Đồng Libra của Facebook: Quyền lực và rủi ro
Việc Facebook mới đây thông báo sẽ triển khai đồng tiền mã hoá Libra và dự kiến giao dịch chính thức từ năm 2020 đang gây xôn xao cộng đồng quốc tế. Theo giới phân tích, đồng tiền này có thể tạo nên cơn địa chấn trong ngành tài chính toàn cầu.
Quyền lực của Libra?
Về cơ bản, tiền tệ phải có các chức năng là thước đo giá trị, phương tiện trao đổi, phương tiện thanh toán, phương tiện tích lũy và phải đảm bảo giá trị ổn định, tạo được niềm tin cùng sự tín nhiệm của cộng đồng.
Về thước đo giá trị, đồng Libra sẽ được “neo” theo giá trị trung bình của rổ tiền tệ thế giới, gồm USD, GBP, Euro và franc Thụy Sĩ - những đồng tiền có giá trị lớn nhất hiện nay và đảm bảo được sự ổn định nhất.
Về phương tiện trao đổi, với hơn 2,4 tỷ người dùng, Facebook đang có lượng thành viên lớn hơn bất kỳ dân số của quốc gia nào trên thế giới; và nhiều người trong số này xem Facebook là một dịch vụ không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Do đó, nếu mạng xã hội này tung ra đồng Libra, ắt hẳn nó sẽ dễ dàng được các thành viên chấp nhận như một phương tiện trao đổi chính thức, ít nhất là trong cộng đồng mạng xã hội này.
Theo thông báo từ Facebook, các công ty đóng góp tối thiểu 10 triệu USD được xem là thành viên sáng lập của Libra Association - tổ chức quản lý Libra.
Hiện đã có 27 công ty công nghệ xác nhận là đối tác tham gia cùng Facebook, trong đó có một số cái tên lớn như Paypal, Ebay, Spotify, Uber, Lyft, Visa, Mastercard...
Thanh toán mở rộng như thế, Libra được “chống lưng” rất mạnh và có thể trở thành phương tiện thanh toán mạnh mẽ nhất trong nền kinh tế số hiện nay, đặc biệt mang lại lợi ích lớn cho người dân tại các nước phát triển, nơi mà các dịch vụ phổ biến gần như không thể thiếu được trong cuộc sống hằng ngày.
Đối với những quốc gia đang phát triển, nền kinh tế mất ổn định hoặc lạm phát cao, Libra cung cấp một kênh đầu tư để tích lũy và bảo vệ giá trị tài sản trước sự mất giá tiền tệ tại các nước này.
Một ví dụ thấy rõ như tại Venezuela, lạm phát phi mã đã thúc đẩy người dân nước này đổ tiền mua Bitcoin, nhưng Bitcoin lại thiếu ổn định do giá cả bị thả nổi và có thể bị thao túng. Việc mua USD thì gặp nhiều hạn chế và không thể chuyển ra nước ngoài. Nay Libra nếu được triển khai có thể sẽ giải quyết được những hạn chế đó.
Facebook cũng khẳng định Libra là một "đồng tiền ổn định", do có giá trị gắn với tài sản thực, vì thế sẽ tránh những biến động lớn như Bitcoin.
Chỉ có một cách tăng số lượng Libra đang lưu hành là người dùng sử dụng các loại tiền tệ khác, như USD, Euro, CNY hay JPY để mua Libra, và số tiền này được coi là "tài sản đảm bảo". Lượng tài sản đảm bảo của đồng Libra sẽ được để trong ngân hàng hoặc đầu tư vào các tài sản sinh lãi có rủi ro thấp, như trái phiếu chính phủ Mỹ. Và, đó cũng là cơ sở để Libra có được sự tin tưởng của người dùng.
Những rủi ro gì?
Theo thông báo, các giao dịch Libra sẽ được ghi lại bằng nền tảng công nghệ chuỗi khối - Blockchain. Facebook cũng sẽ tung ra chiếc ví Calibra như một công ty riêng biệt và hứa sẽ không kết hợp dữ liệu người dùng với các ứng dụng khác, như Facebook và Instagram, trừ khi được cho phép.
Vì vậy, về lý thuyết, chỉ Calibra mới có hồ sơ về giao dịch. Dù vậy, rủi ro bị tin tặc đánh cắp giống như đã xảy ra ở các loại tiền mã hoá khác sẽ không thể bị loại trừ. Trước tình hình hàng loạt tài khoản Facebook bị “hack” dễ dàng do người dùng dễ bị sập bẫy, thiếu kiến thức, thì rõ ràng việc sở hữu ví Calibra cũng đối mặt với những rủi ro tương tự.
Về rủi ro thanh khoản, Libra có thể xem là một dạng “stable coin”, tương tự như đồng USD điện tử (USDT) do Tether phát hành, theo đó người mua 1 USDT sẽ được bảo chứng bằng 1 USD của Tether gửi tại ngân hàng.
Tuy nhiên, trước đây cũng đã có những cáo buộc lượng USD mà Tether nắm giữ và gửi tại ngân hàng không đủ đảm bảo cho số lượng USDT mà tổ chức này đã phát hành.
Điều tương tự liệu có xảy ra ở Libra trong tương lai, có những công ty kiểm toán nào đáng tin cậy để xác nhận số tài sản mà Facebook đang sở hữu và gửi tại ngân hàng có tương thích với lượng Libra được phát hành?
Liệu khi nhiều người dùng đồng loạt yêu cầu được bán lại Libra cho Facebook, thì tổ chức này có mất thanh khoản như tình trạng diễn ra trong ngành ngân hàng?
Về rủi ro bị cấm đoán, dù Facebook cho biết đã làm việc với nhiều tổ chức tài chính, các ngân hàng trung ương và có thể nhận được sự hỗ trợ; nhưng chắc chắn đồng tiền này sẽ vấp phải sự phản ứng và không loại trừ việc bị cấm tại các nền kinh tế khác.
Lý do là vì người dân có thể dùng tiền mua Libra, rồi Facebook dùng lượng tiền đó đem gửi ngân hàng hoặc mua trái phiếu chính phủ Mỹ để sinh lợi. Rõ ràng, tuy cung cấp cho người dân nước khác cơ hội nắm giữ một loại tiền tệ khác nhưng hệ quả là dòng vốn lại chảy sang Mỹ.
Libra cũng có thể đối mặt với rủi ro sụt giảm giá trị do ảnh hưởng từ công việc kinh doanh của Facebook, khi mạng xã hội này đã gặp quá nhiều tai tiếng, nhất là trong vấn đề liên quan bảo mật dữ liệu người dùng.
Một số chuyên gia tài chính cho rằng, Libra có thể làm mất hiệu lực các lệnh cấm vận của Mỹ đối với một quốc gia nào đó. Nhưng liệu Facebook, vốn là một doanh nghiệp Mỹ, phải tuân theo luật pháp của Mỹ, mà theo đó có thể phong tỏa bất kỳ tài khoản ví Calibra nào theo yêu cầu từ Chính phủ Mỹ với cáo buộc rửa tiền, tài trợ khủng bố hay đơn giản chỉ là một lý do “trời ơi đất hỡi”, thì người dùng liệu có an tâm?