Ảnh hưởng bất cân xứng của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đến phát triển bền vững ở Việt Nam

Võ Ngọc Thiên Tiên - Trường Đại học Hùng Vương

Nghiên cứu này xem xét tác động bất cân xứng của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến phát triển bền vững (SD) ở Việt Nam. Kết quả cho thấy, trong ngắn hạn chỉ số phát triển bền vững không bị ảnh hưởng bởi nguồn vốn FDI. Tuy nhiên, trong dài hạn có tác động bất đối xứng của vốn FDI đến chỉ số phát triển bền vững ở Việt Nam. FDI giúp nền kinh tế tiếp cận thị trường toàn cầu, tạo thuận lợi cho chuyển giao các nguồn lực như công nghệ tiên tiến và tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; FDI thúc đẩy tiến bộ công nghệ và phát triển bền vững ở Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đặt vấn đề

Việt Nam là một trong các thành viên của Liên Hợp quốc thông qua Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững đến năm 2030. Theo đó, một hệ thống xếp hạng chung có tên là “Chỉ số và Bảng thông tin phát triển bền vững - SDG” để đánh giá tiến trình của các quốc gia trong việc đạt được SDG. Trong đó, vai trò của khu vực công và tư nhân là rất cần thiết trong việc huy động vốn đầu tư vào các dự án SDG. Vì vậy, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước (FDI) ngoài đóng vai trò quan trọng đặc biệt đối với các nước đang phát triển (UNCTAD, 2014).

Theo UNCTAD (2023), FDI toàn cầu giảm 12% vào năm 2022, xuống còn 1,3 nghìn tỷ USD. Sự suy giảm chủ yếu là do khối lượng dòng chảy và giao dịch tài chính ở các nước phát triển thấp hơn. Xu hướng đầu tư thực tế tích cực hơn, với sự gia tăng FDI vào các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, năm 2023 FDI thực hiện đạt 23,2 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022. Đây là động lực quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Tuy nhiên, với định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, việc thu hút FDI cần gắn với chiến lược phát triển bền vững - SD của Việt Nam.

Các nghiên cứu trước đây chỉ tập trung vào vai trò chính của FDI đối với tăng trưởng kinh tế (Adedoyin và cộng sự, 2020; Alvarado và cộng sự, 2017; Hayat, 2018; Owusu-Nantwi và Erickson, 2019), hậu quả môi trường của FDI (Bokpin, 2017; Liu và cộng sự, 2018; Nasir và cộng sự, 2019) và ảnh hưởng của FDI đến SDG (Aust và cộng sự, 2020a; Izadi và Madirimov, 2023; Mukhtarov và cộng sự, 2021; Udemba và Tosun, 2022). Trong khi đó, một số nghiên cứu có xu hướng nghiên cứu về ảnh hưởng của FDI đến SD, chẳng hạn như nghiên cứu của Mukhtarov và cộng sự (2021) về ảnh hưởng của FDI đến SD thông qua việc đo lường phát thải CO2 (Adebayo và cộng sự, 2023). Tuy nhiên, Hosan và cộng sự (2022), Hung (2023) cho rằng, tăng trưởng kinh tế phải phù hợp với các mục tiêu kinh tế - xã hội và môi trường cần thiết để phát triển lâu dài được bền vững, do đó để đo lường phát triển bền vững các tác giả đã xem xét sáu thành phần kinh tế xã hội để ước tính điểm bền vững kinh tế bằng phương pháp PCA. Do đó, nghiên cứu này kế thừa chỉ phát triển bền vững (Hosan và cộng sự, 2022; Hung, 2023) nhằm xem xét tác động của FDI đến SD ở Việt Nam.

