Đóng góp của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho nền kinh tế Việt Nam
Sau hơn 35 năm Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội ban hành, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã thể hiện là một nguồn lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế đất nước và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới. Trên cơ sở phân tích khái quát thực trạng thu hút nguồn vốn này trong 10 năm gần đây, bài viết này đánh giá những đóng góp của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
Đặt vấn đề
Hội nhập kinh tế quốc tế đã mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại và đầu tư thế hệ mới, Việt Nam có cơ hội thúc đẩy cũng như mở rộng hợp tác trong khu vực và trên thế giới, giúp tăng cường mở rộng xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn và thu hút nguồn vốn FDI vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển.
Đặc biệt, kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã không ngừng phát triển, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Đất nước theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Có thể khẳng định, đến nay, FDI đã có những đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Tổng quan vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam giai đoạn 2014-2023

Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giai đoạn 2014-2023

Về nguồn vốn đầu tư
Trong giai đoạn 2014-2023, Việt Nam đã thu hút được 302,92 tỷ USD với 25.364 dự án FDI được cấp phép đăng ký đầu tư, tỷ lệ giải ngân đạt 61,1%. Quy mô bình quân 1 dự án đạt 12,27 triệu USD. Trong đó, riêng năm 2023, theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn FDI đăng kí vào Việt Nam đạt 36,61 tỷ USD tăng 32,1% so với năm 2022, mức vốn FDI thực hiện đạt kỉ lục 23,18 tỷ USD chiếm tỷ trọng. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 10 năm gần đây.
Về lĩnh vực đầu tư
Tính đến cuối năm 2023, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18/21 ngành kinh tế quốc dân, trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 23,5 tỷ USD, chiếm 64,2% tổng vốn đầu tư đăng kí và tăng 39,9% so với năm 2022; ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 4,67 tỷ USD, chiếm 12,76% tổng vốn đầu tư đăng kí...
Về đối tác đầu tư
Đã có 111 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư tại Việt Nam; trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,8 tỷ USD chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Nhật Bản đứng thứ hai với gần 6,57 tỷ USD chiếm 17,9% tổng vốn đầu tư, tiếp theo lần lượt là Hong Kong, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan...
Về địa bàn đầu tư
Vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…), như: TP. Hồ Chí Minh, TP. Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, TP. Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, Bình Dương và Đồng Nai. Riêng 10 địa phương này đã chiếm tới 78,6% số dự án mới và 74,4% số vốn của cả nước trong năm 2023.
Đóng góp của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với kinh tế Việt Nam
Trên cơ sở thực tiễn thu hút vốn FDI trong giai đoạn 2014-2023, có thể rút ra những đóng góp quan trọng của nguồn vốn FDI đối với nền kinh tế Việt Nam, cụ thể:
Đóng góp vào tăng trưởng GDP, cho đầu tư phát triển và thu ngân sách nhà nước
Có vai trò ngày càng lớn trong nền kinh tế Việt Nam, FDI là khu vực kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong nền kinh tế trong 10 năm gần đây. Nguồn vốn FDI bổ sung đáng kể vào tổng đầu tư xã hội và thu ngân sách nhà nước. Cụ thể, đóng góp của khối FDI vào tăng trưởng kinh tế đã tăng từ 21,52% giai đoạn 2011-2015 lên 25,1% giai đoạn 2016-2020. Riêng năm 2023, khu vực FDI đóng góp khoảng 22,1% GDP.
Bên cạnh đó, FDI là nguồn vốn bổ sung đáng kể vào tổng đầu tư xã hội. Nếu như giai đoạn 1998-2007, vốn FDI trung bình hàng năm chiếm tỷ trọng 17,7% vốn đầu tư toàn xã hội thì giai đoạn 2013-2021 con số này lên trên 23,5% và dự kiến tỷ lệ này tiếp tục tăng lên trong giai đoạn tới. Khu vực FDI cũng đã đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước, riêng giai đoạn 2016-2022 chiếm tỷ trọng 13,8% tổng thu ngân sách nhà nước, trong đó số thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ khu vực FDI chiếm khoảng 7,5%-8,5% tổng số thu ngân sách nội địa và chiếm khoảng khoảng 39% - 41% tổng số thu thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của khu vực FDI trong nền kinh tế quốc dân.
