Đồng bộ giải pháp kiểm soát và giảm dần bội chi ngân sách

PV.

Để thực hiện việc huy động vốn trong bối cảnh kiểm soát an toàn nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công.

Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) phát biểu tại buổi Họp báo.
Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) phát biểu tại buổi Họp báo.

Đó là đánh giá của ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) tại buổi Họp báo chuyên đề về Tăng cường kỷ luật, kỷ cương ngân sách nhà nước (NSNN) do Bộ Tài chính tổ chức chiều ngày 25/5.

Với những biện pháp cụ thể triển khai trong thời gian qua, Chính phủ đã thành công trong việc giảm tốc độ tăng nợ công, duy trì tốt tốc độ tăng trưởng, kiểm soát và giảm dần bội chi ngân sách.

Cụ thể, tỷ lệ nợ công/GDP tính đến cuối năm 2017 đã giảm; Dư nợ công đến năm 2017 ở mức 61,4% GDP (năm 2016 là 63,8%GDP), nợ Chính phủ ở mức 51,8% GDP (năm 2016 là 52,8%GDP), trong giới hạn được Quốc hội cho phép. Nợ được Chính phủ bảo lãnh cũng đã giảm, hiện bằng khoảng 9% GDP từ mức khoảng gần 12% trong một số năm qua.

Ông Võ Thành Hưng nhấn mạnh, trong thời gian tới, trước nhu cầu đầu tư phát triển vẫn còn lớn nên vẫn phải tăng cường huy động nguồn vốn vay trong nước, nước ngoài. Do vậy, để thực hiện việc huy động vốn trong bối cảnh kiểm soát an toàn nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia, cần tiếp tục triển khai các giải pháp về cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công, cụ thể:

Một là, khẩn trương xây dựng và ban hành các Nghị định hướng dẫn Luật quản lý nợ công. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ 06 Nghị định, các Nghị định này đang lấy ý kiến thành viên Chính phủ, dự kiến ban hành trong cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6, đảm bảo thực thi từ ngày1/7/2018.

Hai là, đầu tư từ nguồn vốn vay công chỉ tập trung cho các dự án quan trọng, có tác động lan tỏa để từng bước kiểm soát tốc độ gia tăng dư nợ công thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ trượt giá.

Ba là, xác định rõ mức bội chi ngân sách nhà nước và lộ trình cắt giảm bội chi trong trung và dài hạn.

Bốn là, tăng tỷ trọng dự toán chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách nhà nước; Giảm tỷ trọng dự toán chi thường xuyên; Tăng kỳ hạn vay, giảm lãi suất, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Năm là, điều hành thực hiện các kế hoạch tài chính ngân sách, đầu tư công trung hạn, kế hoạch vay, trả nợ công cần đảm bảo dư địa dự phòng rủi ro tiềm ẩn.

Sáu là, đảm bảo cân đối, bố trí đầy đủ nguồn để trả nợ đầy đủ, đúng hạn các khoản gốc, lãi của Chính phủ; Ưu tiên bố trí nguồn tăng thu, tiết kiệm chi cho chi trả nợ để giảm dư nợ Chính phủ, nợ công.

Bảy là, chủ động cân đối nguồn vốn vay trong và ngoài nước theo hướng tối ưu hóa chi phí vay trước bối cảnh Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, không còn khả năng tiếp cận vốn vay ODA với ưu đãi cao như trước đây.