Tổng quan nghiên cứu

Các nghiên cứu trước cho thấy, vai trò quan trọng của FDI đến tăng trưởng kinh tế, mối quan hệ giữa FDI và tăng trưởng kinh tế được xác định bởi các mô hình tăng trưởng tân cổ điển truyền thống mà đại diện là mô hình (Solow, 1956). Lý thuyết tân cổ điển về FDI cho rằng, FDI sẽ dẫn đến tăng trưởng kinh tế ở nước tiếp nhận thông qua dòng vốn bơm vào, tăng trưởng lao động cao hơn, năng suất và tiến bộ công nghệ. Có nhiều tài liệu nghiên cứu tác động của FDI tới phát triển kinh tế với các kết quả khác nhau. Chẳng hạn như nghiên cứu của Adedoyin và cộng sự (2020) cho thấy, tác động tích cực của FDI tới tăng trưởng kinh tế (Nguyễn Thị Mỹ Linh và Nguyễn Thị Hoa, 2019; Malikane và Chitambara, 2017; Zhang, 2014). Mặc dù, FDI có những tác động tích cực nhất định đến tăng trưởng kinh tế nhưng mặt trái của FDI là những ảnh hưởng của nó đến môi trường. Chẳng hạn, nghiên cứu của Sarkodie và Strezov (2019) cho rằng, FDI từ các nền kinh tế có thu nhập cao hơn đến các nền kinh tế có vị thế môi trường tương đối yếu có thể gây hại cho người nhận FDI vì nó làm thay đổi các ngành, dịch vụ và công nghệ gây ô nhiễm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và sự bền vững. Cùng quan điểm đó, Ridzuan và cộng sự (2017) cho thấy, dòng vốn FDI có mối tương quan dương với tăng trưởng kinh tế và dẫn đến tính bền vững môi trường cao hơn. Vai trò của FDI đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế của các nước mới nổi, vì nó thu hút nguồn tài chính bên ngoài với số lượng lớn (UNCTAD, 2017).

Theo hướng nghiên cứu khác, (Bokpin, 2017) xác nhận FDI có mối tương quan nghịch với tính bền vững môi trường ở châu Phi. Tuy nhiên, sự hiện diện của chính sách chính phủ làm giảm tác động bên ngoài này. Từ góc độ chính phủ và công chúng, nghiên cứu phát hiện ra, chi tiêu thường xuyên của nợ công và nợ chính phủ có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Cùng quan điểm, Coscieme và cộng sự (2019) cho rằng, việc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững bằng cách tăng trưởng GDP không ngừng sẽ giúp đạt được thành công các mục tiêu khác và gây nguy hiểm cho tính bền vững môi trường. Tuy nhiên, Caiado và cộng sự (2018) cho rằng, sự phát triển bền vững hiệu quả có thể đạt được thông qua quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa các nước phát triển và đang phát triển và tăng trưởng kinh tế phải đi kèm với tiến bộ công nghệ và quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên (Kynčlová và cộng sự, 2020). Nghiên cứu của Aust và cộng sự (2020) cho thấy, mối quan hệ giữa FDI và việc đạt được SDG cho 44 nền kinh tế mới nổi ở châu Phi, trong giai đoạn từ 2015 đến 2018. Nghiên cứu phát hiện, FDI có tác động tích cực đến việc đạt được các mục tiêu SD. Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh, sự hiện diện của FDI cũng có thể có tác động tiêu cực đến môi trường đối với các nước nhận FDI. Đồng quan điểm, Izadi và Madirimov (2023) phát hiện, FDI có tác động tích cực và đáng kể đến chỉ số SDG. Hơn nữa, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, vai trò của FDI có tính quyết định hơn ở những nước thu nhập thấp.

Thiết kế nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu

Mối quan hệ giữa FDI và phát triển bền vững đã được kiểm định thông qua các nghiên cứu thực nghiệm (Ayamba và cộng sự, 2020; Bokpin, 2017; Mukhtarov và cộng sự, 2021). Nghiên cứu này bổ sung bằng chứng thực nghiệm về ảnh hưởng của nguồn vốn FDI đến SD ở Việt Nam. Kế thừa mô hình nghiên cứu Aust và cộng sự (2020) nhằm xem xét mối quan hệ giữa nguồn vốn FDI vào ảnh hưởng đến phát triển bền vững ở Việt Nam, mô hình như sau:

SDt = β0 + β1 FDIt + β2 GDPt + β3 GOVCONSt + μ_t

Trong đó, Biến phụ thuộc của mô hình hồi quy là chỉ số SDi, đại diện cho phát triển bền vững.

