Hội Nông dân Việt Nam:

Đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng nông thôn mới

PV.

(Taichinh) - Thời gian qua, Hội Nông dân Việt Nam đã có đóng góp thiết thực đối với sự phát triển chung của đất nước, đặc biệt, trong thực hiện các phong trào phát triển kinh tế - xã hội như: thi đua sản xuất, kinh doanh; thi đua xây dựng nông thôn mới; giúp nhau thoát nghèo; làm giàu trên quê hương… Đặc biệt là đưa ra các kiến nghị tháo gỡ khó khăn về tài chính cho nông nghiệp, nông dân.

 Hình ảnh một nền nông nghiệp hiện đại và bộ mặt nông thôn mới. Nguồn internet
Hình ảnh một nền nông nghiệp hiện đại và bộ mặt nông thôn mới. Nguồn internet

Vai trò của Hội Nông dân Việt Nam:

Đến nay, hầu hết các tỉnh, xã, phường, thị trấn đều có tổ chức Hội Nông dân. Tổng số hội viên cả nước hiện tại lên tới 10,169 triệu người.

Hội đã phát động ba phong trào thi đua lớn, trọng tâm là: Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; Phong trào đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới… các phong trào này tiếp tục phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, đang ngày càng khẳng định vai trò chủ thể của người nông dân. Kết quả to lớn của các phong trào là: Hội viên nông dân đã hiến gần 7,8 triệu m2 đất và đóng góp trên 2.000 tỷ đồng, trên 40 triệu ngày công làm mới và sửa chữa gần 350.000 km đường giao thông nông thôn, kiến tạo 200.000 km kênh mương nội đồng và hàng nghìn nhà văn hóa.

Ngoài ra, Hội đã kêu gọi đóng góp và hỗ trợ xây dựng mới hơn 2.800 mô hình kinh tế tập thể; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động dịch vụ tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Các cấp hội đã tích cực vận động hội viện, nông dân đóng góp ủng hộ Quỹ “Ngày vì người nghèo” và tương trợ, giúp đỡ gần 139 nghìn lượt hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn, với số tiền hơn 300 tỷ đồng, hơn hai triệu ngày công và nhiều vật tư nông nghiệp khác.

Bắt nhập với xu thế hội nhập kinh tế của đất nước, Hội Nông dân Việt Nam đang xây dựng đề án đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế của Hội giai đoạn 2015-2020 và Nghị quyết về đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế của Hội Nông dân Việt Nam trong tình hình mới.

Hỗ trợ của Nhà nước:

Kết quả những đóng góp của Hội không thể thiếu sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Thời gian qua những chính sách ban hành của Chính phủ và các bộ, ngành cũng đã đi nhanh vào cuộc sống, động viên đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân; tạo cơ chế chính sách, nguồn lực và điều kiện để các cấp hội trực tiếp tham gia các hoạt động hỗ trợ người nông dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất cho hội viên, nông dân.

Đặc biệt là các chính sách tài chính như: chính sách về đất đai, chính sách thuế, chính sách tín dụng, chính sách bảo hiểm… đang tập trung vào giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo vệ đất trồng lúa; thu mua tạm trữ; tín dụng nông nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ nông dân khi gặp thiên tai, dịch bệnh mất mùa…

Trong đó, việc xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân đã mang lại hiệu quả, sau hơn 3 năm thực hiện đã góp phần giúp các cấp hội có nguồn lực để tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân, hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Hiện tại, Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp đã giúp cho hơn 111.300 hộ vay vốn xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phầm; các cấp hội cũng đã tổ chức vận động trên 10 triệu hội viên, nông dân tham gia học nghề, phối hợp và trực tiếp dạy nghề cho hơn 1 triệu người; đẩy mạnh 3 phong trào thi đua lớn của Hội. Hàng năm có 8,2 triệu hộ đăng ký phấn đấu trong đó có 4,2 triệu hộ đạt danh hội hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Cùng với sự lãnh đạo chỉ đạo của Chính phủ, vai trò của Hội nông dân Việt Nam đã thể hiện ngày càng rõ, tuy nhiên, Ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Việt Nam cũng nhận định: “Thời gian qua, công tác hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể còn lúng túng. Việc xây dựng, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hợp tác, tổ hợp tác, trang trại, gia trại; liên kết, liên danh trong tiêu thụ sản phẩm còn chậm. Hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân và chất lượng dạy nghề hiệu quả chưa cao…”.

