4 thách thức và 3 kịch bản tăng trưởng
Tạo động lực mới, thúc đẩy năng suất lao động nội ngành cần được coi là mệnh lệnh chính trị để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng.
Không nước nào giàu nhờ doanh nghiệp nhỏ
Theo Tổ Tư vấn, nhân tố tạo động lực tăng trưởng thời gian qua là do công cuộc cải cách được tiến hành đồng bộ với những biện pháp quyết liệt, cụ thể, chỉ đạo đi liền với giám sát chặt chẽ đã cải thiện tích cực môi trường đầu tư, kinh doanh. Nhiều chính sách cụ thể, thực chất với tinh thần coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế, đã được ban hành và bước đầu đạt kết quả. Chính sách kinh tế vĩ mô được phối hợp chặt chẽ, điều hành linh hoạt.
Nhưng động lực tăng trưởng hiện nay khó duy trì tính bền vững, lâu dài vì 3 vấn đề lớn: Tiềm năng mở rộng đầu tư sẽ dần bị thu hẹp, khó duy trì được tốc độ tăng DN mới cả về số lượng cũng như vốn đăng ký như trong năm qua; Mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu vào mở rộng đầu tư sẽ bị giới hạn bởi yêu cầu đảm bảo cân đối vĩ mô và nợ trong nước đã ở mức cao so với các nước (tỷ lệ nợ trong nước của Chính phủ và tư nhân năm 2017 là 159% và năm 2020 sẽ lên tới 184% GDP); Thâm hụt cán cân vãng lai có nguy cơ quay trở lại do đầu tư cao hơn tiết kiệm…
“Đầu tư cao nhưng hiệu quả thấp và không tiết kiệm được, chi phí quá lớn khiến lợi nhuận giảm, DN yếu đi… Mô hình tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào vốn; Tăng trưởng đang dựa quá nhiều vào FDI và càng phụ thuộc càng ưu đãi, càng ưu đãi càng thiệt… Cứ như thế thì dù có tăng trưởng cũng chỉ là nhích dần tý một, không giải quyết được vấn đề và đây là điểm sống còn”, TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Đình Cung thì cho rằng trong điều hành giữa các cơ quan và các cấp “đang có sự lẫn lộn”, một phía nỗ lực giảm chi phí cho DN, phía kia lại muốn tăng thuế phí. TS. Lê Xuân Nghĩa nói rằng “không có quốc gia nào giàu có nhờ DN nhỏ. Nợ nước ngoài chỉ có giá trị khi học hỏi được công nghệ và tạo ra được công nghệ nếu không nợ nước ngoài sẽ làm thảm họa. Như vậy ngẫm lại Việt Nam thấy rất đáng lo”.
Nợ có thể tới 184% GDP
Các thành viên Tổ Tư vấn cũng đã chỉ ra 4 thách thức khó khăn lớn nhất của nền kinh tế: Thứ nhất, tạo sự chuyển biến có tính bước ngoặt về chất lượng và đổi mới mô hình tăng trưởng để đảm bảo tăng trưởng nhanh, bền vững vẫn là một thách thức lớn trong những năm tới.
Thứ hai, dư địa để điều hành chính sách kinh tế vĩ mô đã hạn hẹp hơn rất nhiều so với giai đoạn trước năm 2010. Nợ công, nợ Chính phủ hiện đã khá cao làm tăng chi phí trả lãi từ NSNN cũng như hạn chế khả năng vay nợ mới, cơ hội vay ưu đãi nước ngoài bị hạn chế. Trong khi đó, khả năng ứng phó với những biến động từ bên ngoài gây bất lợi đối với kinh tế trong nước sẽ bị ảnh hưởng đáng kể nếu không duy trì và mở rộng được dư địa để điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.
Thứ ba, lực lượng DN Việt Nam còn nhiều hạn chế cả về quy mô và sức cạnh tranh. Trình độ, mức độ ứng dụng công nghệ cũng như năng lực điều hành còn nhiều bất cập, làm hạn chế khả năng tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Thứ tư, đất đai, tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt nhưng hiệu quả sử dụng tăng không đáng kể, bên cạnh đó là quá trình phát triển kinh tế và quá trình đô thị hóa đang gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, biến đổi khí hậu… khiến điều kiện sản xuất thay đổi, môi trường xấu đi ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển nông nghiệp cũng như việc bảo đảm an ninh lương thực.