Theo Hung (2023) để bền vững, tăng trưởng kinh tế phải phù hợp với các mục tiêu kinh tế xã hội (KT-XH) và môi trường cần thiết cho sự phát triển lâu dài. Các tác giả Hung (2023), Hosan và cộng sự (2022) đều phân tích 6 thành phần KTXH bằng kỹ thuật phân tích thành phần chính (PCA) để khám phá điểm số SD. Kế thừa các nghiên cứu trước, nghiên cứu này tiến hành phân tích 6 thành phần kinh tế gồm: (1) Nông nghiệp, lâm nghiệp và đánh bắt cá; giá trị gia tăng tính theo % GDP; (2) Thương mại tính theo % GDP; (3) Lạm phát (% hàng năm); (4) tăng trưởng dân số được đo bằng tỷ lệ % hàng năm; (5) Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ (% GDP); (6) chi tiêu tiêu dùng cuối cùng (USD năm 2015) được sử dụng để tạo ra chỉ số SD ở Việt Nam thay vì đánh giá độc lập 6 thông số này trong khía cạnh bền vững KTXH. Để đo lường FDI, nghiên cứu này sử dụng dữ liệu FDI vào và chuyển đổi FDI sang dạng logarit như các nghiên cứu trước đây (Aust, Morais và Pinto (2020), Sarkodie và Strezov (2019). Ngoài ra, nghiên cứu sử dụng dữ liệu cho các biến số kinh tế vĩ mô còn lại: GOVCONS, GDP làm biến kiểm soát với GDP là tốc độ tăng trưởng hàng năm của Tổng sản phẩm quốc nội, GOVCONS là tỷ lệ Chi tiêu tiêu dùng cuối cùng của chính phủ so với tổng sản phẩm quốc nội.

Dữ liệu nghiên cứu

Xem xét tính sẵn có và tính nhất quán của dữ liệu cho mô hình hồi quy, giai đoạn lấy mẫu là từ năm 1995 đến năm 2022. Dữ liệu được thu thập từ Công cụ WDI hàng năm cho tất cả các biến sử dụng cho Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Mô hình NARDL chỉ hoạt động tốt khi tồn tại các mối quan hệ đồng liên kết trong các mẫu nhỏ, dữ liệu có thể được áp dụng khi các biến hồi quy dừng ở mức sai phân bậc gốc hay bậc 1 (Liu và cộng sự, 2001). Để kiểm tra độ phù hợp của dữ liệu, nghiên cứu sử dụng kiểm định Im, Pesaran, và Shin (IPS), kết quả kiểm định tính dừng được thể hiện ở Bảng 1. Kết quả nghiên cứu cho thấy, dữ liệu là phù hợp với ước lượng hồi quy NARDL và tiếp tục được đưa vào các bước tiếp theo của nghiên cứu.

Bảng 1: Kết quả kiểm định ADF bằng phương pháp IPS

Biến

Bậc gốc

Bậc 1

t-Stat

Prob.

t-Stat

Prob.

Im, Pesaran and Shin W-stat

-4,48766***

0,0000

-13,1730***

0,0000

SD

-3,0930**

0,0391

-3,0829**

0,0409

FDI

-4,3498***

0,0022

-4,1151***

0,0040

GDP

-5,5490***

0,0001

-5,8597***

0,0001

GOVCONS

-1,2500

0,6373

-5,0236***

0,0004

Ghi chú: ***, **, * tương ứng với mức ý nghĩa 1%, 5% và 10%

Nguồn: Nghiên cứu của tác giả

 

Kiểm định đường Bound cho thấy, tại mức ý nghĩa 1% có giá trị thống kê F (16,430618), lớn hơn giá trị giới hạn đường bao ở mức 1% (I(0) là 3,976; I(1) là 5,691), do đó kết quả này cho thấy giữa các biến trong mô hình có mối quan hệ dài hạn.