Nhiệm vụ của Hội Nông dân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay:

Để khẳng định hơn nữa vai trò là hiệp hội bảo vệ và giúp đỡ người nông dân trong sản xuất và ổn định đời sống, Hội Nông dân Việt Nam cần thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

+ Góp phần thúc đẩy các hoạt động tái cơ cấu nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa nông sản.

+ Góp phần đẩy mạnh mối liên kết chặt chẽ trong sản xuất nhằm hình thành các chuỗi giá trị, tạo giá trị gia tăng cao.

+ Góp phần đẩy mạnh thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

+ Thúc đẩy hơn nữa việc triển khai hoạt động đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn nhằm nâng cao chất lượng lao động trong nông nghiệp, góp phần chuyển dịch lao động nông nghiệp sang làm việc tại khu vực công nghiệp, dịch vụ và thu hút doanh nghiệp về đầu tư ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.

+ Quan tâm hơn nữa trong nghiên cứu, đề ra các chính sách và kiến nghị các cấp, các ngành thực hiện công tác chăm lo đời sống cho người nông dân; tăng cường vai trò của Hội trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, trong giám sát việc chấp hành, thực hiện chính sách, phản biện chính sách, đưa chính sách đi vào cuộc sống…

+ Hội Nông dân Việt Nam phải thể hiện rõ vai trò to lớn, tích cực trong xây dựng xã hội nông thôn Việt Nam theo hướng văn minh, phát triển, xóa bỏ khoảng cách với thành thị và các vùng miền.

Kiến nghị của Hội Nông dân Việt Nam:

Thực tế thời gian qua cho thấy, khi người nông dân gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, có một số mô hình ra đời đã phần nào giải quyết các bức xúc xảy ra. Chẳng hạn như: Mô hình cho hợp tác xã thu mua tạm trữ lúa gạo. Thực hiện mô hình này giảm thiểu cho người nông dân mối lo khi được mùa lại mất giá; bị thương lái ăn chặn; chính sách hỗ trợ qua thu mua tạm trữ của Nhà nước không đến được người nông dân; xuất khẩu dồn ứ, ế đọng… Mô hình cho vay theo chuỗi liên kết (đây là một phương thức mới trong tài trợ cho lĩnh vực tam nông). Phương thức cho vay này có tính pháp lý cao, có mối ràng buộc chặt chẽ giữa ngân hàng thương mại (NHTM); nhà máy, doanh nghiệp; và người nông dân. Thông qua vốn do các doanh nghiệp, nhà máy (được NHTM cho vay) chuyển giao đã giúp người nông dân, không những có đủ vốn mở rộng sản xuất mà còn có địa điểm để tiêu thụ… Để phát huy hết tác dụng của các mô hình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Hội Nông dân Việt Nam đã kiến nghị các bộ, ngành triển khai các hoạt động đầu tư bổ trợ như: đầu tư hạ tầng đường giao thông nông thôn, đầu tư kho bãi, đầu tư khoa học công nghệ và đào tạo nhân lực… Hiện nay, hạ tầng nông thôn còn rất yếu và thiếu.

Gắn bó mật thiết với ngành nông nghiệp và đời sống nông dân, dựa vào tổng kết, đánh giá tình hình thực tế, Hội Nông dân Việt Nam đã kiến nghị các ngành, các cấp xem xét các chính sách để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nông nghiệp và nông dân như:

+ Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;

+ Chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng các hợp tác xã nông, lâm, ngư và diêm nghiệp;

+ Tạo cơ chế, chính sách, nguồn vốn để hỗ trợ nông dân xây dựng hệ thống kho chứa bảo quản nông sản đủ lớn ở các vùng chuyên canh.

+ Bố trí nguồn lực để Hội Nông dân Việt Nam nhân rộng mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi;

Đây là các kiến nghị thiết thực, giúp chăm lo bảo vệ quyền lợi cần thiết và chính đáng cho người nông dân. Chính phủ, các bộ, ngành… cần quan tâm, chung tay giúp đỡ để chính sách tam nông do Đảng đề ra mới có thể nhanh chóng thành công.