết lâu đời của cộng đồng các dân tộc Việt, Khmer, Hoa, Chăm... tự lực, tự cường; năng động, sáng tạo; chân tình, cởi mở, phóng khoáng.

Những “điểm nghẽn” cần vượt qua

Đi sâu vào phân tích những “điểm nghẽn” và tìm kiếm biện pháp khai thông. TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam - Trưởng nhóm nghiên cứu - cho rằng, điểm sáng lớn nhất của ĐBSCL trong hai năm 2020-2021 là nông nghiệp.

Bất chấp dịch bệnh trong năm 2021, khu vực nông nghiệp của ĐBSCL vẫn tăng trưởng mạnh (3,4%), cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của cả nước. Xuất khẩu nông thủy sản của vùng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại cho Việt Nam.

Tuy nhiên, một mình ngành Nông nghiệp không đủ sức vực dậy nền kinh tế ĐBSCL vì khu vực công nghiệp và dịch vụ - cùng nhau chiếm tới hơn 70% GRDP của vùng - đều tăng trưởng âm, ước tính lần lượt là - 0,8% và - 1,8%.

Vì vậy, ĐBSCL buộc phải có quy hoạch tích hợp đến năm 2030 tầm nhìn 2050 để quyết định cho bức tranh phát triển nông nghiệp của ĐBSCL. Đó là định hình lại về tổ chức không gian sản xuất nông nghiệp, tổ chức không gian phù hợp với từng vùng và tiểu vùng.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, ĐBSCL đang đứng trước thử thách của ba vòng xoáy: "Vòng xoáy ngân sách" phản ánh tình trạng thiếu đầu tư trầm trọng ở ĐBSCL; "Vòng xoáy lao động" xuất phát từ tình trạng thiếu cơ hội việc làm nên lao động trẻ di cư từ ĐBSCL đến các khu vực đô thị và công nghiệp ở Đông Nam bộ; "Vòng xoáy cơ cấu kinh tế" là căn nguyên của hai vòng xoáy trên.

Theo VCCI, chỉ bằng cách "phá vỡ" một số mắc xích của các "vòng xoáy" đi xuống về kinh tế - xã hội - môi trường, sau đó đảo ngược thành các "vòng xoáy" đi lên thì ĐBSCL mới có thể chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân một cách bền vững.

Phân tích sâu hơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, nếu lấy con người là trung tâm, chủ thể, động lực, mục tiêu, là nguồn lực cho sự phát triển thì đây cũng là điểm nghẽn lớn nhất của các tỉnh thành Tây Nam bộ. Nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, tỷ lệ lao động vùng qua đào tạo khoảng hơn 15%, thấp hơn nhiều so với trung bình chung cả nước (năm 2020, cả nước có tỷ lệ 64,5% lao động qua đào tạo, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 24,5%).

Ngoài ra, ĐBSCL có kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, chuyển tải của cải vật chất được sản xuất tại vùng ra cả nước và thế giới; thiếu cảng biển nước sâu để kết nối với quốc tế; thiếu các trung tâm tiếp vận và kho vận của vùng; giao thông đường thủy nội địa chưa được phát huy; hạ tầng thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn.

"Điều đó dẫn đến hiệu quả thu hút FDI còn thấp: (đứng thứ 4/6 các vùng), đầu tư tư nhân chưa nhiều; Xây dựng nông thôn mới còn chậm, số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 48,29%, trong khi cả nước đạt 54%", Thủ tướng Chính phủ phân tích.

Dồn lực cho Đồng bằng sông Cửu Long

Chưa bao giờ Trung ương lại quan tâm ĐBSCL như lúc này, đó là nhận định của tất cả lãnh đạo 13 địa phương miền Tây Nam bộ tại Hội nghị công bố qui hoạch và xúc tiến đầu tư ĐBSCL ở Cần Thơ ngày 21/6/2022. 

Một góc thành phố Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: HS
Một góc thành phố Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: HS

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL.

Có thể có ra hàng loạt các chủ trương, chính sách như: Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị; Quyết định số 287/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 324/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL…

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã thành lập Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025 do đồng chí Lê Văn Thành - Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch và 4 Bộ trưởng làm Phó Chủ tịch; kèm theo là quy chế hoạt động. Đây là Hội đồng điều phối vùng đầu tiên của cả nước.

Theo thống kê, tổng mức đầu tư từ ngân sách Nhà nước đầu tư qua địa phương vùng ĐBSCL ngày càng tăng. Giai đoạn 2016-2020 đầu tư gần 200 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 9 tỷ USD) chiếm khoảng 16% tổng đầu tư ngân sách Nhà nước. Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của các Bộ, ngành và địa phương hỗ trợ vùng ĐBSCL là trên 318 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 13,8 tỷ USD); tăng khoảng 5 tỷ USD so với thời kỳ trước, tập trung vào hạ tầng chiến lược, đứng đầu trong các vùng miền được ưu tiên.

Theo các chuyên gia, có lẽ vấn đề còn lại, 12 tỉnh và 1 thành phố vùng đất “Chín Rồng” tận dụng đòn bẩy này nhanh chóng nắm bắt cơ hội để tạo sự đột phá mạnh mẽ, quyết tâm “ra biển lớn” sau thời gian dài ẩn nhẫn phía sau các tỉnh thành và khu vực khác