Kết quả tác động của FDI đến SD Việt Nam (Bảng 2) với tốc độ tự động điều chỉnh là 78,6% và nó có ý nghĩa thống kê ở mức 1%. Có thể hiểu được rằng, một khi có một sự thay đổi nào đó từ các biến như FDI, GDP và GOVCONS hoặc biến động ngắn hạn sẽ khiến SD lệch từ bảng cân đối dài hạn, nhưng trong quý tiếp theo thì giá trị của những tác động này có xu hướng trở lại cân bằng với tỷ lệ điều chỉnh là 78,6%. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong ngắn hạn GDP sẽ ảnh hưởng đến SD, kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Kurniawan và Managi, 2018 khi cho rằng, để phát triển bền vững Indonesia phải tăng cường đầu tư để đạt được mức tăng ròng về tốc độ tăng trưởng của cải và phải giảm việc khai thác tài nguyên xuống mức mà cơ sở sản xuất của nước này có thể duy trì. Đồng quan điểm đó, Kynčlová, Upadhyaya và Nice (2020) cho rằng, tăng trưởng kinh tế phải đi kèm với tiến bộ công nghệ và quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên sẽ giúp phát triển bền vững. Xét về dài hạn, kết quả nghiên cứu cho thấy các cú sốc tiêu cực và cú sốc tích cực của FDI đều ảnh hưởng đến phát triển bền vững, cụ thể cú sốc tích cực về nguồn vốn của FDI tăng 1% sẽ có tác động tích cực đến chỉ số phát triển bền vững (tăng 8%), tuy nhiên cú sốc tiêu cực về nguồn FDI tăng 1% sẽ có tác động tiêu cực đến chỉ số phát triển bền vững (giảm 14,6%). Kết quả này xác nhận những tác động không cân xứng cú sốc tích cực và cú sốc tiêu cực của nguồn FDI đến phát triển bền vững ở Việt Nam.

Hình 1 cho thấy, các kiểm định Durbin-Watson, kiểm định tự tương quan và kiểm định phương sai sai số thay đổi đều cho kết quả xác nhận rằng mô hình không vi phạm các giả thuyết. Ngoài ra, để kiểm tra sự ổn định cấu trúc trong mô hình NARDL, kết quả kiểm định CUSUM và CUSUMSQ nằm giữa hai đường quan trọng với giá trị 5% thì kết quả không thể bác bỏ giả thuyết Ho, ngụ ý rằng mô hình ARDL là ổn định về cấu trúc trong giai đoạn nghiên cứu.

Bảng 2: Kết quả phân tích hồi quy

Ước lượng mô hình sửa lỗi (ECM) ngắn hạn

Variable

Coefficient

Std. Error

t-Statistic

Prob.

COINTEQ*

-0.785704

0.054463

-14.42641

0.0000

D(FDI_P)

-0.991645

1.876675

-0.528405

0.6033

D(FDI_N)

-5.260534

3.112326

-1.690226

0.1073

D(GDP_P)

21.44122

1.889799

11.34577

0.0000

D(GDP_N)

12.68717

1.943507

6.527978

0.0000

D(GOVCONS_P)

-0.033595

0.025188

-1.333779

0.1980

D(GOVCONS_N)

0.290132

0.070625

4.108036

0.0006

COINTEQ*

-0.785704

0.054463

-14.42641

0.0000

Ước lượng mô hình dài hạn

Variable

Coefficient

Std. Error

t-Statistic

Prob.

SD(-1)*

-0.785704

0.187166

-4.197891

0.0012

FDI_P(-1)

8.082330

2.691849

3.002520

0.0110

FDI_N(-1)

-14.61859

3.990907

-3.662974

0.0032

GDP_P(-1)

11.93702

7.152091

1.669026

0.1210

GDP_N(-1)

23.95418

5.417778

4.421402

0.0008

GOVCONS_P(-1)

-0.076770

0.053168

-1.443916

0.1744

GOVCONS_N(-1)

0.838193

0.157228

5.331084

0.0002

C

2.087602

0.662535

3.150929

0.0084

Nguồn: Nghiên cứu của tác giả

 

