Đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển tín dụng xanh hướng đến phát triển bền vững


Ngân hàng với vai trò trung tâm tài chính của quốc gia giữ vị trí then chốt trong việc thúc đẩy tín dụng xanh. Đặc biệt hơn, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng, tín dụng xanh đang được áp dụng như một công cụ tài chính hữu hiệu nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường. Do đó, cần chú trọng triển khai các giải pháp để hệ thống ngân hàng có thể đóng góp hiệu quả hơn vào mục tiêu phát triển bền vững là yêu cầu cấp thiết.

Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 3/2024, dư nợ TDX tại Việt Nam đạt gần 637.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ của nền kinh tế.
Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 3/2024, dư nợ TDX tại Việt Nam đạt gần 637.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Tín dụng xanh còn nhiều dư địa để phát triển

 

Theo số liệu công bố năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước, tỷ trọng này đã tăng từ 0,73% năm 2015 lên đến 4,5% vào năm 2023. Điều này cho thấy sự nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong việc hỗ trợ và phát triển các dự án liên quan đến môi trường.

Theo các chuyên gia, tín dụng xanh (TDX) là một giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải độc hại, hướng nền kinh tế tới mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. TDX là một trong các công cụ hữu hiệu hàng đầu để đối phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và các vấn đề xã hội; tạo ra cơ hội để các tổ chức tài chính, TDX quốc tế đầu tư vốn vào Việt Nam.

Ngoài ra, TDX cũng mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng và xã hội. TDX giúp không chỉ giúp các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi trong và ngoài nước, mà còn có cơ hội nhận được sự hỗ trợ của nhà nước đem lại sự phát triển bền vững của chính doanh nghiệp.

Với vai trò quan trọng đó, những năm gần đây, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã chú trọng đến việc xây dựng các khung pháp lý nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, đặc biệt trong lĩnh vực tín dụng xanh. Nhiều văn bản pháp luật quan trọng đã được ban hành nhằm hỗ trợ các cơ quan, bộ, ngành và địa phương trong thực hiện Chiến lược giảm thiểu phát thải khí nhà kính, điển hình là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết về tín dụng xanh và trái phiếu xanh; Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018 đã phê duyệt Đề án Phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam; Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2012 quy định về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng…

Tín dụng xanh tại Việt Nam tuy mới khởi đầu nhưng cũng đã có những bước tiến thể hiện qua sự tăng trưởng đáng kể về tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh trong tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng.

Theo số liệu công bố năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước, tỷ trọng này đã tăng từ 0,73% năm 2015 lên đến 4,5% vào năm 2023. Điều này cho thấy sự nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong việc hỗ trợ và phát triển các dự án liên quan đến môi trường. Tổng dư nợ tín dụng xanh đã đạt 568.000 tỷ đồng vào năm 2023, điều này cho thấy sự mở rộng quy mô của các dự án thân thiện với môi trường, từ năng lượng tái tạo đến nông nghiệp sạch và quản lý tài nguyên bền vững.

Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 3/2024, dư nợ TDX tại Việt Nam đạt gần 637.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ của nền kinh tế. So với tổng dư nợ tín dụng toàn quốc, tỷ trọng này còn khá nhỏ nhưng đã cho thấy sự quan tâm của các ngân hàng đối với việc tài trợ cho các dự án xanh. Trong đó, các lĩnh vực chủ đạo nhận TDX bao gồm năng lượng tái tạo (chiếm 45%) và nông nghiệp xanh (31%), đây là hai lĩnh vực có tiềm năng phát triển lớn và đang được nhà nước đặc biệt khuyến khích.

Ngoài TDX, trái phiếu xanh cũng đang được phát hành tại Việt Nam. Tính đến nửa đầu năm 2024, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh. Điều này cho thấy một tín hiệu tích cực trong việc huy động nguồn lực tài chính cho các dự án bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Tuy nhiên, trái phiếu xanh vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng giá trị trái phiếu được phát hành và số lượng ngân hàng tham gia vào phát hành trái phiếu xanh khá hạn chế.

Mặc dù, phát triển TDX cũng đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc. Hiện nay, khung pháp lý trong việc quy định các tiêu chuẩn xác định dự án phát triển bền vững và bảo vệ môi trường còn thiếu tính đầy đủ và nhất quán.

Điều này làm cho quá trình đánh giá dự án trở nên phức tạp, gây khó khăn cho các ngân hàng trong việc cung cấp TDX. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ về thuế, bảo lãnh từ chính phủ cho các ngân hàng trong việc cung cấp TDX cũng còn hạn chế.

Bên cạnh đó, các dự án xanh có thể gặp phải rủi ro tài chính cao hơn các dự án khác do chi phí đầu tư ban đầu lớn, thu nhập không ổn định, thời gian hoàn vốn khá dài, điều này có thể khiến các ngân hàng gặp rủi ro. Bên cạnh đó việc thiếu nguồn lực chuyên môn cần thiết để đánh giá các dự án xanh cũng gây khó khăn trong việc đưa ra quyết định giải ngân chính xác.

Đồng bộ các giải pháp phát triển 

Để vai trò của ngân hàng trong phát triển TDX được phát huy mạnh mẽ hơn cần phải có các giải pháp chiến lược và đồng bộ từ cả phía Nhà nước, ngân hàng và các doanh nghiệp.

Theo đó, các cơ quan nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, đưa ra các quy định cụ thể về trái phiếu xanh, TDX và các công cụ tài chính khác. Các quy định cần rõ ràng về các tiêu chí, quy trình xét duyệt và các ưu đãi dành cho các dự án xanh. Đây sẽ là cơ sở để các ngân hàng đánh giá, phân loại và cấp tín dụng cho các dự án xanh một cách kịp thời, hiệu quả.

Đề xuất xây dựng các chính sách hỗ trợ lâu dài cho các dự án xanh, bao gồm việc ưu đãi lãi suất cho các doanh nghiệp triển khai dự án phát triển năng lượng tái tạo, công trình xanh, và nông nghiệp bền vững. Ngoài ra nhà nước cũng cần có cơ chế hỗ trợ đối với các ngân hàng trong việc cung cấp TDX. Các dự án xanh có nguồn vốn đầu tư lớn cần có sự tham gia cố vấn, bảo lãnh của các cơ quan nhà nước và tổ chức có chuyên môn.

Về phía các ngân hàng, cần đa dạng hoá sản phẩm TDX, xây dựng các sản phẩm tài chính đặc thù, từ các khoản vay ưu đãi, trái phiếu xanh, đến các sản phẩm tiết kiệm và quỹ đầu tư xanh. Việc đa dạng hoá sản phẩm sẽ tăng thêm sự lựa chọn cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn TDX.

Ngân hàng chú trọng đầu tư vào các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và blockchain để nâng cao khả năng đánh giá các dự án xanh và giảm thiểu rủi ro. Ngoài ra, việc số hoá các nền tảng sẽ giúp kết nối các nhà đầu tư, các ngân hàng và doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực TDX. Việc này sẽ giúp tiết kiệm chi phí, giảm thiểu thủ tục hành chính và tăng cường sự minh bạch trong các giao dịch TDX.

Các doanh nghiệp cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh và các lợi ích của việc tham gia vào các dự án xanh. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức nhà nước, các tổ chức tín dụng trong việc phát triển các dự án xanh và tiếp cận nguồn TDX.