Động lực để doanh nghiệp phục hồi, tái sản xuất, kinh doanh
Theo thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, đến nay có khoảng 95% doanh nghiệp trong tỉnh phục hồi, tái sản xuất, kinh doanh (SXKD). Đây là tín hiệu đáng mừng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh trong bối cảnh dịch bệnh.
Đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam, đã tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội cả nước, nhất là các tỉnh phía Nam. Tại Sóc Trăng, do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên tỉnh đã áp dụng Chỉ thị số 16 của Thủ tướng 2 lần.
Đặc biệt, nhiều người lao động ngoài tỉnh ồ ạt trở về quê; các nhà máy đã xuất hiện F0 nên phải ngừng hoạt động, doanh nghiệp bị đứt gãy một phần chuỗi cung ứng và liên kết chuỗi giá trị, bị giảm doanh thu, lợi nhuận và phải dừng hoạt động...
Để giúp doanh nghiệp tái SXKD, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục ban hành nhiều chính sách để tiếp sức giúp doanh nghiệp phục hồi, mở rộng sản xuất như: giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ người lao động và người sử dụng tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; giảm 1% bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động... Các chính sách này chính là động lực giúp doanh nghiệp có điều kiện tái hoạt động, tăng trưởng.
Với số lượng 400 công nhân lao động, nhưng số người đồng ý thực hiện sản xuất 3 tại chỗ chỉ hơn 40 người khi Sóc Trăng thực hiện Chỉ thị số 16 để phòng, chống dịch bệnh nên Công ty Cổ phần May Nhà Bè Sóc Trăng phải tạm ngưng hoạt động hơn 1 tháng.
Theo chị Lê Thị Lệ Hà - Trưởng Phòng Nhân sự và Tiền lương, công ty ngưng hoạt động đồng nghĩa với việc đơn hàng không giao được, thu nhập người lao động cũng không còn. Nhưng với sự hỗ trợ từ các chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công ty đã tiếp cận được nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh để trả lương ngừng việc cho người lao động, giúp công ty có nguồn lực tái hoạt động, mở rộng sản xuất. Hiện số lượng công nhân lao động tại công ty là trên 500 người, tăng khoảng 100 lao động so với trước thời điểm dịch bệnh; số lượng chuyền may cũng tăng từ 7 lên 10 chuyền; dự kiến công ty sẽ tuyển thêm 250 lao động mới đáp ứng được các đơn hàng từ nay đến cuối năm.
Chị Hà cho biết thêm, đến thời điểm hiện tại, công ty đã thực hiện đạt 80% kế hoạch và dự kiến sẽ đạt chỉ tiêu đề ra trong năm 2021, bởi nguồn nguyên liệu có thể đáp ứng các đơn hàng mới đến năm 2022. Với sự tiếp sức từ các chính sách, tháo gỡ khó khăn kịp thời của chính quyền địa phương, đồng thời tranh thủ tối đa nguồn lao động trở về từ các tỉnh, công ty sẽ tiếp tục mở rộng nhà xưởng, sản xuất trong thời gian tới.
Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng Trịnh Bích Tuyền cho biết, hiện ngân hàng đã tiếp nhận đơn xin vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất của 9 doanh nghiệp trong tỉnh và đã giải ngân cho 1 doanh nghiệp với số tiền trên 800 triệu đồng và đang tiếp tục giải ngân trong thời gian tới. Các doanh nghiệp có nhu cầu và đủ điều kiện sẽ được tiếp cận nguồn vốn vay này với lãi suất 0% trong thời hạn 11 tháng từ gói hỗ trợ 7.500 tỉ của Trung ương. Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn sớm nhất có thể.
Ngoài việc được vay vốn với lãi suất ưu đãi thì các tổ chức tín dụng trong tỉnh còn thực hiện giảm lãi suất, giãn nợ liên tục cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động cho 1.091 đơn vị (tổng số lao động là 35.396 người); hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 4 đơn vị (với 2.720 người lao động); giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 cho 1.060 đơn vị (với 34.377 lao động); hỗ trợ kinh phí cho 460 hộ kinh doanh… với tổng kinh phí thực hiện là hàng chục tỉ đồng theo quy định.
Song song đó, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thường xuyên lắng nghe, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong mùa dịch, nhất là lưu thông hàng hóa, ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân lao động, hỗ trợ thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại doanh nghiệp… góp phần tiếp thêm nguồn lực để doanh nghiệp phục hồi, tái SXKD “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu kép.