Hình 1: Kết quả kiểm định CUSUM và CUSUMSQ Nguồn: Nghiên cứu của tác giả
Hình 1: Kết quả kiểm định CUSUM và CUSUMSQ
Nguồn: Nghiên cứu của tác giả

Kết luận

Nghiên cứu sử dụng mô hình NARDL nhằm xem xét ảnh hưởng bất đối xứng của nguồn FDI đến phát triển bền vững ở Việt Nam. Kết quả cho thấy, trong ngắn hạn chỉ số phát triển bền vững không bị ảnh hưởng bởi nguồn FDI, tuy nhiên, trong dài hạn kết quả nghiên cứu xác nhận tác động bất đối xứng của FDI đến chỉ số phát triển bền vững ở Việt Nam. FDI được coi là nguồn tích lũy vốn hướng vào chủ yếu ở các nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi hoặc đang phát triển. Một cách gián tiếp, FDI giúp ích cho nền kinh tế chủ nhà vì nó tạo điều kiện tiếp cận thị trường toàn cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao các nguồn lực như công nghệ tiên tiến và tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế chủ nhà. Khi FDI vào một quốc gia, nó sẽ mang theo đầu vào và công nghệ mới, dẫn đến tăng trưởng kinh tế gắn liền với phát triển bền vững. Tuy nhiên, với kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, cú sốc tiêu cực sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững, do đó Chính phủ nên thực hiện các giải pháp nhằm thu hút FDI vào Việt Nam hướng tới các ngành bảo vệ môi trường. Để làm được điều đó, trước tiên cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, Chính phủ nên cải thiện nguồn nhân lực bằng cách mở rộng chi tiêu cho giáo dục nhằm tạo ra lực lượng lao động có tay nghề cao có thể tiếp thu hiệu quả công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển, từ đó có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Cuối cùng, Chính phủ nên phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, lĩnh vực năng lượng, các chính sách pháp lý và thể chế để đạt được khả năng cạnh tranh thương mại bền vững hơn. Việc giảm bớt các rào cản hành chính và pháp lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty trong nước tiếp cận nguồn tài chính và tham gia vào các hợp đồng với người tiêu dùng và nhà cung cấp quốc tế.

Tài liệu tham khảo:

  1. Linh;, N. T. M., & Hoa, N. T. (2019). Tác động của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. Tạp chí Khoa học Kinh tế, 7(01), 18–29;
  2. Adedoyin, F. F., Bekun, F. V., Driha, O. M., & Balsalobre-Lorente, D. (2020). The effects of air transportation, energy, ICT and FDI on economic growth in the industry 4.0 era: Evidence from the United States. Technological Forecasting and Social Change, 160, 120297;
  3. Alvarado, R., Iñiguez, M., & Ponce, P. (2017). Foreign direct investment and economic growth in Latin America. Economic Analysis and Policy, 56, 176–187;
  4. Aust, V., Morais, A. I., & Pinto, I. (2020). How does foreign direct investment contribute to Sustainable Development Goals? Evidence from African countries. Journal of Cleaner Production, 245, 118823;
  5. Ayamba, E. C., Haibo, C., Abdul-Rahaman, A.-R., Serwaa, O. E., & Osei-Agyemang, A. (2020). The impact of foreign direct investment on sustainable development in China. Environmental Science and Pollution Research, 27, 25625–25637;
  6. Bokpin, G. A. (2017). Foreign direct investment and environmental sustainability in Africa: The role of institutions and governance. Research in International Business and Finance, 39, 239–247;
  7. Caiado, R. G. G., Leal Filho, W., Quelhas, O. L. G., de Mattos Nascimento, D. L., & Ávila, L. V. (2018). A literature-based review on potentials and constraints in the implementation of the sustainable development goals. Journal of Cleaner Production, 198, 1276–1288;
  8. Coscieme, L., Sutton, P., Mortensen, L. F., Kubiszewski, I., Costanza, R., Trebeck, K., Pulselli, F. M., Giannetti, B. F., & Fioramonti, L. (2019). Overcoming the myths of mainstream economics to enable a new wellbeing economy. Sustainability, 11(16), 4374.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 thang4 2024