Đồng bộ các giải pháp thực hiện chiến lược phát triển dự trữ quốc gia giai đoạn 2021-2030

PV.

Trong những năm qua, cơ chế, chính sách pháp luật về dự trữ quốc gia (DTQG) được ban hành về cơ bản đồng bộ, tạo ra khung pháp lý về quản lý DTQG và định hướng cho hoạt động của Ngành; Tổng mức, quy mô DTQG đã từng bước được phát triển và củng cố... Hiện ngành Dự trữ Nhà nước cũng đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm, trọng điểm để hiện thực hóa các mục tiêu cho giai đoạn tới.

Đến cuối năm 2020, tổng mức DTQG có khoảng 11.200 tỷ đồng, tăng gấp 1,25 lần năm 2015 và gấp khoảng 1,7 lần so với năm 2010.
Đến cuối năm 2020, tổng mức DTQG có khoảng 11.200 tỷ đồng, tăng gấp 1,25 lần năm 2015 và gấp khoảng 1,7 lần so với năm 2010.

Trong những năm qua, toàn ngành Dự trữ Nhà nước đã nỗ lực thực hiện Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện.

Theo đó, cơ chế, chính sách pháp luật về DTQG được ban hành về cơ bản đồng bộ, tạo ra khung pháp lý về quản lý DTQG và định hướng cho hoạt động của Ngành. Điển hình như, năm 2012, Luật DTQG được Quốc hội thông qua đã đánh dấu bước phát triển mới, lần đầu tiên trong hoạt động DTQG có Luật chuyên ngành.

Để sớm đưa Luật này vào cuộc sống, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn Luật DTQG và ban hành gần 40 thông tư hướng dẫn các nghiệp vụ liên quan đến công tác quản lý và điều hành hoạt động DTQG.

Bên cạnh đó, tổng mức, quy mô DTQG đã từng bước được phát triển và củng cố. Đến cuối năm 2020, tổng mức DTQG có khoảng 11.200 tỷ đồng, tăng gấp 1,25 lần năm 2015 và gấp khoảng 1,7 lần so với năm 2010. Việc tăng dần quy mô hàng DTQG góp phần tạo sự chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý, điều hành, xuất cấp, phân phối và sử dụng hàng DTQG.

Danh mục hàng DTQG đã được rà soát, sắp xếp và đổi mới; đã xuất giảm, xuất loại ra khỏi danh mục các mặt hàng có thời hạn bảo quản ngắn, không còn phù hợp. Đồng thời, bổ sung những mặt hàng thiết yếu, quan trọng, tiên tiến hiện đại, đưa vào DTQG để đáp ứng yêu cầu xuất cấp trong tình hình mới.

Song song với đó, Công tác quản lý, bảo quản hàng DTQG tại các bộ, ngành đã được tổ chức tốt, chấp hành theo đúng quy định. Việc quản lý chất lượng hàng DTQG đã được các bộ, ngành tuân thủ theo đúng quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; hàng DTQG khi xuất cấp đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng theo quy định.

Đặc biệt, công tác xuất cấp hàng DTQG đã đáp ứng các mục tiêu của DTQG và các nhiệm vụ khác được giao. Trong giai đoạn 2010-2020, ngành Dự trữ Nhà nước đã thực hiện xuất cấp hàng hóa trị giá gần 16.000 tỷ đồng.

Trong đó, xuất cấp trên 1.000 tỷ đồng hàng đảm bảo an ninh, quốc phòng; xuất gần 2.400 tỷ đồng các mặt hàng nông nghiệp, y tế để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; xuất cấp vật tư, thiết bị trị giá trên 1.500 tỷ đồng để phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn; xuất cấp khoảng 2.700 tấn muối ăn, 441.800 tấn gạo để cứu trợ; 600.000 tấn gạo để hỗ trợ học sinh vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn và dự án trồng rừng và 38.200 tấn gạo để viện trợ.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, để thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển DTQG giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040, ngành Dự trữ Nhà nước đề ra các giải pháp trọng tâm, trọng điểm như sau:

Một là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, thực hiện Luật DTQG; đặc biệt là cơ chế, chính sách huy động nguồn lực, khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức và nhân dân các địa phương tham gia hoạt động DTQG.

Hai là, tăng cường lực lượng DTQG theo hướng tập trung vào những mặt hàng chiến lược, thiết yếu, phù hợp mục tiêu của DTQG; phối hợp với các địa phương để chủ động bố trí nguồn lực tại địa bàn, đáp ứng yêu cầu xuất cấp trong tình huống đột xuất, cấp bách; huy động các nguồn lực hợp pháp từ NSNN và các nguồn lực khác trong xã hội để tăng cường nguồn lực DTQG.

Ba là, tăng cường vốn đầu tư xây dựng kho DTQG theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành phê duyệt. 

Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong cả nước để thấy được vị trí, vai trò của hoạt động DTQG, để có trách nhiệm và nghĩa vụ tham gia hoạt động DTQG.