Khát vọng thì chưa đủ, chủ quan là vấp ngã
“Nền kinh tế cần có động lực mới để duy trì đà tăng trưởng trong những năm tới”, Tổ Tư vấn nhận định và đưa ra dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2018-2020 trên 3 kịch bản chính:
Kịch bản 1: Trong điều kiện bình thường nhưng có cải thiện kỷ luật NSNN và vay nợ của Chính phủ, thâm hụt NSNN có xu hướng giảm liên tục, dự báo ở mức 3,49% GDP vào năm 2020, mức nợ công cũng giảm liên tục xuống còn 60,22% GDP vào năm 2020. Tăng trưởng GDP trung bình đạt 6,71%/năm trong giai đoạn 2018-2020 ở mức dưới 4%/năm. Tăng trưởng xuất khẩu năm 2018 còn 12,15% năm 2018 và năm 2019 giảm còn 9,63%, năm 2020 phục hồi về 2 chữ số. Cán cân thương mại dự báo biến động giữa thặng dư và thâm hụt, trung bình đạt -0,19% GDP trong giai đoạn 2018-2020.
Kịch bản 2: Trong điều kiện tăng trưởng kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn, trong nước có mức độ nới lỏng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ lớn hơn, tổng cầu tăng, thì mức tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2018-2020 là 12,4%/năm. Thâm hụt thương mại (so với GDP) cao và thâm hụt NSNN tăng nhẹ so với kịch bản 1 trong 2019-2020. Nợ công giảm chậm hơn, còn 60,52% GDP vào năm 2020. Tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn kịch bản 1 (đạt mức 6,83%/năm giai đoạn 2018-2020) song đi kèm với áp lực lạm phát lớn hơn (thậm chí vượt 4% vào 2019-2020).
Kịch bản 3: Có đột phá về cải cách thể chế và chính sách kinh tế (trong đó có môi trường đầu tư-kinh doanh, chính sách cạnh tranh, đổi mới sáng tạo) dẫn tới cải thiện vốn đầu tư của khu vực tư nhân, cải thiện hiệu quả của DNNN, tạo được tác động lan tỏa tích cực của DN FDI đối với DN trong nước, đi kèm với cải thiện đáng kể về năng suất: Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình đạt 7,47%/năm giai đoạn 2018-2020. Tăng trưởng có đóng góp chủ yếu từ tăng trưởng TFP, tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2018-2020 đạt 15,51%/năm. Lạm phát thấp hơn một chút so với Kịch bản 1. Thặng dư thương mại (so với GDP) cao hơn so với Kịch bản 1. Thâm hụt NSNN ổn định ở mức dưới 3,5% GDP. Nợ công giảm nhanh hơn, còn 58,28% GDP vào năm 2020.
Các chuyên gia Tổ Tư vấn muốn hướng đến kịch bản 3 tức là phải có đột phá về cải cách thể chế và chính sách kinh tế. Năm 2018 và các năm tiếp theo cần tiếp tục ưu tiên mục tiêu hỗ trợ DN giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tổ tư vấn kiến nghị “chưa tăng thuế đối với DN”.
Thủ tướng nhất trí với các chuyên gia là phải phát triển cao hơn nhưng phải bền vững và động lực chính là tiếp tục đổi mới thể chế quản lý, cải thiện môi trường đầu tư, nâng đỡ DN thông qua giảm chi phí và thủ tục, phát triển mạnh mẽ DN tư nhân và đổi mới DN Nhà nước, tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế. Nhấn mạnh sự lạc quan và khát vọng về sự phát triển, Thủ tướng cho rằng: Chưa thể thỏa mãn. Trong nước còn nhiều bất cập, tình hình thế giới có nhiều biến động gây nhiều lo lắng đòi hỏi phải có biện pháp ứng phó.