Gia tăng tỷ trọng xuất khẩu
Trong giai đoạn 2014-2023, cùng với tốc độ tăng trưởng trong tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam có sự đóng góp rất lớn từ các doanh nghiệp khu vực FDI, trung bình hàng năm khu vực FDI đóng góp 70,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Từ năm 2021 đến năm 2023, tỷ trọng này luôn đạt trên 73%.
Tạo tác động lan tỏa công nghệ
Trong những năm gần đây, nguồn vốn FDI đã tạo ra tác động lan tỏa công nghệ, góp phần nâng cao trình độ công nghệ thông qua chuyển giao công nghệ và chuyển giao kỹ năng quản lý cho người Việt Nam, tạo sức ép cạnh tranh, đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp trong nước. Các dự án FDI quy mô lớn đã tạo ra cú hích tác động mạnh mẽ tới kết quả xuất khẩu của các ngành này ở Việt Nam.
Sự hiện diện của các doanh nghiệp FDI trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tạo sức ép, buộc các doanh nghiệp trong nước đổi mới công nghệ, cải thiện sản xuất, gia tăng tìm hiểu thị trường xuất khẩu, tăng cường liên kết thương mại. Lợi thế áp đảo về vốn và công nghệ của các tập đoàn đa quốc gia đã tạo ra những áp lực không nhỏ tới thị phần xuất khẩu cũng như năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa.
Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại
FDI tác động đến cơ cấu kinh tế được thể hiện chủ yếu thông qua cơ cấu vốn đầu tư. Hiện nay, nguồn vốn FDI chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. FDI là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển nhiều ngành công nghiệp và sản phẩm mới, tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp, làm tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế quốc dân nhờ có cơ cấu kinh tế tiến bộ hơn.
Góp phần giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thu nhập cho người lao động
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, trong năm 2023, khu vực FDI giải quyết việc làm cho khoảng 8,5 triệu lao động (tương đương 22,8% tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế Việt Nam). Riêng lao động nữ, khu vực FDI góp phần tạo việc làm cho tỷ trọng lớn lao động nữ trong nền kinh tế, tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, lao động nữ năm 2015 là 2,56 triệu người (chiếm 43,3% tổng số lao động nữ làm việc trong các doanh nghiệp đang hoạt động) và tăng lên 3,12 triệu người (chiếm 45,38%) năm 2020.
Phân tích từ báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, năng suất lao động khu vực FDI cao hơn khoảng 1,4 lần so với khu vực kinh tế nhà nước và cao gấp 7 đến 8 lần so với khu vực dân doanh. Đóng góp của khu vực FDI vào tăng trưởng năng suất lao động còn được tạo bởi tác động dịch chuyển lao động từ khu vực năng suất lao động thấp (chủ yếu từ khu vực nông nghiệp) sang khu vực FDI với năng suất lao động cao hơn (chiếm 64%). Khu vực FDI đã và đang góp phần hình thành đội ngũ lao động có chất lượng cao cho nền kinh tế.
Kết luận
Thu hút nguồn vốn FDI là một mục tiêu quan trọng đối với mỗi quốc gia trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Trong gần bốn thập kỉ kể từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới, Việt Nam được xem là hình mẫu thành công trong thu hút FDI nhờ môi trường đầu tư hấp dẫn, nền tảng chính trị ổn định và tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao. Đặc biệt, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của nguồn vốn FDI như: Góp phần tăng trưởng GDP, bổ sung đáng kể cho đầu tư phát triển và thu ngân sách nhà nước; Gia tăng tỷ trọng xuất khẩu; Tạo tác động lan tỏa công nghệ; Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại; Góp phần giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thu nhập cho người lao động...
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020), 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: Tầm nhìn và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới, Kỷ yếu hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài;
- Cục Đầu tư nước ngoài (2023), Tình hình thu hút Đầu tư nước ngoài giai đoạn 2014-2023;
- Tổng cục Hải quan (2023), Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 12 và 12 tháng năm 2023;
- Tổng cục Thống kê (2023), Niên giám thống kê giai đoạn 2014-2023;
- Phạm Thiên Hoàng (2019), Tầm quan trọng của khu vực FDI đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. http://tapchitaichinh.vn;
- Vũ Huyền Trang (2023), Đóng góp của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2022 và khuyến nghị chính sách. Truy cập ngày 20/01/2024. https://tapchinganhang.gov.vn;
- Nguyễn Tấn Vinh (2017). Nhìn lại giá trị của FDI ở Việt Nam sau gần 30 năm. http://kinhtevadubao.vn.